Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 29 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Doanh nghiệp đầu tư thiết bị hiện đại: Tăng năng suất, giảm lao động

Cập nhật: 09:24 ngày 20/10/2021
(BGĐT) - Thời điểm này, cơ bản các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều DN đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động nên ngoài việc tuyển dụng mới công nhân, các đơn vị đã chủ động đầu tư thiết bị hiện đại, bố trí lao động phù hợp để nâng năng suất, sản lượng và giá trị.

Lắp đặt dây chuyền tự động

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2,5 nghìn DN hoạt động trở lại. Thế nhưng nhiều DN thiếu lao động, ảnh hưởng tới việc khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (Hiệp Hòa), từ giữa tháng 7 đến nay, đơn vị có khoảng 300 lao động xin nghỉ việc sau khi vào làm một thời gian. Khắc phục tình trạng này, Công ty sắp xếp lại vị trí vận hành chuyền, đăng thông tin tuyển lao động mới. Ban lãnh đạo Công ty cũng đề ra chiến lược tái cơ cấu sản xuất theo hướng hiện đại hóa; trong đó tập trung mua sắm máy móc hiện đại như: Cắt, chải vải, gấp và gói quần áo tự động, may lập trình. 

{keywords}

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) vừa đầu tư dây chuyền chế biến thực phẩm tự động.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: “Trước kia, mỗi máy cắt vải thủ công phải bố trí từ 3 đến 4 người thực hiện. Hiện chỉ cần một người cũng có thể điều khiển hàng chục chiếc máy cắt, chải vải cùng lúc. Bộ phận gấp, đóng gói cũng tương tự. Nhờ đó, Công ty giảm được hàng trăm lao động thủ công”. Nhiều DN dệt may trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Crystal Martin, KCN Quang Châu (Việt Yên), Công ty cổ phần May Năm Châu (Lạng Giang)… cũng vừa đầu tư mua thiết bị tự động hóa, chủ động khắc phục tình trạng thiếu lao động.

Không chỉ lĩnh vực công nghiệp, các DN sản xuất kinh doanh thực phẩm cũng trong tình trạng nói trên. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) chuyên chế biến nông sản xuất khẩu, trước thời điểm dịch, đơn vị duy trì 20 lao động thường xuyên; 50 - 500 lao động thời vụ (tùy từng thời điểm). 

Thế nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tuyển dụng nhân công, nhất là người làm thời vụ rất khó khăn. Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất tự động: Rửa nông sản, chạy quả, tách vỏ, lấy cùi và đóng gói… Hiện Công ty đang chế biến ngô ngọt, dưa bao tử bằng công nghệ này nhằm đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu dịp cuối năm.

Chủ động ứng dụng công nghệ

Được biết, nhu cầu tuyển mới lao động của các DN trong tỉnh quý IV/2021 là gần 37 nghìn người. Các DN đăng ký tuyển dụng lớn như: Công ty TNHH Luxshare ICT, Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology, Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang BGG, Công ty TNHH Crystal Martin,… do mở rộng quy mô sản xuất. Trong khi đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19, DN khó tuyển dụng người ngoại tỉnh; một bộ phận công nhân nghỉ việc, nhảy việc sau khi đi làm lại một thời gian ngắn khiến DN gặp khó.

Để có lượng lao động theo yêu cầu, các DN đang tích cực tuyển dụng bằng nhiều hình thức; đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) kết nối với tỉnh, TP mở các phiên giao dịch online tuyển dụng. Ông Nguyễn Đức Kha, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh chia sẻ, dự báo tình trạng thiếu hụt lao động sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh ngày một lớn mạnh. 

Cùng đó, diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp và có thể trở lại bất cứ lúc nào, làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Vì vậy, việc DN chủ động đầu tư thiết bị tự động hóa, thay thế lao động thủ công, ứng phó với tình trạng thiếu người làm, nhất là khi dịch bệnh diễn ra là điều quan trọng. Không chỉ vậy, việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế cũng là yếu tố cạnh tranh khốc liệt giữa các DN.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, Bắc Giang hiện có hơn 11 nghìn DN, nhưng phần lớn là DN nhỏ và vừa nên vốn, công nghệ hạn chế. Đây chính là khó khăn lớn nhất khiến DN chưa chủ động đầu tư trang thiết bị hiện đại, tự động hóa dây chuyền sản xuất. Hiện mới có khoảng 30% DN, chủ yếu là DN dệt may đã cơ bản ứng dụng máy móc thay thế nhiều hoạt động thủ công.

Để giúp DN ngày một lớn mạnh, tăng trưởng khá, tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong DN. Theo đó, tỉnh phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, hiệp hội, hội phụ trách từng mảng, lĩnh vực xây dựng kế hoạch, đề xuất kinh phí tổ chức thực hiện. Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch này là ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, giảm tối đa sự tham gia quản lý, điều hành của con người trong quá trình làm việc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân công.

Cùng với sự vào cuộc của tỉnh và các sở, ban, ngành thì nhiều DN chủ động đi trước đón đầu. Ví như Công ty TNHH Công nghệ GLOVELAND VINA, CCN Việt Tiến (Việt Yên) 100% vốn của Hàn Quốc, chuyên sản xuất các loại găng tay. Ngay từ khi đi vào hoạt động DN tập trung đầu tư máy móc tự động hóa để thực hiện hầu hết các khâu. Vì vậy, Công ty hiện chỉ có khoảng 200 cán bộ, công nhân viên với quy mô sản xuất 7 triệu sản phẩm/năm.

Nhiều DN khác chủ động ký kết với các công ty phần mềm xây dựng lộ trình quản trị nhân lực thời kỳ công nghệ 4.0 để phục vụ sản xuất hiệu quả trong điều kiện giảm lao động.

Bài, ảnh: Minh Hương
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
(BGĐT) - Ngày 12/10, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp (DN), doanh nhân năm 2021. 
Doanh nghiệp Bắc Giang không ngừng đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững
(BGĐT) - Doanh nghiệp (DN), doanh nhân ngày càng đóng vai trò là nòng cốt phát triển KT-XH của địa phương, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Nguyễn Đức Kha, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh về những đóng góp cũng như sự phát triển của cộng đồng DN thời gian tới.
Doanh nghiệp FDI phục hồi nhanh, nộp thuế cao
(BGĐT) - Dịp tháng 5, tháng 6 năm nay, đại dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN), trong đó có các DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, bằng nỗ lực vượt khó, khối DN này đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...