Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Người dân tố doanh nghiệp khai thác cát, sỏi làm sạt lở bờ sông

Cập nhật: 19:22 ngày 22/03/2021
(BGĐT) - Những ngày gần đây, người dân thôn Tòng Lệnh 2, xã Trường Giang, huyện Lục Nam (Bắc Giang) liên tục phản ánh hoạt động khai thác cát, sỏi tại sông Lục Nam, đoạn chảy qua địa bàn, ảnh hưởng đến cuộc sống và nguy cơ sạt lở diện tích đất nông nghiệp, đất vườn của người dân.

Sáng 22/3, vừa đến đầu thôn Tòng Lệnh 2, chúng tôi gặp một nhóm phụ nữ đang bàn tán về hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Lục Nam, đoạn chảy qua địa bàn xã. 

Theo một số người dân, sau một thời gian lắng xuống do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 7/3, Công ty Cổ phần đầu tư 286 (Công ty 286), trụ sở tại phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) đưa nhiều tàu cuốc đến địa bàn khai thác cát, sỏi trên sông Lục Nam.

{keywords}

Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông nguy cơ cao gây sạt lở đất nông nghiệp.

“Do con nhỏ nên tôi thường xuyên dậy sớm. Có hôm 4 giờ sáng, doanh nghiệp này đã đưa 4, 5 tàu cuốc đến khai thác cát. Ra quan sát, có tàu chỉ cách khu vườn nhà tôi hơn chục mét. Hoạt động khai thác cát, sỏi diễn ra rầm rộ không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mà còn làm cho trần nhà mới xây dựng năm 2018 của gia đình tôi bị nứt nhiều chỗ”, chị Nguyễn Thị D (SN 1981) cho biết.

Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, có mặt tại bờ sông Lục Nam thuộc thôn Tòng Lệnh 2, chúng tôi ghi nhận có hai tàu cuốc (số 4 và số 9) của Công ty 286 đang khai thác cát, sỏi. Tiếng động cơ nổ vang cả một đoạn sông. Theo bà Nguyễn Thị S (SN 1961), nhà ở ngay vị trí tàu cuốc số 4 đang hoạt động, trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp vẫn tổ chức khai thác cát, sỏi nhưng ở phía bờ thuộc xã Phượng Sơn (Lục Ngạn), gần đây mới chuyển sang khu vực dòng chảy phía xã Trường Giang.

“Có lần phát hiện tàu cuốc chỉ cách bờ hơn chục mét, chúng tôi ra xua đuổi và gọi điện cho doanh nghiệp. Dù đã cam kết không khai thác ra ngoài phạm vi được cấp phép nhưng ngày hôm sau sự việc lại tái diễn. Những ngày sau đó chúng tôi gọi điện thì họ không nghe máy nữa. Cực chẳng đã, người dân mới báo chính quyền địa phương nhờ can thiệp”.

{keywords}

Nhiều tàu cuốc cùng hoạt động làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân thôn Tòng Lệnh 2.

Liên quan đến nội dung này, ông Giáp Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Trường Giang cho biết, tại một số khu vực thuộc địa bàn xã đã xảy ra sạt lở nhưng từ những năm trước; gần đây không có điểm sạt lở mới nào. Tuy nhiên, theo ông Đồng, về lâu dài hoạt động khai thác cát, sỏi tại khu vực này sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao bởi phía dưới lớp đất chừng 7,8 mét là đến lớp cát. Nếu khai thác lâu, cát trong lòng đất sẽ bị hút theo dẫn đến sạt lở đất nông nghiệp, đất vườn.

Được biết, ngay sau khi có ý kiến của người dân, UBND xã Trường Giang đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản đề nghị phía doanh nghiệp chấp hành nghiêm cam kết không khai thác gần bờ, các điểm gần khu dân cư và những khu vực cấm khai thác ghi trong giấy phép.

“Do không bố trí được lực lượng nên hoạt động kiểm tra của UBND xã không được thực hiện thường xuyên. Để ngăn tàu hút cát vào gần bờ, chúng tôi đã tuyên truyền, đề nghị người dân ghi lại hình ảnh để làm căn cứ báo cáo, đề nghị UBND huyện có phương án xử lý”, ông Giáp Văn Đồng nhấn mạnh.

{keywords}

Nhà ở của một số hộ dân sống gần bờ sông bị nứt.

Được biết, tháng 3/2019, Công ty 286 nhận chuyển nhượng khu vực khai thác cát, sỏi trên sông Lục Nam đoạn chảy qua các xã Phượng Sơn, Mỹ An (cùng huyện Lục Ngạn) và xã Trường Giang từ doanh nghiệp tư nhân Quang Hùng, địa chỉ tại xã Phượng Sơn. 

Đến ngày 27/6/2019, Công ty 286 được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) lòng sông tại khu vực này bằng phương pháp lộ thiên với diện tích 26,51 ha; trữ lượng khai thác gần 400 nghìn m3 trong thời hạn 5 năm. Quyết định nêu rõ, quá trình khai thác phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu tới bờ sông là 25 mét, khi có dấu hiệu không bảo đảm an toàn phải dừng ngay hoạt động khai thác, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời.

Trao đổi về nội dung này, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Nam cho biết, hiện đơn vị chưa nhận được phản ánh của nhân dân, chưa nhận được chỉ đạo của tỉnh, huyện liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty 286 tại sông Lục Nam, đoạn chảy qua xã Trường Giang. Phòng mới nhận được điện thoại của lãnh đạo UBND xã Trường Giang về việc xin ý kiến, hướng dẫn để đề nghị xem xét thu hồi phần diện tích đã cấp phép cho công ty tại khu vực gần khu dân cư.

“Hiện chúng tôi đã hướng dẫn UBND xã có công văn đề nghị kèm theo các bằng chứng vi phạm của Công ty 286 để làm căn cứ tham mưu UBND huyện xem xét, đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường có hướng xử lý. Nếu đủ căn cứ sẽ đề nghị doanh nghiệp tạm dừng khai thác để cơ quan chức năng vào cuộc”, ông Hoàng Đình Giang, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Nam cho biết.

Báo Bắc Giang sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này.

Nhóm PVKT

Sơn Động: Cá nhân vi phạm đã khắc phục hậu quả từ khai thác cát trái phép
(BGĐT) - Sáng 11/1, ông Đàm Tiến Lái, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho biết, cá nhân ông Phạm Văn Sơn (SN 1981) trú tại thôn Phú Nhuận, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đã thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực sông Lục Nam, đoạn chảy qua khu Mẹ Mái, thôn Đồng Dương, xã An Lạc (Sơn Động).
Quá hạn, một cá nhân chưa cải tạo, phục hồi môi trường khai thác cát trái phép ở xã An Lạc (Sơn Động)
(BGĐT) - Liên quan đến trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính do khai thác khoáng sản trái phép, sáng 4/1, lãnh đạo UBND xã An Lạc, huyện Sơn Động (Bắc Giang) thông tin, cá nhân bị xử phạt chưa thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện.
Đề nghị kiểm tra, xử lý khai thác khoáng sản trái phép tại Lục Nam
(BGĐT) - Ngày 18/3, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bắc Giang có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Lục Nam chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản (đất san lấp mặt bằng) trái phép tại một số xã trên địa bàn huyện.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...