Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ - Lục Ngạn: Đa dạng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ dịp cuối năm

Cập nhật: 17:28 ngày 12/12/2020
(BGĐT) - Trong khi nhiều mặt hàng đang ế ẩm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì mỳ gạo Chũ Lục Ngạn (Bắc Giang) lại hút khách. Thời điểm này, các hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất mỳ nơi đây đang dồn sức sản xuất nhiều loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.

Sản lượng, giá bán đều tăng

Những ngày này, làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) như được phủ màu trắng của mỳ gạo. Tại những điểm thu gom mỳ, các loại xe ô tô lớn nhỏ tấp nập tới “ăn” hàng. Hệ thống giao thông trong thôn mới được trải bê tông sạch sẽ. Xế trưa, những chiếc bánh tráng được phơi bắt đầu đanh lại. Mép bánh rời khỏi tấm phên tre tạo ra tiếng kêu lách tách, báo hiệu thời điểm bận rộn nhất trong ngày với người làm mỳ. Bởi nếu không kịp đảo phên, bánh sẽ khô và không thể thái thành sợi nhỏ.

{keywords}

Phơi mỳ.

Tiếp chuyện tôi nhưng anh Nguyễn Văn Dương ở làng Thủ Dương vẫn không ngừng tay lật phên bánh phơi trước sân nhà. Anh chia sẻ, mùa này nắng hanh khô, rất thuận lợi cho sản xuất mỳ. Một năm tính ra cũng chỉ có 9 tháng làm được mỳ, còn lại là mưa, ẩm, mỳ dễ bị mốc, chất lượng không bảo đảm. Hiện mỗi ngày, gia đình anh Dương sản xuất từ 1,5-2 tạ gạo, nhiều hơn cùng kỳ năm trước khoảng 25%, chưa kể tráng bánh thuê cho các hộ. Với giá bán trung bình khoảng 27 nghìn đồng/kg (cao hơn năm ngoái 2 nghìn đồng/kg), anh Dương thu lãi thêm hơn 200 nghìn đồng mỗi ngày.

Không chỉ gia đình anh Dương, cả làng nghề 285 hộ làm mỳ cũng đang tất bật sản xuất đáp ứng các đơn hàng. Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ - Lục Ngạn, Giám đốc HTX mỳ Chũ Nam Thể cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng mỳ gạo toàn huyện bán ra khoảng 18,9 nghìn tấn, doanh thu hơn 510 tỷ đồng. Do năm 2020 có tháng nhuận nên từ nay đến Tết Tân Sửu, toàn huyện sẽ làm khoảng 3,5 nghìn tấn nữa. Sản lượng cả năm ước cao hơn năm ngoái hơn 4 nghìn tấn.

Hội Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ - Lục Ngạn có 12 HTX thành viên với gần 300 hộ. Riêng làng Nghề Thủ Dương có 7 HTX, sản lượng hơn 20 tấn mỳ/ngày. Sản phẩm được cấp chứng nhận xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào và Cam pu chia.

Theo ông Nam, sở dĩ năm nay mỳ Chũ tăng sản lượng và giá bán là do người tiêu dùng mua tích trữ dùng dần nhằm hạn chế ra ngoài, phòng tránh dịch Covid-19. “Ngoài phục vụ thị trường trong nước, hiện chúng tôi đang nhận đơn hàng 18 tấn mỳ gạo xuất khẩu sang Cộng hòa Séc thông qua một công ty thứ ba. Để kịp thời gian giao hàng và tăng sản lượng dịp cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng, Hội đang vận động, khuyến khích các hộ tăng ca nhưng cũng triệt để tuân thủ quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng mỳ tốt nhất đưa ra thị trường”, ông Nam nói.

Nâng cấp dây chuyền, đa dạng sản phẩm

Hội Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ - Lục Ngạn hiện có 12 HTX tham gia với gần 300 hộ thành viên, tập trung chủ yếu tại làng nghề Thủ Dương. Để tăng năng suất, sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian gần đây, các HTX luôn khuyến khích thành viên thay đổi dây chuyền sản xuất. Anh Nguyễn Văn Ngần, hộ sản xuất mỳ ở thôn Thủ Dương chia sẻ, để tăng năng suất, đầu năm vừa rồi, anh cùng hơn chục hộ trong thôn được Hội Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ - Lục Ngạn phối hợp với đơn vị cung cấp gas hỗ trợ miễn phí thay lò đốt than, củi tráng bánh bằng lò gas. 

{keywords}

Anh Phạm Xuân Trường đóng gói mỳ bằng mẫu bao bì mới thân thiện với môi trường.

Việc dùng nhiên liệu này khiến chi phí sản xuất tăng hơn khoảng 50 nghìn đồng/250kg gạo. Bù lại, sản lượng làm ra tăng gấp 3 lần so với lò than, củi mà lại không bị bụi bẩn, ô nhiễm. Vì thế ngoài tráng bánh cho gia đình, anh Ngần và các hộ có dây chuyền sản xuất này nhận tráng thuê cho nhiều hộ khác. Hiện cả làng nghề đã có 86 dây chuyền tráng bánh bằng lò gas, tăng hơn năm ngoái gần 20 lò.

Ngoài thay dây chuyền mới, HTX Mỳ gạo Chũ Xuân Trường, HTX Mỳ Chũ Dậu Anh… còn tích cực đa dạng các sản phẩm, như: Mỳ gạo lức (phục vụ người ăn kiêng); mỳ chất lượng cao (làm bằng gạo Bao thai hồng); mỳ ngũ sắc (làm bằng gấc, cà rốt, vừng, củ dền, nghệ). Các sản phẩm này tuy có giá bán cao gấp nhiều lần so với mỳ gạo trắng thông thường nhưng được người tiêu dùng tích cực đón nhận. 

Cùng đó, các HTX còn chú trọng thay đổi mẫu mã bao bì để hấp dẫn khách hàng và thay túi ni-lông bằng túi giấy nhằm giảm lượng rác thải. Anh Phạm Xuân Trường, Giám đốc HTX Mỳ gạo Chũ Xuân Trường chia sẻ: “Để khẳng định chất lượng, trên tất cả các bao bì sản phẩm đều ghi rõ nơi sản xuất, thành phần, chỉ tiêu chất lượng, hướng dẫn cách dùng, hạn sử dụng và truy xuất nguồn gốc”.

Đồng hành cùng các HTX sản xuất mỳ gạo Chũ trong việc nâng cao chất lượng, sản lượng và giá bán, đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Ngạn cho biết, trong năm, UBND huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên minh HTX tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đã nhiều lần đưa sản phẩm mỳ gạo Chũ đi trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. 

Năm 2020, các doanh nghiệp, HTX sản xuất mỳ Chũ được hỗ trợ 850 triệu đồng từ các nguồn vốn lồng ghép của T.Ư và tỉnh. Cụ thể, các HTX: Mỳ Trại Lâm, Nam Dương; mỳ Chũ Tùng Chi; Công ty cổ phần mỳ Chũ Lục Ngạn mỗi đơn vị được hỗ trợ 150 triệu đồng để nâng cấp mẫu mã bao bì sản phẩm. HTX Sản xuất mỳ Chũ Hạnh Thái và Xuân Trường mỗi đơn vị được hỗ trợ 200 triệu đồng nâng cấp nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất bằng nhiên liệu gas… Đây là động lực để các HTX, hộ sản xuất mỳ trong huyện bung sức sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm và nâng tầm thương hiệu mỳ Chũ.

Thế Đại

Hỗ trợ máy móc sản xuất mỳ Chũ: Tăng năng suất, giảm sức lao động
(BGĐT) - Thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021”, Sở Công Thương Bắc Giang đã hỗ trợ máy móc cho nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất, tiêu thụ mỳ Chũ ở huyện Lục Ngạn. Qua đó tăng năng suất, nâng chất lượng sản phẩm và giải phóng sức lao động.
Hỗ trợ bao bì, nhãn mác: Nâng giá trị mỳ Chũ
(BGĐT) - Những năm qua, sản phẩm mỳ Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) ngày càng được chú trọng về mẫu mã, chất lượng nên tiêu thụ thuận lợi với giá trị kinh tế cao. Có được kết quả này một phần là nhờ  sự hỗ trợ của Đề án phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021. 
Bắc Giang: Sản lượng mỳ Chũ tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường
(BGĐT)- Trong tháng 3, sản lượng mỳ Chũ tăng mạnh nhưng do nhiều nguyên nhân nên thời điểm này, một số đại lý, cửa hàng bán sản phẩm mỳ gạo Chũ trên địa bàn TP Bắc Giang (Bắc Giang) đều “khan” hàng cục bộ. Chủ các cửa hàng, đại lý phải bán với số lượng hạn chế để giữ khách.
Sử dụng bao bì giấy kraft đóng gói sản phẩm của HTX Mỳ Chũ Xuân Trường: Tiện sử dụng, thân thiện với môi trường
(BGĐT) - Mới đây, ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc HTX Mỳ Chũ Xuân Trường, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thực hiện ý tưởng sử dụng bao bì bằng chất liệu giấy Kraft thay thế bao bì bằng túi nilon, được nhiều khách hàng hưởng ứng. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...