Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Màu xanh no ấm

Cập nhật: 09:54 ngày 27/11/2020
(BGĐT) - Từ thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ, rừng Sơn Động (Bắc Giang) đã xanh trở lại, góp phần cải thiện môi trường, thúc đẩy du lịch phát triển, nâng cao đời sống người dân. 

Ở xã Dương Hưu (Sơn Động), dọc hai bên những con đường chính là rừng keo bạt ngàn vươn cành rợp bóng. Phía xa, cánh rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhịp sống ở Dương Hưu khác xưa rất nhiều. Những mái ngói rêu mốc được thay dần bằng nhà mái bằng, cao tầng kiên cố. Tại trung tâm xã và dọc các tuyến đường thôn, nhiều cửa hàng tạp hóa, dịch vụ ăn uống, làm đẹp... mọc lên.

{keywords}

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Sơn Động cùng người dân thôn Rõng, xã An Lạc kiểm tra rừng gỗ lớn.

Theo Chủ tịch UBND xã Lã Xuân Giang, đời sống người dân và diện mạo làng quê đổi mới nhờ rừng kinh tế. Người dân quan tâm rừng kinh tế nên hơn 1,2 nghìn ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ không bị phát, vén. Hiện xã có hơn 1.360 hộ được giao quản lý 4,8 nghìn ha rừng kinh tế. Trung bình mỗi hộ khoảng 3 ha, chưa kể rừng tự nhiên được giao khoán bảo vệ. Sau 5 năm, mỗi ha rừng kinh tế cho thu hơn 120 triệu đồng, là nguồn lợi không nhỏ với bà con.

Không chỉ Dương Hưu, phong trào trồng rừng kinh tế tại các xã, thị trấn của huyện Sơn Động đang phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như các xã: An Lạc, Hữu Sản, Vân Sơn, Yên Định, Tuấn Đạo... Ở xã Cẩm Đàn, Thanh Luận, thị trấn Tây Yên Tử, các chủ rừng còn trồng xen dược liệu như: Ba kích, sâm nam, nấm lim Tây Yên Tử, nuôi ong lấy mật... cho thu nhập cao. Cá biệt, hộ ông Nguyễn Văn Toản (thị trấn Tây Yên Tử) trồng gần chục ha dổi lấy hạt và gỗ. Đây là loài cây giá trị kinh tế rất cao, hạt bán khoảng 3 triệu đồng/kg.

Ngoài rừng kinh tế, hơn 34,9 nghìn ha rừng tự nhiên của huyện được bảo vệ tốt. Nhiều giống cây bản địa như: Lim xanh, gỗ táu... dần phục hồi. Rừng được bảo vệ giúp du lịch phát triển. Mỗi năm, hàng vạn du khách đến với Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử, Khu du lịch sinh thái Khe Rỗ... mang về nguồn lợi không nhỏ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Tống Thị Hương Giang cho biết, có được kết quả trên do cấp ủy, chính quyền và người dân đã ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm Sơn Động có vai trò nòng cốt trong việc tham mưu với UBND huyện các phương án quản lý, bảo vệ; phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). 

Hạt Kiểm lâm huyện đề xuất và đã xây dựng 20 Ban chỉ huy PCCCR cấp xã, 1 Ban chỉ huy cấp huyện; 115 tổ đội xung kích PCCCR gồm 835 thành viên tại các xã. Các Ban, tổ hoạt động hiệu quả nên 5 năm gần đây, các vụ vi phạm lâm luật giảm rõ rệt. 

Nếu năm 2017 xảy ra 175 vụ thì năm nay chỉ còn 13 vụ. Đơn vị còn tham mưu, hướng dẫn người dân đưa các loại giống cây chất lượng cao, các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng vào thâm canh. Với những thành tích đạt được, năm 2019, huyện Sơn Động được UBND tỉnh tặng Bằng khen; Hạt Kiểm lâm được Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tặng Giấy khen.

Thế Đại
Hương mật núi rừng Sơn Động
(BGĐT) - Trước xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ, an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, mô hình nuôi ong tại Hợp tác xã (HTX) Ong mật hữu cơ Sơn Động (Bắc Giang) đang phát triển vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường, vừa phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương với địa hình rừng núi, nhiều loài hoa có thể lấy mật.  
Cần cơ chế hỗ trợ xây dựng thương hiệu mật ong rừng Sơn Động
(BGĐT) - Cùng với nấm lim, chè Bát Tiên thì mật ong rừng là sản phẩm gắn liền với du lịch của huyện Sơn Động (Bắc Giang). Tuy nhiên, để thương hiệu này lên hương, đủ sức vươn ra thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, ngoài nỗ lực của người dân, địa phương cần có nhiều cơ chế hỗ trợ.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...