Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 13:45 ngày 06/03/2022
Sáng 6/3, tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì Hội nghị về thúc đẩy phát triển nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, với chủ đề “Khát vọng nông nghiệp Đất Chín Rồng xanh – sinh thái – bền vững”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp tổ chức. 
{keywords}

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng dự có lãnh đạo các các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên 39,7 nghìn km2 chiếm 12,2 % diện tích cả nước, có dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã giúp cơ cấu kinh tế của Vùng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của cả nước.

Thời gian qua, nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng lúc chịu nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn như: hứng chịu nặng nề bởi tác động biến đổi khí hậu; ảnh hưởng bởi các hoạt động phía thượng nguồn sông Mê Kông; khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, xây dựng hạ tầng, nhà ở ven sông cùng với các hoạt động kinh tế khác gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững; sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, nền sản xuất nhỏ, thiếu liên kết chậm được khắc phục, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, thiếu hạ tầng logistics phục vụ kinh tế nông nghiệp, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tư duy manh mún, mùa vụ của một bộ phận nông dân là một thách thức lớn cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản...

Mục tiêu phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 đạt tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018. Lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 30% tổng số lao động. Tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp trên 30%. Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch 50%. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 75%; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính theo các cam kết...

Để đạt mục tiêu trên, Đồng bằng sông Cửu Long phải tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long; các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và hệ thống cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; trả lời câu hỏi tại sao vùng Đồng bằng Sông Cửu Long được Đảng, Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo, đầu tư, song vẫn chưa phát triển như mong muốn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các đại biểu tập trung vào các vấn đề: Tư duy đột phá để phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long; tầm nhìn chiến lược để phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long; quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển hạ tầng; đào tạo, phát huy nguồn nhân lực; đầu tư khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất lao động; cách thức tổ chức, quản trị; mở rộng thị trường tìm đầu ra cho các sản phẩm trong vùng...

Cùng với đó, các ý kiến theo yêu cầu của Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và các hiệp hội doanh nghiệp cũng thảo luận làm rõ thêm về tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, đề xuất của nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đồng bằng Sông Cửu Long giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công. Đồng bằng Sông Cửu Long có rất nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đầu tư cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp trong vùng có nhiều nỗ lực nên vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có những bước phát triển vượt bậc.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn phát triển chưa tương xứng. 

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, nhận định về các vấn đề liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ một số nội dung mà các tỉnh, thành phố cần tập trung để đẩy phát triển toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững; theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống, vật chất tinh thần nhân dân; giữ vững an ninh, quốc phòng; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

“Tư duy phải đột phá; tầm nhìn phải chiến lược; chủ động thích ứng; chuyển đổi linh hoạt; gá trị nâng cao; nguồn lực công – tư; đời sống chất lượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển của mình; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa); nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá (nguồn vốn, quản trị, công nghệ...). Đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư; huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, có trọng tâm, trọng điểm.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Trong đó phải thực hiện 4 tốt trong quy hoạch “quy hoạch tốt để có dự án tốt dự án tốt; có dự án tốt để có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt để có sản phẩm tốt”. Tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược (gồm: giao thông; hạ tầng xã hội; hạ tầng chống biến đổi khí hậu; hạ tầng số; hạ tầng chuyển đổi năng lượng). Đẩy mạnh đào tạo nghề, chuyển đổi nghề; đầu tư khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp. Xây dựng thương hiệu sản phẩm của vùng. Tranh thủ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết để mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh các thị trường Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông...

Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phải theo hướng quản trị hiện đại, đi từ nhỏ đến lớn, từ khó đến dễ, từ đơn giản đến phức tạp; đẩy mạnh liên kết vùng trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. “Các bộ, ngành phải đồng hành cùng các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, song cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp các địa phương phải chủ động, vì không ai lo cho mình bằng chính mình”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng thời gian tới ngành Nông nghiệp nói chung và nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, trở thành nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; nông dân ngày càng giàu có, người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; nông thôn ngày càng sạch đẹp, hiện đại, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn...

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chứng kiến lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đề xuất tạm dừng công bố ca Covid-19, bỏ cách ly F1 đã tiêm đủ vaccine
Bộ Y tế đề xuất tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh; đề xuất đi làm cho trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly.
Ảnh hưởng không khí lạnh, chiều mùng 6/3, Bắc Bộ có mưa giông
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên từ chiều tối nay đến ngày mai (7/3), ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Theo TTXVN

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...