Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ảnh hưởng của dịch Covdi-19: Giá nông sản Bắc Giang chững lại, có chiều hướng giảm

Cập nhật: 16:09 ngày 31/01/2021
(BGĐT)-Mấy ngày qua, các tiểu thương không vận chuyển nông sản sang tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương tiêu thụ để phòng, chống dịch đã khiến giá thịt lợn hơi, rau, củ, quả chững lại, có mặt hàng giảm. 
{keywords}

Hành củ hiện có giả rẻ chỉ bằng một nửa so với trước.

Tại điểm trung chuyển lợn hơi do anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (Lục Nam-Bắc Giang) làm chủ, trước đây xuất bán khoảng 300-400 con lợn/ngày, trong đó riêng thị trường tỉnh Quảng Ninh khoảng 200 con. Tuy nhiên, sau khi thực hiện chỉ đạo dừng tất cả các phương tiện di chuyển đến tỉnh Quảng Ninh đồng nghĩa với lợn không thể mang đến địa phương này nên các chủ xe tập trung đưa lợn sang tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và các nơi trong tỉnh như: Lục Ngạn, Sơn Động, TP Bắc Giang để tiêu thụ. 

Thị trường tiêu thụ thu hẹp, nhất là hàng không đến được Quảng Ninh khiến giá lợn hơi giảm 4-5 nghìn đồng/kg so với trước. Anh Dũng cho biết: “Nhà tôi có hai ô tô chuyên chở lợn đi Quảng Ninh hiện nay cũng phải tạm nghỉ, chờ dịch được kiểm soát và biện pháp tháo gỡ của cơ quan chức năng mới tiếp tục hoạt động trở lại”.

{keywords}

Lợn thương phẩm được tập kết tại một điểm trung chuyển tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (Lục Nam). Hiện, điểm này đã ngừng xuất lợn sang tỉnh Quảng Ninh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), trước đây mỗi ngày Bắc Giang đưa khoảng 500 con lợn sang Quảng Ninh, chiếm 50% tổng lợn tiêu thụ ra ngoài tỉnh. Hiện nay, thị trường này tạm đóng cửa, lượng lợn được đẩy mạnh sang các tỉnh khác, không lo tồn đọng lợn do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp Tết vẫn cao.

Tương tự, hiện khoảng 30 chủ điểm cân thuộc thôn Hà Mỹ chuyên gom rau, củ, quả tại địa phương mang tiêu thụ ở tỉnh Quảng Ninh cũng nghỉ mấy ngày nay. Bà Đỗ Thị Xuyến nói: “Từ khi tàu hàng ở ga Lan Mẫu đi sang TP Hạ Long (Quảng Ninh) không hoạt động, nhóm người buôn rau như chúng tôi sử dụng ô tô để vận chuyển. Bình quân mỗi ngày tôi đưa khoảng một tấn rau sang Quảng Ninh nhưng hiện giờ phải dừng”. Như vậy, cùng với hộ bà Xuyến, tại địa bàn huyện Lục Nam mỗi ngày cũng giảm hàng chục tấn rau bán sang Quảng Ninh.

Qua tìm hiểu, hiện nay, nhiều loại rau xanh giá giảm mạnh, hành củ, su hào, cà chua có giá chỉ bằng nửa, thậm chí thấp hơn nhiều so với khi dịch bệnh bùng phát tại một số địa phương trong cả nước. Một nguyên nhân nữa là do thời điểm này, nhiều loại rau được thu hoạch cùng lúc để giải phóng đất, gieo cấy lúa xuân cũng khiến giá rau giảm.

Ngoài ra, hai ngày trước, hàng chục ô tô chở nguyên liệu gỗ băm sang cảng Cái Lân (Quảng Ninh) tập kết xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ tại quốc lộ 279, đoạn qua xã Long Sơn (Sơn Động).


{keywords}

Toàn bộ xe chở gỗ ùn ứ trên quốc lộ 279, đoạn qua xã Long Sơn (Sơn Động) đã được giải tỏa vào sáng ngày 31/1.

Trước tác động bất lợi của dịch bệnh đến hoạt động tiêu thụ nông sản, các sở, ngành, chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang đã tích cực tìm cách tháo gỡ song ưu tiên nhất vẫn là phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đến ngày 31/1, toàn bộ lượng gỗ ùn ứ tại Sơn Động đã được giải tỏa. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Sơn Động thông tin, các chủ xe đã được huyện hướng dẫn quay đầu để đưa gỗ về bãi tập kết nguyên liệu, ưu tiên bảo đảm an toàn người dân, thực hiện nghiêm phòng dịch. 

Việc khuyến cáo mở rộng thị trường tiêu thụ lợn được đẩy mạnh. Các thương nhân kinh doanh lợn đã kết nối để đưa lợn vào tỉnh, TP khác, thay cho Quảng Ninh, Hải Dương, đồng thời chấp nhận tăng chi phí vận chuyển.

Với trái cây Lục Ngạn do lượng sản phẩm còn lại không nhiều nên theo đại diện lãnh đạo huyện Lục Ngạn cam, bưởi hiện được tiêu thụ ổn định. Hay tại Yên Thế, với tổng đàn lớn, ngoài đẩy mạnh tiêu thụ, huyện khuyến khích chế biến giò gà, chả gà giảm thiểu rủi ro; cấp gần một nghìn lít hóa chất để tiêu độc, khử trùng tại các xã, thị trấn để phòng, chống dịch bệnh động vật, không để dịch chồng dịch. 

Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, trước mắt, hàng hóa nông sản vẫn ổn định cân đối cung-cầu nên chưa bị tác động lớn. Tuy nhiên, ngành cũng đang tính đến ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh để xây dựng phương án cụ thể về xúc tiến các kênh tiêu thụ và hỗ trợ về vốn cho người sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, nông sản của Bắc Giang khá lớn, ngoài bảo đảm nguồn cung trong tỉnh còn cung cấp cho nhiều địa phương lân cận. Cùng đó, nhu cầu sử dụng thực phẩm vẫn lớn nên để hạn chế thiệt hại, nông dân cũng như hộ kinh doanh cần đa dạng phương thức bán hàng, đưa nông sản sang nhiều thị trường khác. Bởi lẽ, dù cách ly, khoanh vùng do dịch nhưng người dân vẫn phải sử dụng thực phẩm. Ngành đang phối hợp, tìm phương án tốt nhất để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa tăng hiệu quả sản xuất.

Nhóm PVKT
Bắc Giang: Chú trọng chế biến, tiêu thụ nông sản qua online để phòng ngừa dịch bệnh
(BGĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ nông sản theo hình thức online.
Từ quả bưởi “đi Tây” nghĩ về nông sản xuất khẩu
(BGĐT) - Cuối tháng 11 vừa qua, Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn (Công ty Kim Hằng) đã xuất khẩu đợt đầu 3,6 vạn quả bưởi đào đường sang nước Nga. Đây là tín hiệu vui, khởi tạo liên kết sản xuất bưởi xuất khẩu cho nông dân.
Bắc Giang: Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản dịp cuối năm
(BGĐT) - Để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, thời điểm này nông dân các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đang tập trung sản xuất nông sản sạch. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã chọn nông dân làm đối tác liên kết, hình thành các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...