Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lợi ích "kép" từ sử dụng điện năng lượng mặt trời

Cập nhật: 14:00 ngày 18/09/2020
(BGĐT) - Từ năm 2017, tỉnh Bắc Giang bắt đầu triển khai các mô hình trình diễn, thí điểm về điện năng lượng mặt trời (NLMT) để khuyến khích hộ dân, doanh nghiệp (DN) và đơn vị sự nghiệp tham gia. Đây là biện pháp hữu hiệu, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp ngành điện giảm áp lực trong hoạt động cung ứng điện năng. 

Hiệu quả rõ rệt

Mô hình điện NLMT là việc sử dụng các tấm pin năng lượng, hấp thụ ánh sáng mặt trời tạo ra nguồn điện. Tấm pin này thường được lắp đặt trên các mái nhà với diện tích tối thiểu cho 1kWp là khoảng 7,2 m2. Mô hình hiện đang được áp dụng và cho hiệu quả rõ rệt.

{keywords}

Hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà Sở Công Thương.

Đầu tháng 6/2020, gia đình ông Nguyễn Văn Phong, tổ dân phố Phú Mỹ 3, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) lắp điện NLMT với 20 tấm pin, công suất 7,4 kWp, chi phí hơn 200 triệu đồng. Theo ông Phong, do mở cửa hàng kinh doanh, nhà đông người nên dùng nhiều thiết bị điện, có tháng cao điểm phải trả tới 3-4 triệu đồng tiền điện. Vào mùa hè, tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh. 

Từ khi chuyển sang lắp đặt hệ thống điện mặt trời, điện chạy tốt, lượng dùng không hết bán lại cho ngành điện. Theo tính toán của ông Phong, chỉ khoảng 10 năm là gia đình hoàn vốn đầu tư hệ thống điện NLMT. Thấy được lợi ích của việc dùng nguồn điện này, nhiều hộ dân trong vùng đã đến học hỏi kinh nghiệm, tham khảo để lắp đặt.

Sử dụng điện NLMT còn có xu hướng tăng ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và DN. Tháng 7/2019, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) lắp đặt hệ thống điện NLMT cấp điện cho tòa nhà làm việc của Văn phòng Tỉnh ủy từ dự án khuyến công cấp tỉnh. 

Theo đó, Trung tâm lắp đặt 34 tấm pin năng lượng mặt trời trên tổng diện tích 180 m2. Tổng công suất hoạt động đạt 10,2 kWp, trung bình mỗi ngày cung cấp nội bộ khoảng 35,547 kW, đáp ứng khoảng 40% lượng điện năng đơn vị tiêu thụ hằng ngày. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, đơn vị tiết kiệm được một phần kinh phí cho việc chi trả tiền điện. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục lắp thêm 34 tấm pin NLMT nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện toàn bộ tòa nhà 3 tầng của Văn phòng Tỉnh ủy.

Đầu tháng 8/2020, Sở Công Thương lắp đặt 26 tấm pin NLMT trên đỉnh mái tòa nhà của đơn vị. Trung bình mỗi ngày lượng điện tạo ra từ 20-55 kWp tùy theo mức độ nhiệt/ngày. Qua đó giúp đơn vị tiết kiệm từ 30-35% lượng điện/tháng so với trước.

Nhiều DN lớn như: Công ty TNHH Vina Solar Technology, Công ty TNHH Vật liệu điện tử Việt Nam, Công ty TNHH Crystal Martin (Việt Nam)... ở Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên) cũng tận dụng tối đa hệ thống mái nhà, công trình để lắp tấm pin NLMT phục vụ sản xuất.

Khuyến khích nhân rộng

Theo Sở Công Thương, tính đến ngày 31/8/2020, toàn tỉnh có 377 khách hàng lắp đặt công trình điện NLMT áp mái với tổng công suất 6.027,70 kWp. Thực tế cho thấy, việc phát triển điện mặt trời đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Sản lượng điện sản xuất hằng ngày dùng không hết được ngành điện mua lại, tạo ra nguồn lợi nhuận đáng kể. Cùng đó, phần mái được cách nhiệt bằng hệ thống tấm pin NLMT còn giúp giảm nhiệt cho ngôi nhà; góp phần giảm áp lực lên phụ tải lưới điện, tiết kiệm chi phí phát triển đường dây truyền tải.

Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (Quyết định 13) về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, thay thế cho Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019. Theo đó, giá mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời mái nhà là 1.943 đồng/kWh được áp dụng cho tất cả các dự án đưa vào vận hành từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2020 và có hiệu lực trong vòng 20 năm.

Tại Bắc Giang, từ năm 2017 tỉnh đã thực hiện các chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà bằng một số hình thức khác nhau song tăng trưởng còn chậm, quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ dân lắp đặt nhằm mục đích tiết kiệm điện. Nguyên nhân là do chi phí ban đầu khá lớn, chỉ những hộ có kinh tế khá mới tham gia được; trung bình phải đầu tư từ15-30 triệu đồng/kW. Tại các khu công nghiệp có nhu cầu cao về nguồn điện NLMT nhưng lại vướng mức trần 1MV (phải được Bộ Công Thương cấp phép) nên mới có 5 đơn vị thực hiện.

Điện mặt trời đang là xu hướng được khuyến khích sử dụng, góp phần tạo thêm nguồn năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng xanh và bền vững. Do vậy ngay sau khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch thực hiện. 

Để triển khai hiệu quả, ông Trần Đức Hoàn, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) cho biết: Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu vực dân cư và mái nhà xưởng trong khu, cụm công nghiệp. Triển khai lựa chọn khoảng 10 cơ quan nhà nước có đủ điều kiện thực hiện thí điểm lắp đặt điện mặt trời mái nhà với công suất 10kWp/đơn vị. 

Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Bắc Giang hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cá nhân xây dựng các mô hình thí điểm về điện NLMT; hoàn thiện hồ sơ thủ tục hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà; theo dõi giám sát các công trình điện mặt trời. Sở Tài chính bố trí kinh phí thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các trụ sở nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống điện mặt trời.

“Hiện toàn tỉnh đã có 315 khách hàng có sản lượng điện NLMT phát lên lưới điện quốc gia. Trong đó, 307 khách hàng đã được thanh toán tiền. Thời gian tới, chúng tôi tăng cường quảng bá, nhân rộng các dự án nhỏ và vừa tại các gia đình, cơ quan, đơn vị, DN, phấn đấu nâng tổng công suất của toàn tỉnh lên cao. Tuyên truyền các chính sách tín dụng, quy trình thủ tục tiếp cận nguồn vốn để phát triển điện mặt trời đến mọi đối tượng”, ông Trần Đức Hoàn chia sẻ.

Pin năng lượng mặt trời mới tạo ra điện và nước sạch
Điện và nước sạch là hai trong số những nhu cầu lớn nhất của thế giới – và các nhà khoa học tại Ả Rập Xê-út có lẽ đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Xe buýt tự lái chạy bằng năng lượng mặt trời
Nhóm sinh viên Ấn Độ chế tạo mẫu xe buýt tự động có thể di chuyển với vận tốc tối đa 30 km/h.
Tạo ra nước uống từ pin năng lượng mặt trời
Tấm pin có thể sản xuất 5 lít nước sạch bằng cách hấp thụ hơi nước từ không khí và tích lại rồi lưu trữ trong bồn chứa. 

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...