Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỷ niệm 60 năm ngành KH & CN tỉnh 19/10: KH & CN đóng góp quan trọng đối với phát triển KT-XH của tỉnh

Cập nhật: 10:03 ngày 18/10/2021
(BGĐT) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang có bước tiến quan trọng. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bắc Giang có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN về những đóng góp của ngành đối với phát triển KT-XH địa phương.

Trước hết xin chúc mừng ông và ngành KH &CN tỉnh nhà nhân kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển. Những đóng góp và vai trò của ngành đối với phát triển KT-XH ngày càng quan trọng, ông có thể chia sẻ về nội dung này?

Ngày 19/10/1961, Ban Khoa học Kỹ thuật, tiền thân của ngành KH&CN tỉnh được thành lập. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành KH&CN ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hoạt động nghiên cứu - ứng dụng KH&CN có nhiều khởi sắc, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực.

{keywords}

Ông Nguyễn Thanh Bình (ngoài cùng bên phải) kiểm tra mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Lục Ngạn. Ảnh: Hoàng Thoa

Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh đều có sự đóng góp của ngành KH&CN từ khâu lựa chọn giống mới, áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo quản, chế biến, tiêu thụ đến khâu xây dựng, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể...).

Vậy những đóng góp nổi bật của ngành KH&CN đối với phát triển KT-XH địa phương thời gian gần đây là gì, thưa ông?

Dựa trên tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, ngành KH&CN xác định cần tập trung ứng dụng tiến bộ KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh. Hầu hết các sản phẩm như: Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, nấm Lạng Giang, rau Yên Dũng, ba kích Sơn Động, na Lục Nam, bưởi Hiệp Hòa, vú sữa Tân Yên, khoai tây Việt Yên... đều có đóng góp quan trọng của KH&CN, từ đó tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Chỉ riêng giai đoạn 2016-2020, Sở KH&CN đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hơn 70 văn bản quản lý, cơ chế, chính sách, đề án, kế hoạch... góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về KH&CN. Công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư được quan tâm, giúp chủ đầu tư quyết định phương án đầu tư có hiệu quả, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư.

Đặc biệt, Bắc Giang là một trong những tỉnh đi đầu trong việc thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 trong các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các tổ chức áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, đạt giải thưởng chất lượng, có sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận hợp chuẩn. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN, làm việc với nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Pháp...) nhằm trao đổi, tư vấn về các vấn đề liên quan trong các lĩnh vực trồng, bảo quản nông sản, công nghệ sau thu hoạch...

Theo ông, hiện nay, ngành KH&CN tỉnh đang gặp những thách thức gì?

Trong thời gian qua, ngành KH&CN đã khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo để bám sát, phục vụ thiết thực cho các hoạt động sản xuất và đời sống. Từ thực tiễn triển khai tại một số doanh nghiệp (DN) cũng như địa phương cho thấy, việc chuyển giao KH&CN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khu vực miền núi còn gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực, cũng như chưa có sự vào cuộc của những DN lớn vào sản xuất nên rất khó tạo được chuỗi giá trị. 

Có một nghịch lý là trong khi chúng ta muốn đầu tư KH&CN phát triển khu vực nông thôn, miền núi nhưng lại rất ít DN địa phương có đủ tiềm lực về cơ sở vật chất, con người, nguồn vốn để tiếp nhận. Bên cạnh đó, chưa nhiều DN quan tâm đến hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dưng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến…

Để tiếp tục phát huy vai trò, ngành KH&CN tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào giai đoạn tiếp theo, thưa ông?

Hiện chúng tôi đang tập trung tham mưu Bộ KH&CN, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển KH&CN tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi sẽ tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ trong lĩnh vực KH&CN.

Đẩy mạnh hợp tác trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN, tăng cường liên kết giữa tổ chức KH&CN với DN. Cơ cấu lại các nhiệm vụ KH&CN, tập trung nguồn lực triển khai các định hướng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN ưu tiên của tỉnh. Quan tâm thẩm định công nghệ dự án đầu tư, kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, môi trường; ngăn chặn công nghệ gây mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.

Đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của các địa phương; duy trì chất lượng cũng như quy trình sản xuất theo hồ sơ đăng ký ban đầu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, DN thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, để minh bạch hóa quá trình sản xuất, phục vụ thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Trân trọng cảm ơn ông và chúc cho ngành KH&CN tỉnh nhà tiếp tục đạt được những thành tựu mới!

Sỹ Quyết (Thực hiện)
Phát huy hơn nữa vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển đất nước
(BGĐT) - Chiều 15/9, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với nội dung: “Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.
Bắc Giang: Triển khai 17 nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ trong năm 2021
(BGĐT) - Ngày 11/3, Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Giang tổ chức họp đánh giá kết quả hoạt động năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh chủ trì.
Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT-XH
(BGĐT) - Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình nông thôn  miền núi (giai đoạn 2016-2025), nhiều đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp phát huy hiệu quả của khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...