Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lắng nghe, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 15:21 ngày 08/10/2021
(BGĐT) - Sáng 8/10, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song 9 tháng năm 2021, ngành Nông nghiệp vẫn có những bước tiến vượt bậc, tốc độ tăng trưởng đạt 5,1%. Đến nay, toàn tỉnh có 766 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 304 mô hình trồng hoa, rau trong nhà màng, nhà lưới đem lại giá trị sản xuất từ 700 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm, gấp 6-11 lần sản xuất thông thường...

{keywords}

Ông Hà Minh Quý phát biểu tại buổi đối thoại.

Tại buổi đối thoại, các đại biểu cho rằng do phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên còn lỏng lẻo; số sản phẩm đã được công nhận OCOP đăng ký nâng hạng sao còn hạn chế, chưa có sản phẩm tiềm năng 5 sao cấp quốc gia. Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cơ bản còn nhỏ, phân tán...

Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hữu Hảo (TP Bắc Giang), giá phân bón dịp cuối năm ngoái, đầu năm nay tăng cao là do dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Dự báo những tháng cuối năm nay và năm 2022, giá phân bón tiếp tục tăng nên nguy cơ các mặt hàng kém chất lượng, không được kiểm soát tuồn ra thị trường lớn. Do đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra, lấy mẫu phân tích để kịp thời phát hiện hàng giả, kém chất lượng. Cùng đó khuyến cáo nông dân sử dụng phân hữu cơ kết hợp với vô cơ để tăng giá trị hàng hóa, giảm chi phí đầu vào.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Sử trao đổi tại hội nghị.

Anh Nguyễn Văn Đoàn, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã Đại Lâm (Lạng Giang) đề xuất mở rộng thí điểm cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV, phân bón tại cơ sở, qua đó rút ngắn thời gian chờ đợi cũng như các chi phí làm thủ tục.

Đối với sản xuất nông nghiệp, nhiều HTX nêu muốn mở rộng sản xuất song việc thuê đất gặp khó, nhất là thuê lâu dài. Do đó ngành cần tham mưu với UBND tỉnh có chính sách rõ ràng hơn về quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp; quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, khu sơ chế, hình thành chuỗi cung ứng.

Theo đại diện HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế, theo quy định, các HTX tham gia chuỗi liên kết phải thực hiện đủ 3 lứa hoặc 3 chu kỳ sản xuất (từ 1-3 năm) mới được hỗ trợ. Điều này sẽ gây khó khăn bởi kinh phí mà các HTX và các hộ dân ứng ra rất lớn. Về ứng dụng, đưa giống mới vào sản xuất, ông Đỗ Duy Đông, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang đề nghị hỗ trợ kinh phí để khảo nghiệm, trình diễn những giống cây trồng mới, phục tráng giống để có nguồn giống tốt bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh.

{keywords}

Đại diện HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế nêu ý kiến.

Trao đổi làm rõ các nội dung liên quan, đại diện Chi cục Trồng trọt và BTVT cho biết, hằng năm Sở đều bố trí khoảng 600 triệu đồng lấy mẫu để đánh giá chất lượng, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, tới đây cơ quan chuyên môn sẽ tăng cường về cơ sở cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV cũng như các mặt hàng khác phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đối với hỗ trợ sản xuất, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ song nhiều HTX khó tiếp cận bởi chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nhất là về trình tự, thủ tục. Khắc phục tình trạng này, tới đây cơ quan chuyên môn của Sở sẽ phối hợp với các địa phương tập huấn, hướng dẫn các chủ thể trong thực hiện các thủ tục hỗ trợ; thành lập nhóm zalo để thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về các chính sách liên quan. Đối với hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bao bì, Chi cục Phát triển nông nông đã rà soát, lập danh sách 14 đơn vị đủ điều kiện nhận hỗ trợ trong năm 2022 với tổng kinh phí 510 triệu đồng. Ngoài ra, hằng năm Sở cũng bố trí khoảng 500 triệu đồng hỗ trợ tem, nhãn mác sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP.

Kết luận buổi đối thoại, ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân. Đồng thời nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp, do vậy các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động, đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh để thích ứng với điều kiện dịch bệnh.

Với trách nhiệm của mình, Sở luôn đồng hành, chia sẻ, lắng nghe ý kiến để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo đà cho phát triển. Tới đây, cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ, ngành sẽ đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì nhãn mác và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tiêu chuẩn hoá cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm tham gia chu trình OCOP.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản có thế mạnh, tiến tới xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh giống, phân bón, thuốc BVTV, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh và chất lượng vật tư nông nghiệp.

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

Ngày 7/10, Cục Thuế tỉnh đối thoại hỗ trợ người nộp thuế theo hình thức trực tuyến
(BGĐT) - Thực hiện Công văn số 2987/TCT-TTHT ngày 9/8/2021 của Tổng Cục Thuế về việc đối thoại, hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức trực tuyến, ngày 7/10/2021, Cục Thuế tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức hội nghị đối thoại, hỗ trợ trực tuyến về chính sách thuế trên Website Cục Thuế tỉnh.
Đối thoại về quan tâm chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi
(BGĐT) - Sáng 27/9, các đồng chí: Vũ Trí Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bắc Giang; Đặng Đình Hoan, Chủ tịch UBND TP chủ trì hội nghị đối thoại chuyên đề với người cao tuổi (NCT). 
Tiếp xúc, đối thoại với nhân dân: Ngăn ngừa phát sinh điểm nóng
(BGĐT) - Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thông qua hoạt động đối thoại của cấp ủy, chính quyền với nhân dân, thời gian qua, nhiều "bài toán khó" liên quan đến giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã được giải quyết, bảo đảm tiến độ đề ra. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...