Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lan tỏa từ những điển hình vùng dân tộc thiểu số

Cập nhật: 11:17 ngày 25/10/2021
(BGĐT) - Từ các phong trào thi đua, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bắc Giang xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, họ là những gương sáng để đồng bào học, làm theo, từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Hạt nhân ở cơ sở

Cùng cán bộ Công an xã Nghĩa Phương (Lục Nam), chúng tôi về thôn Mương Làng đúng dịp địa phương vừa hoàn thành mở rộng, đổ bê tông hơn 1 km đường trục chính của thôn. Theo Đại úy Đào Văn Hảo, Trưởng Công an xã Nghĩa Phương, thôn Mương Làng có hơn 70 hộ dân, trong đó hơn 90% dân số là đồng bào DTTS nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Khi địa phương có chủ trương mở rộng tuyến đường, nhiều hộ dân có tâm lý ngại thay đổi, không đồng thuận hiến đất mở đường.

{keywords}

Ông Bế Văn Xanh tiên phong phá bỏ tường bao, hiến đất mở đường.

Phát huy vai trò, ông Bế Văn Xanh (SN 1978), người có uy tín trong đồng bào dân tộc Tày ở thôn Mương Làng đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động. Để đồng bào tin, làm theo, ông Xanh tiên phong phá bỏ cổng, tường bao của gia đình, hiến hơn 30m2 đất. Thấy ông Xanh làm, 22 hộ dân sống dọc tuyến đường cũng tháo dỡ công trình, hiến gần 500 m2 đất. “Trước đây dù tuyến đường đã được đổ bê tông song hẹp và xuống cấp nên việc đi lại gặp khó khăn. Giờ đây đường được mở rộng 6m không chỉ việc đi lại thuận tiện hơn mà nông sản của bà con cũng được thương lái đến tận ruộng thu mua, tăng giá trị", ông Xanh chia sẻ.

Thực tế, thông qua các chương trình, dự án, chính sách được triển khai đồng bộ, hiệu quả, diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi của tỉnh có những thay đổi căn bản. Có được những thành quả đó, ngoài sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, là sự đồng lòng, cố gắng vươn lên của nhân dân, đồng bào các DTTS. Tại hầu hết các địa phương, lĩnh vực đều xuất hiện những điển hình, gương sáng trong phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Trường hợp ông Lý Văn Trường (SN 1976), dân tộc Nùng ở thôn Gốc Dổi, xã Canh Nậu (Yên Thế) là một điển hình như thế. Nhận thấy lợi thế về rừng, gần 10 năm trước, ông mạnh dạn vay mượn tiền mua máy móc, mở xưởng sản xuất, chế biến gỗ bóc. Hiện nay với hai dây chuyền, xưởng của gia đình ông tạo việc làm cho 35 lao động địa phương với mức thu nhập 350 đến 400 nghìn đồng/ngày. Cũng tại huyện Yên Thế, chị Lý Thị Hợi (SN 1983), dân tộc Nùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Thân Trường, xã Xuân Lương (Yên Thế) liên kết với các hộ dân người dân tộc Cao Lan tại bản Ven, xã Xuân Lương ứng dụng khoa học, công nghệ sản xuất chế biến sản phẩm chè xanh bản Ven theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng đó thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm tăng thu nhập hàng năm của các hộ lên 200 - 300 triệu đồng.

{keywords}

Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại bản Ven.

Tương tự, từ hiệu quả mô hình nuôi gà đẻ trứng (thu 500-750 triệu đồng/năm), anh Hoàng Văn Huân, dân tộc Tày, thôn Hai, xã An Bá (Sơn Động) cũng giúp đỡ nhiều hộ khác chuyển sang mô hình này; anh Nông Văn Tiên (SN 1984), dân tộc Cao Lan, thôn Việt Tiến, xã Giáo Liêm (Sơn Động) hiến hơn 400m2 đất mở đường giao thông; ông Lâm Minh Sập (SN 1955), thôn Cống, xã Kiên Lao (Lục Ngạn) cùng thành viên câu lạc bộ dân ca Sán Chí sáng tác hơn 300 bài hát, mở 3 lớp dạy hát dân ca Sán Chí cho thế hệ trẻ…

Tạo khí thế thi đua sôi nổi

Vùng DTTS và miền núi chiếm 72,8% diện tích tự nhiên và 14,26% dân số của tỉnh. Từ sự hỗ trợ cùng với các chính sách dân tộc khác được triển khai thực hiện, diện mạo vùng đồng bào DTTS có những thay đổi căn bản, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước cải thiện; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất cũng như những thách thức từ điều kiện tự nhiên nên kết quả giảm nghèo tại vùng DTTS chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng DTTS với các vùng khác, giữa các thành phần dân tộc còn khác biệt. Ông Lăng Thành Vũ, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Yên Thế cho biết: “Vùng đồng bào DTTS, miền núi có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển, nhất là sản phẩm đặc trưng song do thiếu nhạy bén nên việc sản xuất tập trung quy mô lớn chưa có, các mô hình sản xuất gắn chuỗi giá trị còn ít”.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, cùng với nguồn vốn Trung ương phân bổ theo Chương trình 135, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã phân bổ 72 tỷ đồng đầu tư xây dựng 61 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ việc đi lại và nhu cầu tưới tiêu tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, giai đoạn 2015-2020, hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 51,6% xuống còn 13,45% (bình quân 7,6%/năm); hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm từ 34,84% xuống 8,47% (giảm bình quân 5,2%/năm).

{keywords}

Xưởng chế biến gỗ của gia đình ông Lý Văn Trường tạo việc làm cho 35 lao động địa phương.

Để phát triển KT-XH vùng DTTS, xóa dần khoảng cách vùng miền, giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tỉnh đang nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, miền núi theo hướng bền vững. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, giúp đồng bào ở vùng khó khăn tiếp cận với y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, thương mại thuận lợi hơn thông qua các nền tảng trực tuyến...

Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Để từng bước khắc phục những khó khăn trên, đồng thời bảo đảm mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng bền vững, cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Ban Dân tộc sẽ đổi mới, phát động nhiều đợt thi đua. Tuy nhiên, để nâng cao đời sống, đồng bào cần chủ động hơn trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa những cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện từng địa phương; tích cực xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất đã có hiệu quả”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh dân tộc thiểu số học tập, sinh hoạt
(BGĐT) - Ngày 13/9, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với học sinh dân tộc nội trú, bán trú và công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT -XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) năm 2021-2022 tại các huyện Sơn Động và Lục Ngạn. 
Chia sẻ khó khăn với học sinh dân tộc thiểu số
(BGĐT) - Dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng công tác khuyến học tại vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Nhờ vậy, nhiều học sinh được hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần để vươn lên trong cuộc sống, học tập.
Độc đáo tục đón Tết cổ truyền của người dân tộc thiểu số
(BGĐT) - Tết đến, xuân về, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lại náo nức tổ chức các hoạt động mang đậm nét truyền thống của dân tộc mình. Giờ đây, dù những phong tục, tập quán có thay đổi, đơn giản hơn song nét đẹp truyền thống vẫn được lưu giữ vẹn nguyên.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...