Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Mùa trồng rừng năm 2021: Không để cây giống kém chất lượng trôi nổi trên thị trường

Cập nhật: 15:30 ngày 13/01/2021
(BGĐT) - Ngay sau Tết Nguyên đán, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang sẽ bắt đầu vào mùa trồng rừng năm 2021 với mục tiêu trồng mới 7,2 nghìn ha rừng tập trung. Để hoàn thành kế hoạch, cùng với tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, cơ quan chức năng tăng cường quản lý giống cây lâm nghiệp (GCLN). 

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh hiện có khoảng 160 nghìn ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 38%. Con số này đang tiếp tục tăng khi mỗi năm các địa phương trong tỉnh trồng mới 7-9 nghìn ha rừng và luôn hoàn thành vượt mức. 

{keywords}

Anh Lý Chú Phát (ngoài cùng bên phải) giới thiệu về tính ưu việt của giống bạch đàn mới.

Đơn cử như năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ gỗ cũng như các sản phẩn từ gỗ gặp khó khăn song toàn tỉnh vẫn trồng được hơn 8,5 nghìn ha rừng, đạt 118,8% kế hoạch cùng 3,4 triệu cây phân tán các loại. Đáng chú ý, nhờ đưa các giống cây chất lượng cao, có nguồn gốc vào trồng nên năng suất, chất lượng rừng được nâng lên. 

Anh Lý Chú Phát, dân tộc Dao, thôn Trại Lán, xã Vô Tranh (Lục Nam) cho biết: “Trước đây, trên diện tích 4 ha, gia đình tôi trồng giống bạch đàn PN14. Do năng suất thấp, thời gian sinh trưởng dài nên chỉ cho thu nhập 170 triệu đồng/chu kỳ. Qua tìm hiểu, năm 2016, tôi chuyển sang trồng giống bạch đàn Cự Vĩ DH32-29. Sau 4 năm trồng, vừa rồi gia đình tôi khai thác, bán được 800 triệu đồng sau 4 năm, cao hơn gần 5 lần so với giống cũ”.

Xác định giống là yếu tố rất quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, cùng với bình chọn, công khai danh sách các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, những năm gần đây, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các Hạt Kiểm lâm tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất giống trên địa bàn. 

Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, lực lượng kiểm lâm phối với với các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, lập biên bản đối với hơn 100 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp (GCLN), ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 cơ sở. Điển hình như xử phạt Công ty TNHH Lâm nghiệp Dũng Hường ở tổ dân phố Đồng Lều, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) 30 triệu đồng do sản xuất, kinh doanh GCLN không rõ nguồn gốc. 

Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh GCLN ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam cũng bị xử phạt do thiếu hồ sơ, biển báo chỉ dẫn các lô hàng; bán hạt giống không xuất hóa đơn; sử dụng cây đầu dòng quá hạn quy định… Ông Nguyễn Bá Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Thế nói: “Qua kiểm tra, xử lý, đến nay toàn huyện chỉ còn 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh GCLN, giảm 27 cơ sở so với năm 2018. Mặc dù số cơ sở giảm song lượng GCLN bán ra thị trường tăng, sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó”.

Giám sát chặt khâu sản xuất, cung ứng

Với phương châm “chất lượng giống cây tốt sẽ quyết định đến năng suất, hiệu quả kinh tế từ trồng rừng”, người dân luôn quan tâm, lựa chọn những giống cây mới, hiệu quả cao để đưa vào sản xuất. Nắm bắt được nhu cầu này, các hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất GCLN tích cực tìm hiểu, đưa các giống mới vào gieo, ươm. 

Năm 2020, toàn tỉnh sản xuất được hơn 27,1 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng, chủ yếu gồm: Keo các loại (17,6 triệu cây), bạch đàn các loại (9,2 triệu cây), còn lại là lim xanh, vối thuốc, thông, lát hoa, sưa, giổi. Trong đó, cây giống được gieo ươm bằng phương pháp nuôi cấy mô chiếm 42%. Tổng số cây có nguồn gốc là 27 triệu cây, chiếm 99,5% tổng số cây giống được sản xuất.

Ghi nhận tại Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Toản Nam ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) cho thấy, để có những giống cây tốt, hiện công ty đã chuyển đổi sang ươm giống bằng hình thức cấy mô thay thế cho phương thức giâm hom truyền thống. Mặc dù giá thành cao hơn song giống cấy mô có ưu điểm là sạch bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi, chu kỳ khai thác ngắn, hiệu quả cao hơn. 

Tương tự, cùng với những GCLN đang được người trồng rừng lựa chọn như giống bạch đàn Cự Vĩ DH32-29 hay keo mô AH1, KL2, BV10, năm nay, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Tùng Dung ở thị trấn Bố Hạ thí điểm, đưa vào ươm giống keo mô AH7. Bà Trần Thị Tiến, đại diện Công ty cho biết: “So với các giống keo mô đang được người dân lựa chọn, giống DH7 sinh trưởng chậm hơn song lại có ưu điểm gỗ đẹp, chắc và giá bán cao hơn, phù hợp với trồng rừng gỗ lớn”.

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, năng suất rừng trồng của tỉnh đạt bình quân đạt 18,7 m3/ha/năm, trong đó năm 2020 đạt cao nhất (20 m3/ha/năm). Để hoàn thành mục tiêu trồng 7,2 nghìn ha rừng tập trung trong năm 2021, trong đó 25 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu, kiểm lâm địa bàn tăng cường xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn các hộ cách trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cũng như chọn mua giống tại những cơ sở uy tín, được cấp phép. 

Thực hiện yêu cầu này, ngày 7/1 vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh GCLN đối với toàn bộ cơ sở trên địa bàn. Trong khi đó, ngoài việc yêu cầu 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh GCLN ký cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật, năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện Lục Nam thành lập tổ cơ động giám sát, quản lý việc vận chuyển giống trên đường, không để giống kém chất lượng đến tay người trồng rừng. 

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nói: “Năm nay chúng tôi yêu cầu các Phòng chuyên môn, Hạt Kiểm lâm các huyện, TP kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh theo chuỗi hành trình. Ngoài giám sát các khâu từ cấp chứng nhận nguồn gốc lô giống, quản lý sản xuất cây con ở vườn ươm, cấp chứng nhận nguồn gốc lô cây con, lực lượng sẽ kiểm tra khâu lưu thông đến chân lô trồng rừng, đồng thời gắn trách nhiệm với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm các huyện, TP”. 

Sỹ Quyết

Phát triển kinh tế lâm nghiệp ở Lục Ngạn: Gắn quy hoạch trồng rừng với chế biến
(BGĐT) - Nhắc đến Lục Ngạn (Bắc Giang), nhiều người nghĩ ngay đến mảnh đất bạt ngàn cây ăn quả, như vải thiều và cây có múi. Thế nhưng, Lục Ngạn còn có tiềm năng không kém phần quan trọng là kinh tế lâm nghiệp. 
Nâng cao hiệu quả trồng rừng: Liên kết từ trồng đến chế biến
(BGĐT) - Bắc Giang có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lớn với sản lượng hơn 650 nghìn m3/năm là cơ sở để nghề chế biến gỗ phát triển. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng này và gia tăng giá trị rừng trồng, ngành chế biến gỗ cần có sự liên kết và thay đổi phù hợp.
Tranh thủ thời tiết có mưa, người dân tập trung trồng rừng
(BGĐT)- Thời tiết năm nay xuất hiện các đợt nắng nóng kéo dài gây khô hạn. Vì vậy, tranh thủ những ngày gần đây thời tiết có mưa, người dân các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã tích cực chăm sóc, trồng rừng để cây phát triển tốt.  
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...