Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phục hồi kinh tế phải bảo đảm nhanh và bền vững

Cập nhật: 20:51 ngày 05/12/2021
(BGĐT) - Ngày 5/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức chương trình Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”. 
{keywords}

Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ngoài điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế, diễn đàn kết nối trực tuyến tới 57 điểm cầu ở các địa phương, 3 điểm cầu quốc tế (Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan) và kết nối trực tuyến tới một số chuyên gia.

Tham dự diễn đàn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh; Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái…

Cùng dự có các Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư và địa phương; đại diện một số đại sứ quán tại Việt Nam; khách quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh tế.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Cùng dự có đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ, hai năm nay đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề về KT-XH trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì tăng trưởng dương với 2,91%. Năm nay, dịch diễn biến phức tạp, dự kiến cả năm vẫn có tăng trưởng dương nhưng không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đặt ra, ảnh hưởng đến mục tiêu 5 năm tới.

Để phục hồi, các nước đã có nhiều gói giải pháp và tiền tệ tùy vào khả năng và nguồn lực mỗi nước. Việt Nam đã sử dụng linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác. 

Quốc hội cũng ban hành nhiều nghị quyết về tài chính ngân sách, đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế; đồng thời ban hành Nghị quyết giao cho Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “thích ứng, an toàn và linh hoạt; thiết kế các gói phục hồi và phát triển kinh tế”.

Đồng chí cho biết, Diễn đàn lần này là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam…hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển KT-XH một cách bền vững. Việt Nam phát triển không phải bằng mọi giá, trước mắt duy trì phát triển phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải bám vào mục tiêu dài hạn, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững cả về kinh tế, môi trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Sau khai mạc, tại diễn đàn, ý kiến các đại biểu tập trung trao đổi, phân tích toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2020 và 2021; làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch Covid-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của dịch...

Các đại biểu gợi ý về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH sau đại dịch Covid-19; kinh nghiệm quốc tế trong phục hồi phát triển kinh tế bền vững; khuyến nghị các chính sách đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số và phục hồi xanh ở Việt Nam; đào tạo nghề góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước…

Đồng thời đề xuất các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên… gắn kết hữu cơ với giải quyết các vấn đề xã hội.

{keywords}

Đồng chí Phạm Văn Thịnh phát biểu tại diễn đàn.

Chia sẻ tại diễn đàn, đồng Phạm Văn Thịnh cho biết, Bắc Giang là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề khi đợt dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 18/5 năm nay, tỉnh quyết định tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp (KCN) và cách ly xã hội tại một số huyện. Ngay khi tạm dừng hoạt động các KCN, tỉnh đã tính đến kế hoạch cho mở cửa trở lại và khôi phục sản xuất. Ngày 25/5 năm nay, UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp (DN) trong KCN hoạt động trở lại, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Xác định những vấn đề đặt ra đối với lao động trong KCN nếu chậm được giải quyết sẽ để lại những mất mát rất lớn về kinh tế cũng như hậu quả về an sinh xã hội. Để sớm ổn định sản xuất, một trong những giải pháp Bắc Giang quan tâm thực hiện đó là xử lý các vấn đề về lao động cho DN tại KCN.

Theo đó, tỉnh thành lập 8 tổ công tác với các nhiệm vụ như: Hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn về lao động; kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch; bảo đảm ninh trật tự, an toàn thực phẩm, phòng cháy, vệ sinh môi trường và khu lưu trú của người lao động; thẩm định, cấp phép nhà trọ bảo đảm an toàn phòng dịch; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động và kịp thời xử lý các vướng mắc, mâu thuẫn, tranh chấp lao động…

Nhờ đó, hết tháng 10 năm nay, các KCN trong tỉnh đã có 385 DN hoạt động ổn định với hơn 192 nghìn lao động, tăng 44 DN so với thời điểm trước dịch và tăng hơn 42 nghìn lao động. Điều đó cho thấy bài toán khôi phục và phát triển sản xuất, trong đó có vấn đề về lao động đã được tỉnh Bắc Giang giải quyết linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả với tinh thần tiến công không ngừng nghỉ ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp…

Các KCN không chỉ khôi phục hoàn toàn mà còn tăng trưởng mạnh, đóng góp quyết định vào kết quả phát triển kinh tế của tỉnh năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm ước đạt 300 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Đồng chí nhấn mạnh, người lao động đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của DN song hiện nay chưa có được chỗ ở tốt, đề nghị Quốc hội và Chính phủ trong Chương trình phục hồi kinh tế tới đây nên thiết kế chính sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ở khu vực đô thị và KCN, khuyến khích DN xây dựng ký túc xá cho công nhân trong KCN…

Trên cơ sở tham luận của các đại biểu, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục có tác động nặng nề đến nền kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, trong bối cảnh đặc biệt này cần phải có giải pháp cấp bách để khôi phục, phát triển kinh tế nhanh, bảo đảm bền vững trên cơ sở mục tiêu cụ thể đáp ứng hỗ trợ người dân, DN. Do đó, các cơ quan của Quốc hội cần nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế.

Đồng chí nhấn mạnh đến việc xây dựng các gói thúc đẩy kinh tế bảo đảm kịp thời và đủ mạnh, nếu không Việt Nam sẽ tụt hậu. Các chính sách hỗ trợ phải bảo đảm đúng, trúng đối tượng; phối hợp hài hòa chính sách tài khóa; đồng thời thiết kế khả thi nguồn lực đưa ra phải hấp thụ nhanh.

Riêng chính sách tài khóa và tiền tệ cần tính toán đến tác động cả tổng cung và tổng cầu. Việc xây dựng chính sách phải khả thi và thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả, đồng thời phải phối hợp tốt giữa các chính sách với nhau. Về chính sách tiền tệ, cần sử dụng một loạt công cụ khác để hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất vốn vay từ 0,5 đến 1%.

Với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.

Các ngành liên quan, nhất là ngân hàng cần chú trọng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, qua đó góp phần thúc đẩy ngân hàng phát triển, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Chú trọng các biện pháp giảm, miễn thuế; xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế khác.

Đặc biệt là trong bối cảnh dịch diễn biến khó lường, để phục hồi kinh tế bền vững, DN, người dân cần phát huy tinh thần tự lực tự cường, nhất là DN cần không ngừng cải thiện năng lực quản trị, chủ động, linh hoạt ứng phó với các tình huống, biến nguy thành cơ để tìm kiếm cơ hội phát triển. Đồng chí cũng lưu ý các DN cần đồng hành, hợp tác hỗ trợ nhau để tạo sức mạnh trong khôi phục kinh tế…

Tin, ảnh: Minh Linh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021
Sáng 5/12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, củng cố an ninh năng lượng phát triển bền vững
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019, sáng 17-1, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ, các tập đoàn công nghiệp, một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tổ chức Hội thảo chuyên đề: "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững”.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...