Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Cập nhật: 10:20 ngày 03/09/2020
(BGĐT) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số và triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, TP thuộc tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020-2025”. Đây là bước đột phá nhằm nâng cao hơn nữa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong thời gian tới. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bắc Giang có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Xin ông cho biết thực tiễn triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, TP (DDCI) trên cả nước những năm qua nói chung, tại tỉnh Bắc Giang nói riêng?

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, điều tra đánh giá DDCI là một phiên bản PCI cấp sở, ban, ngành, huyện, TP; đến năm 2019 có 42/63 tỉnh, TP trên cả nước đã hoặc đang triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, có mối tương quan giữa việc đánh giá DDCI và kết quả PCI ở các địa phương. Cụ thể, với điểm số PCI gốc ở những địa phương nào có tiến hành đánh giá DDCI thì cao hơn đáng kể so với những địa phương chưa tiến hành đánh giá DDCI.

{keywords}

Công dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh.

Ông Nguyễn Cường: Đối với Bắc Giang, năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 và các năm tiếp theo, trong đó đã tổ chức khảo sát ý kiến đánh giá của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đối với việc thực hiện thủ tục hành chính, trách nhiệm phục vụ của một số sở, ngành và UBND huyện, TP. Kết quả sau 5 năm thực hiện, môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, điểm số PCI hằng năm liên tục tăng, đưa Bắc Giang từ nhóm có chất lượng điều hành trung bình lên nhóm khá.

Việc đánh giá DDCI của tỉnh Bắc Giang tuy đã được triển khai từ năm 2015 nhưng chưa xây dựng thành Bộ chỉ số DDCI một cách bài bản, hệ thống. Do đó chưa so sánh được kết quả chuyển biến các năm về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ban, ngành và các huyện, TP để từ đó các đơn vị xác định trọng tâm cải cách, lựa chọn và triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời.

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai DDCI giai đoạn 2020-2025. Đề nghị ông cho biết nguyên tắc xây dựng Đề án và phạm vi, quy mô khảo sát?

Ông Nguyễn Cường: Có 6 nguyên tắc căn bản, trước hết là Bộ chỉ số DDCI được xây dựng phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, dựa trên thực tiễn rà soát, đánh giá sát với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và huyện, TP liên quan trực tiếp tới chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh.

Mục tiêu khảo sát theo Bộ chỉ số DDCI hướng đến thu thập đánh giá của DN về chất lượng điều hành của các cơ quan nhà nước tại tỉnh, cụ thể là giải quyết thủ tục hành chính và các công việc liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Đối tượng được khảo sát gồm một số sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, một số cơ quan ngành dọc T.Ư trên địa bàn tỉnh và 10 huyện, TP...

Các nội dung đánh giá cần phản ánh được cảm nhận của đối tượng điều tra về kết quả xử lý các thủ tục hành chính nói riêng, năng lực và thái độ của cán bộ, công chức từng sở, ban, ngành và huyện, TP.

Việc xây dựng và triển khai đánh giá DDCI phải khả thi phù hợp với bối cảnh và khả năng thực hiện; bảo đảm triển khai được trên diện rộng và thu thập được dữ liệu chất lượng để đánh giá, so sánh.

Phương pháp xây dựng các chỉ số thành phần, cách thức tiến hành khảo sát và phân tích kết quả cần phản ánh trung thực, khách quan cảm nhận của các đối tượng trong mẫu điều tra; việc chọn mẫu khảo sát phải khoa học qua các phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, thể hiện tính đại diện và độ tin cậy.

Kết quả rút ra từ khảo sát đánh giá DDCI phải có ý nghĩa đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực điều hành kinh tế cấp sở, ngành và cấp huyện, từ đó góp phần vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chung của toàn tỉnh một cách hiệu quả.

Phiếu trả lời khảo sát DDCI cần mã hóa và lưu trữ, bảo mật danh tính của DN, tổ chức phản hồi khảo sát để tạo dựng lòng tin của người trả lời phiếu khảo sát; bảo mật thông tin kết quả đánh giá DDCI cho đến thời điểm tổ chức công bố.

Phạm vi, quy mô khảo sát sẽ là các DN, HTX, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật (gọi chung là DN) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và triển khai đầu tư dự án trên phạm vi toàn tỉnh, trong khoảng thời gian 2 năm gần nhất đến thời điểm khảo sát. Số lượng dự kiến nhận thư mời khảo sát từ 2,5 - 3 nghìn DN; kỳ vọng tỷ lệ hồi đáp 25 - 30%.

Xin ông cho biết những đổi mới trong việc xây dựng Bộ chỉ số DDCI lần này so với những lần trước?

Ông Nguyễn Cường: Lần này có sự thay đổi cả về quy mô và cách thức đánh giá. Bộ chỉ số thành phần của DDCI tiệm cận rất gần với Bộ chỉ số thành phần của PCI. Nghĩa là, các chỉ số thành phần và các chỉ tiêu có tính đại diện và là mẫu số chung để so sánh về năng lực quản lý, điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và giữa các huyện, TP. 

Mỗi chỉ số thành phần được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu khác nhau. Các chỉ số và chỉ tiêu cũng cho phép xác định được những điểm mạnh, điểm yếu trong công tác điều hành và từ đó chỉ ra đầu mối chịu trách nhiệm đối với các hành động nhằm phát huy thế mạnh và khắc phục những tồn tại. Điều này, những lần khảo sát đánh giá trước chưa làm được triệt để.

Bộ chỉ số DDCI chia làm hai nhóm: Thứ nhất, áp dụng cho cấp huyện, TP sẽ bao gồm 9 chỉ số thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; khả năng tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh; chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ DN; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của chính quyền huyện, TP; vai trò người đứng đầu UBND huyện, TP. Thứ hai, đối với các sở, ngành tỉnh có 8 chỉ số thành phần như trên, chỉ khác là không có chỉ số khả năng tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh.

{keywords}

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) kiểm tra, rà soát các mẫu phiếu khảo sát đánh giá DDCI tới đây.

Cơ chế giám sát quá trình khảo sát, đánh giá DDCI được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Cường: Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh cho phép Hiệp hội DN tỉnh chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh và một số cơ quan liên quan thực hiện giám sát quá trình triển khai khảo sát đánh giá DDCI để bảo đảm tính minh bạch, khách quan và chất lượng. Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng ủy khối DN tỉnh phối hợp giám sát quá trình triển khai khảo sát, đánh giá DDCI. 

Nội dung giám sát, gồm: Việc lựa chọn danh sách DN thuộc phạm vi chọn mẫu; số lượng phiếu khảo sát phát ra theo kế hoạch và phương thức khảo sát; số lượng phiếu thu về bảo đảm thuộc phạm vi danh sách DN chọn mẫu; việc loại bỏ các phiếu thu về không hợp lệ; việc cập nhật dữ liệu từ phiếu khảo sát hợp lệ vào phần mềm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện tốt công tác CCHC, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh (*)
(BGĐT) - Sáng 1/7, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020; triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030. Báo Bắc Giang trích đăng bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái tại hội nghị. 
Việt Nam tăng bậc nhiều nhất về năng lực cạnh tranh
Việt Nam hiện là nền kinh tế cạnh tranh thứ 67 thế giới, tăng 10 bậc so với năm ngoái, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Bắc Giang nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Quyết liệt, rõ việc từng bộ phận
(BGĐT) - Nhằm tăng điểm cho chỉ số PCI của tỉnh Bắc Giang, gần đây, một số ngành, địa phương đã chỉ đạo triển khai biện pháp quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, minh bạch thông tin liên quan đến thu hút đầu tư, từ đó giúp các doanh nghiệp (DN) sớm bắt tay vào sản xuất, kinh doanh.
Bắc Giang: Quyết liệt cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
(BGĐT) - Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, theo đó chỉ số PCI 2018 của Bắc Giang đạt 63,01 điểm, xếp hạng 36/63 tỉnh, TP (giảm 6 bậc so với năm 2017). Để làm rõ nguyên nhân và xác định giải pháp, nhiệm vụ nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới, sáng 6-6, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, huyện, TP. 
Bắc Giang vươn lên nhóm khá trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
(BGĐT)- Sáng nay (28-3), tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018. Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã vươn từ nhóm trung bình lên nhóm khá trong bảng xếp hạng với tổng số điểm tăng từ 62,20 điểm (năm 2017) lên 63,01 điểm (năm 2018) trên thang điểm 100.

Đỗ Thành Nam (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...