Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sản xuất vải thiều năm 2021: Bảo đảm chất lượng, quản chặt mã vùng trồng

Cập nhật: 14:01 ngày 09/03/2021
(BGĐT)- Ngày 9/3, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị triển khai sản xuất và chuẩn bị các điều kiện xuất khẩu vải thiều năm 2021. Tham dự có đại diện Cục Bảo vệ thực vật (BVTV)- Bộ Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo, đơn vị chuyên môn, người dân một số huyện trọng điểm vải thiều của tỉnh cùng một số doanh nghiệp (DN) thu mua, xuất khẩu nông sản trong và ngoài địa bàn.
Mở rộng diện tích vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản

Hiện toàn tỉnh có hơn 27 nghìn ha vải thiều, tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Sơn Động. Trong đó, vải VietGAP hơn 15 nghìn ha; 338 ha vải GlobalGAP. Đến thời điểm này, vải ra hoa đạt tỷ lệ cao, báo hiệu được mùa. 

{keywords}

Quang cảnh hội nghị.

Đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất vải thiều năm nay song cũng tạo áp lực về tiêu thụ. Do đó, ngoài chú trọng tiêu thụ trong nước, Bắc Giang cũng tập trung sản xuất để xuất khẩu sản phẩm. 

Đối với thị trường Trung Quốc, tỉnh chỉ đạo duy trì 149 mã số vùng trồng đã được Trung Quốc chấp thuận trên diện tích 15.867 ha tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên; duy trì 289 cơ sở đóng gói phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Riêng thị trường Mỹ, EU giữ nguyên 18 mã số vùng trồng diện tích 218 ha. 

Đối với thị trường Nhật Bản, tiếp tục chỉ đạo sản xuất 19 mã số vùng trồng đã được cấp năm 2020; đồng thời rà soát mở rộng thêm vùng vải sớm 11 ha (Tân Yên), vải thiều chính vụ 20-30 ha (Lục Ngạn), nâng tổng diện tích vùng vải thiều để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 130 ha trong năm nay. Hiện nay, Cục BVTV đang đánh giá, thẩm định để cấp mã số vùng trong thời gian tới.

{keywords}

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn phát biểu tại hội nghị.

Để vụ vải thiều đạt kết quả cao, một số ý kiến đề xuất các biện pháp. Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa (Tân Yên) cho biết, hiện Phúc Hòa chủ yếu là vải sớm. Tỷ lệ vải ra hoa đạt hơn 90%, đã có một số DN thăm vườn, đặt vấn đề liên kết thu mua. Vì vậy, xã đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục hỗ trợ xúc tiến, phân tích chất lượng sản phẩm, chứng nhận, tập huấn mở rộng vùng vải VietGAP, GlobalGAP.  

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Sơn (Lục Ngạn), do đặc thù điều kiện vùng tiểu khí hậu, vải thiều tại địa bàn có những đặc trưng riêng, ra hoa muộn, thu hoạch kéo dài hơn các vùng khác. 

Năm 2020, Tân Sơn đã xuất khẩu 40 tấn vải sang thị trường Nhật Bản. Tuy vậy, lượng vải được bao tiêu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với sản lượng của bà con làm ra nên mong muốn việc thu mua phải đẩy mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Ngô Văn Nhuần, thôn Hóa, xã Tân Sơn chia sẻ, năm 2020 lần đầu tiên ông được tham gia mô hình sản xuất vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản. Do có kinh nghiệm chăm sóc vải thiều nên các quy trình, kỹ thuật chăm sóc ông không gặp trở ngại gì song vẫn lo đầu ra của sản phẩm. Năm nay, với hơn 2,5 ha vải, nếu thời tiết thuận lợi, gia đình ông ước thu về khoảng 50 tấn quả, tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Tăng cường dự báo sâu bệnh, sử dụng thuốc BVTV an toàn

Đã trực tiếp khảo sát vùng vải và nhận định được mùa quả lớn, nhiều DN bày tỏ sự vui mừng về sự khởi đầu thuận lợi của mùa vải thiều song một số DN còn băn khoăn. Đó là vào mùa thu hoạch quả, việc thuê nhân lực rất khó khăn. 

Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ, do thiếu nhân lực thu hoạch sản phẩm đã ảnh hưởng đến hoạt động thu mua của DN. Vì trễ ở một số khâu nên lỡ chuyến xuất khẩu. Do đó, rất cần chính quyền địa phương phối hợp cung cấp nhân lực hoặc tổ chức một cách chuyên nghiệp, bài bản khâu thu hái khi vào vụ, đáp ứng lưu thông hàng hóa cho đối tác. 

{keywords}

Đại diện Công ty Rồng Đỏ trao đổi ý kiến.

Trên thực tế dù được cấp mã số vùng trồng nhưng việc quản lý mã số sản xuất, đóng gói cũng chưa chặt chẽ. 

Cụ thể, trong vụ vải thiều năm ngoái có một lô hàng đóng gói mã số của Lục Ngạn qua cửa khẩu Lạng Sơn bị sâu đục cuống quả, mã xấu. Huyện Lục Ngạn đã cử lực lượng lên kiểm tra, qua đó cho thấy không phải vải của địa phương vì bà con kiểm soát sâu đục cuống quả rất tốt. Vấn đề này đặt ra cần quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp phép. 

Đại diện Cục BVTV cũng cung cấp thêm, năm ngoái nhu cầu nhập khẩu vải thiều tại một số thị trường cao cấp rất lớn song qua kiểm tra, vẫn có lô hàng còn dư lượng thuốc BVTV không bảo đảm nên không đủ điều kiện xuất khẩu. 
Qua các ý kiến đề xuất và nắm bắt tình hình cụ thể, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định, vải thiều có đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 

Trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay thì càng được tỉnh quan tâm, từ sản xuất đến tiêu thụ. Do vậy, ngành xác định cần tập trung các biện pháp chăm sóc tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. 
Từ bài học kinh nghiệm của những vụ vải thiều trước, năm nay Sở Nông nghiệp và PTNT sớm tập huấn, hướng dẫn người dân quy trình sản xuất; chỉ đạo Chi cục trồng trọt và BVTV ban hành sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng; danh mục thuốc BVTV khuyến cáo cho vải thiều; xây dựng kinh phí chi tiết nội dung hỗ trợ vùng vải thiều xuất khẩu.

{keywords}

Vùng vải thiều tại xã Phúc Hòa (Tân Yên).

Ảnh: Văn Vĩnh.

Đi đôi với biện pháp trên Sở tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm ngặt trong sử dụng thuốc BVTV. 

Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với Cục BVTV và các đơn vị liên quan hỗ trợ cơ sở xông hơi khử trùng để đáp ứng theo yêu cầu của thị trường Nhật Bản; mời gọi DN tham gia liên kết để xuất khẩu vải thiều, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Các huyện, TP tuyên truyền để người dân yên tâm sản xuất, chăm sóc sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Trường Sơn
Cải tạo, nâng cấp đường vào trung tâm xã Hộ Đáp xong trước vụ vải thiều năm 2021
(BGĐT)- Ngày 7/3, đại diện chủ đầu tư là Phòng Kinh tế và Hạ tầng Lục Ngạn (Bắc Giang) và đơn vị thi công đã khởi công công trình cải tạo, nâng cấp đường vào trung tâm xã Hộ Đáp. 
Lục Ngạn: Tỷ lệ vải thiều ra hoa đạt 95%
(BGĐT)- Theo UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), năm nay tỷ lệ vải thiều ra hoa của huyện (vải sớm và chính vụ) đạt khoảng 95%.
Vải thiều Bắc Giang - Điển hình nông sản Việt
(BGĐT) - Trong bối cảnh gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19 nhưng sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các loại nông sản của tỉnh Bắc Giang vẫn gặt hái thành quả ngoạn mục, trở thành điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế của tỉnh năm qua.
“Địa chỉ đỏ” trên đất vải thiều
(BGĐT) - Di tích, địa danh lịch sử địa phương luôn có ý nghĩa quan trọng, giá trị to lớn trong công tác giáo dục truyền thống. Tìm về những địa chỉ này, mỗi người được hiểu thêm về vùng đất, con người, từ đó trân trọng những giá trị truyền thống, bồi đắp lý tưởng cách mạng.
 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...