Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sản xuất vụ đông: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị

Cập nhật: 14:13 ngày 05/11/2021
(BGĐT) - Trong bối cảnh KT-XH bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vụ đông năm nay được tỉnh Bắc Giang xác định có ý nghĩa quan trọng, vừa bảo đảm nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm, vừa mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Do đó, sản xuất cây vụ đông không nặng về chỉ tiêu diện tích mà coi trọng giá trị, chất lượng sản phẩm.

Chủ động chuyển đổi

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 22,5 nghìn ha rau, màu các loại (tương đương năm ngoái), trong đó rau 13,3 nghìn ha (chiếm gần 60%), còn lại là cây trồng khác như: Ngô, khoai lang, lạc... Thời điểm đầu vụ, do mưa nhiều nên nông dân gặp khó khăn khi trồng các loại cây ưa ấm như: Ngô, lạc, khoai lang… Để bảo đảm diện tích đã đăng ký, các địa phương chủ động khuyến cáo, định hướng người dân chuyển sang các loại cây ưa lạnh, cây dược liệu. 

{keywords}

Nông dân xã Tư Mại (Yên Dũng) đưa máy móc vào trồng khoai tây.

Ghi nhận tại thôn Lý Viên, xã Bắc Lý (Hiệp Hòa) cho thấy, nếu như những năm trước, vào vụ đông người dân chủ yếu trồng ngô thương phẩm, khoai lang thì vụ này các cánh đồng trong thôn đã được phủ kín bởi ngô ngọt, ngô nếp và ích mẫu. Theo bà Phùng Thị Nhung, thôn Lý Viên, do người trẻ đi làm công ty nên nhân lực sản xuất nông nghiệp giảm. Những vụ trước, hai vợ chồng bà chỉ trồng 2 sào ngô, khoai lang để chăn nuôi, còn lại bỏ ruộng. 

Vụ đông này, bà cùng nhiều hộ dân khác liên kết với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức Thắng (thị trấn Thắng) trồng 5 ha ích mẫu trên diện tích đã bỏ những năm trước. “Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và không bị sâu bệnh gây hại. Do hợp tác xã có hợp đồng bao tiêu với Công ty cổ phần OPC Bắc Giang nên không lo đầu ra. Theo tính toán, sau hơn hai tháng, mỗi sào ích mẫu cho thu nhập gần 3 triệu đồng”, bà Nhung chia sẻ.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), đến nay, nông dân trong tỉnh đã gieo trồng được hơn 16 nghìn ha cây vụ đông. Điểm nhấn là nông dân đã chủ động chuyển đổi hơn 1,7 nghìn ha cây ưu ấm theo kế hoạch đầu vụ sang trồng các loại cây ưa lạnh, qua đó nâng diện tích trồng rau màu các loại lên gần 15 nghìn ha (kế hoạch 13,3 nghìn ha). Tại thôn Ngọc Thành 1, xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa), nếu như những năm trước, cây trồng vụ đông chủ yếu là ngô, lạc thì vụ này có thêm rau màu các loại.

Tương tự, tại xã Cảnh Thụy - vựa rau của huyện Yên Dũng, nông dân cũng năng động chuyển đổi, đa dạng cây trồng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Với 2 sào ruộng, những năm trước vợ chồng tôi chủ yếu trồng su hào, bắp cải. Vụ này, thay vì chuyên canh hai loại rau này, tôi trồng nhiều loại rau cùng lúc như: Cải cúc, cải lu bú, cải canh… Từ đầu vụ đến nay, tôi thu hai lứa rau cải (30-35 ngày/lứa), với giá bán tại ruộng 10-12 nghìn đồng/kg, thu lãi hơn 12 triệu đồng/sào”, ông Vũ Văn Thái, thôn Nhất, xã Cảnh Thụy chia sẻ.

Tăng cường hỗ trợ sản xuất

Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sản xuất vụ đông luôn mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Dẫn chứng về nội dung này, ông Tặng thông tin hiện bình quân thu nhập trên 1 ha đất nông nghiệp của tỉnh đạt 120 triệu đồng/năm (3 vụ) thì riêng vụ đông đạt 60-70 triệu đồng.

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh trồng được hơn 16 nghìn ha cây vụ đông, bằng 71,5% kế hoạch, trong đó ngô đạt 87,1% so với kế hoạch, lạc (86,2%), rau đậu các loại (65%). Các địa phương trồng nhiều như: Lạng Giang 95,2%; Hiệp Hòa 87,3%; Việt Yên 80,2%; Tân Yên 75,5%...

Để khai thác lợi thế cũng như hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau ảnh hưởng của dịch, vụ đông này, UBND tỉnh có kế hoạch dành hơn 8,2 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ chuỗi liên kết để hỗ trợ vật tư sản xuất rau, củ, quả các loại. Dù diện tích được hỗ trợ không lớn (550 ha) song đã tạo “cú hích” để các địa phương có thêm các chính sách hỗ trợ. 

Nổi bật như tại huyện Yên Dũng, vụ đông này, toàn huyện đăng ký gần 300 ha sản xuất tập trung (tối thiểu 5 ha), liền vùng, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngoài 80 ha được hỗ trợ theo chính sách của tỉnh, cơ quan chuyên môn cũng tham mưu UBND huyện có cơ chế hỗ trợ (tương đương với mức của UBND tỉnh) đối với hơn 200 ha còn lại. Tại huyện Hiệp Hòa, ngoài hỗ trợ đối với sản xuất rau, củ, quả, địa phương đang tính toán để hỗ trợ đối với các loại cây trồng khác như: Ngô, dược liệu…

Thực tế cho thấy, một trong những khó khăn đối với sản xuất vụ đông là thời tiết diễn biến khó lường, giá vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng cao, tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do đó, cùng với các biện pháp hỗ trợ để tổ chức sản xuất hiệu quả, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ tiêu thụ, đa dạng các kênh phân phối và lưu thông sản phẩm. 

“Cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiên quyết xử lý các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trái quy định pháp luật. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương sẽ tạo điều kiện để vụ đông 2021 đạt hiệu quả cao ở cả 3 tiêu chí: Năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm”, ông Đặng Văn Tặng cho biết.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Chủ động phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi vụ đông xuân
(BGĐT)- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, thời tiết trong vụ Đông - Xuân năm 2021-2022 bị tác động của biến đổi khí hậu nên dự báo sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất chăn nuôi.
Bắc Giang mở rộng liên kết, nâng giá trị cây vụ đông
(BGĐT) - Thời điểm này, nông dân trong tỉnh Bắc Giang đang tập trung thu hoạch vụ mùa, sản xuất vụ đông. Cùng với chủ động liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, vụ đông năm nay, nông dân trong tỉnh đón nhận “cú hích” mới khi tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...