Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Điểm trưng bày sản phẩm OCOP chưa phát huy hiệu quả

Cập nhật: 08:49 ngày 01/11/2021
(BGĐT) - Sau hơn một năm hoạt động, các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực của Bắc Giang được đông đảo người dân biết đến. Tuy vậy, nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được các điểm trưng bày này; một số điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP cũng chưa phát huy hiệu quả, mục tiêu đề ra. 

Điểm bán hàng vắng khách

Năm 2020, tỉnh Bắc Giang đầu tư 430 triệu đồng từ nguồn Chương trình phát triển nông thôn mới hỗ trợ 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, giao Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai, quản lý. Trong đó, TP Bắc Giang được hỗ trợ hai điểm, Lục Nam, Yên Thế và Việt Yên mỗi huyện một điểm. Ngoài ra, huyện Hiệp Hòa tự xây dựng một điểm tại thị trấn Thắng. Các cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm vận hành theo mô hình siêu thị "mi ni", đều nằm ở những vị trí trung tâm, đông người qua lại, giao thông thuận tiện.

{keywords}

Điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP của huyện Việt Yên có rất ít khách hàng đến mua sắm.

Anh Phạm Công Hoằng, quản lý điểm bán sản phẩm OCOP tại đường Nguyễn Văn Cừ, thị trấn Thắng (Hiệp Hoà) cho biết, hiện cửa hàng đang bán 25 sản phẩm OCOP của Bắc Giang, với nhiều nông sản của địa phương như: Trám đen Hoàng Vân; thịt lợn sạch, giò chả, dăm bông, xúc xích của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh; gạo nếp Thái Sơn; bưởi Diễn Lương Phong… Bình quân doanh thu của cửa hàng đạt từ 60-70 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, không phải điểm nào cũng được như vậy. Nhiều điểm bộc lộ những hạn chế. Chị Hoàng Thị Tâm, đại diện điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP Thiên An, số 108, đường Đào Sư Tích, TP Bắc Giang cho biết, khi mới hoạt động, cửa hàng bán hơn 20 mặt hàng OCOP của tỉnh và TP nhưng nay chỉ còn chưa đến một nửa vì tiêu thụ chậm. Nguyên nhân là do các sản phẩm chưa được người dân TP ưa chuộng so với các sản phẩm cùng loại của tỉnh bạn. Nhiều chủ thể không đổi sản phẩm trưng bày khi đã hết hạn sử dụng. Các sản phẩm (nhất là hàng khô, đóng gói) khách mua chỉ để biếu, tặng. Nhiều đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm chưa đồng nhất giá bán tại cơ sở và giá niêm yết tại điểm trưng bày. 

Ông Trương Ngọc Cảnh, Giám đốc Trung tâm Dịch Vụ - Kỹ thuật nông nghiệp Việt Yên cho rằng, giá bán sản phẩm OCOP hiện nay khá cao. Nhiều mặt hàng mang tính thời vụ, số lượng ít. Chủ thể sản phẩm OCOP thiếu liên kết với điểm trưng bày của huyện. Theo Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang, hầu hết các điểm trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh chưa phát huy hiệu quả vì ảnh hưởng của dịch Covid-19; cách vận hành chưa phù hợp. Đặc biệt, các điểm chưa tích hợp được những yếu tố như gắn quảng bá, bán sản phẩm với các khu du lịch để hút khách. Cá biệt, năm 2020, huyện Lục Nam phối hợp với Công ty cổ phần Sinh học công nghệ cao Bắc Giang đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng điểm trưng bày nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động.

Hỗ trợ, phát huy giá trị sản phẩm OCOP

Để phát huy, nhân rộng các điểm trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm OCOP của tỉnh, năm 2021, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch khảo sát, ban hành kế hoạch mở thêm 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Khách sạn Mường Thanh; Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng Xương Giang (cùng ở TP Bắc Giang); Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động); khách sạn Suối Mỡ (Lục Nam) và HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng Văn hóa Đông Bắc (Lục Ngạn), tổng kinh phí hỗ trợ 350 triệu đồng. Đây là những điểm được đánh giá khả quan vì gần các khu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của tỉnh. Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến nay việc hỗ trợ tạm dừng, sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2022, với mức kinh phí được điều chỉnh phù hợp.

Tính đến tháng 10/2021, toàn tỉnh có 117 sản phẩm OCOP (34 sản phẩm đạt 4 sao, 83 sản phẩm đạt 3 sao), tăng 22 sản phẩm so với năm 2020. Năm 2022, tỉnh dự kiến xây dựng thêm 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Theo ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương, mục tiêu xây dựng các điểm trưng bày để quảng bá các sản phẩm OCOP là chính. Việc giải quyết đầu ra sản phẩm cần có nhiều yếu tố như: Thị trường, xúc tiến thương mại chung của tỉnh. Ông Toản cho rằng, Các chủ thể cần phối hợp với Sở Công Thương tích cực tham gia trưng bày tại các hội chợ để quảng bá hình ảnh; không ngừng duy trì và nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm OCOP sau khi được tỉnh công nhận. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở đã làm việc với đại diện các sàn thương mại điện tử: Alibaba, Voso, Sendo (bên trung gian) để quảng bá sản phẩm OCOP của Bắc Giang ra thị trường trong và ngoài nước, hướng tới thị trường châu Âu. 

Hiện Sở Công Thương đã hỗ trợ 15 DN, HTX có sản phẩm OCOP trên địa bàn ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) và công nghệ TMĐT; hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của DN theo Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Bắc Giang năm 2021. Cùng đó, Sở đã lập và gửi danh sách thông tin chi tiết (tên chủ thể, thông tin liên hệ; tên sản phẩm, sản lượng, thời vụ sản xuất và thu hoạch của sản phẩm…) các sản phẩm OCOP của tỉnh đề nghị Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, TP quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ cho Bắc Giang.

Thực tế, Nhà nước chỉ là bệ đỡ, hỗ trợ quảng bá cho sản phẩm OCOP. Do đó, các chủ thể sản phẩm OCOP phải chủ động đầu tư kinh phí hoặc liên kết với DN, HTX khác xây dựng hạ tầng, trực tiếp quản lý, trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, xúc tiến thương mại cần quan tâm, thường xuyên kiểm tra, kịp thời hỗ trợ để các điểm trưng bày, bán sản phẩm hoạt động đúng mục tiêu đề ra, phát huy hiệu quả các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bài, ảnh: Thế Đại
Bắc Giang: Kết nối đưa sản phẩm OCOP lên trang thương mại điện tử
(BGĐT) - Thực hiện Chương trình số 503, ngày 4/8 của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam về tiêu thụ sản phẩm cho Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên trang website: lmhtxvnmart.com.vn, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các đơn vị thành viên tạo đường link kết nối đến trang website này để giới thiệu sản phẩm. 
Sản phẩm OCOP năm 2021: Chuyển biến về chất lượng, mẫu mã
(BGĐT) - Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song đến thời điểm này, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang đã nhận được 26 hồ sơ tham gia phân hạng đợt 1 năm 2021. Qua đánh giá, các sản phẩm đều có chất lượng tốt, đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Các sàn thương mại điện tử hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm OCOP
(BGĐT) - Thời điểm này, vụ vải đã kết thúc, một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) như: Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn… tiếp tục hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ nông sản. Hàng hóa được giới thiệu bày bán tại các sàn chủ yếu là những sản phẩm OCOP: Mỳ Chũ, gạo thơm Yên Dũng, vải sấy khô, mật ong rừng Sơn Động…
Bắc Giang khai thác lợi thế điểm bán sản phẩm OCOP
(BGĐT) - Năm 2020, UBND tỉnh Bắc Giang hỗ trợ 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại một số huyện, TP. Hiện các điểm này hoạt động khá hiệu quả, từng bước đáp ứng mục tiêu đề ra.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...