Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Nâng giá trị từ thâm canh rừng, chế biến gỗ

Cập nhật: 09:40 ngày 22/03/2022
(BGĐT) -  Nhằm khai thác hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp được giao, những năm qua, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tích cực đầu tư trồng rừng sản xuất và thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trồng rừng thâm canh và chế biến gỗ chuyên sâu.  

Những kết quả tích cực

Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng. 

Ông Bùi Văn Huân, Giám đốc Công ty nói: “Ba năm trở lại đây, chúng tôi đã cuốc hố bằng máy nhằm tăng năng suất lao động và tạo độ tơi xốp cho đất. Những cây giống mới có năng suất cao, chu kỳ kinh doanh ngắn như keo lai mô dòng AH1, bạch đàn mô cự vĩ DH-3229... được đưa vào trồng rừng thay thế những giống cũ”. Công tác chăm sóc rừng cũng được quan tâm. Thay vì chỉ đầu tư trong hai năm đầu, Công ty chăm sóc rừng cả năm thứ ba. 

{keywords}

Cán bộ Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn kiểm tra chất lượng cây giống trồng rừng.

Năm 2021, Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn trồng mới hơn 165,8 ha rừng. Toàn bộ diện tích sau khi trồng đều phát triển tốt. Đơn vị khai thác 159,53 ha rừng, sản lượng gỗ đạt 12.650 m3 và 2.849,9 ster củi. Tổng doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021 đạt hơn 16,1 tỷ đồng. Năm nay, đơn vị có kế hoạch trồng 226 ha rừng, toàn bộ diện tích sử dụng giống mới chất lượng cao. 

Ông Bùi Văn Huân cho biết thêm, cùng với đầu tư trồng rừng thâm canh, năm 2021, gần 2,2 nghìn ha rừng của đơn vị được cấp chứng chỉ quản lý bền vững. Qua đó nhận thức, trình độ quản lý, năng lực giám sát và ý thức trách nhiệm với công việc của cán bộ, người lao động trong đơn vị được nâng lên đáng kể, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thời gian qua tích cực đầu tư trồng rừng sản xuất. Theo Chi cục Kiểm lâm, tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh 153,4 nghìn ha. Trong đó, rừng đặc dụng 13,2 nghìn ha, rừng phòng hộ 21 nghìn ha, còn lại là rừng sản xuất. 

Mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới khoảng 8 nghìn ha rừng, khai thác rừng trồng được gần 1 triệu m3 gỗ các loại. Riêng năm 2021, các tổ chức, hộ dân trên địa bàn tỉnh trồng được 9 nghìn ha rừng tập trung (tăng 12,5% so với năm 2020), đạt 125% kế hoạch năm. Trong đó diện tích trồng rừng sản xuất 8,9 nghìn ha. Khai thác 945,2 nghìn m3 gỗ các loại (gỗ lớn chiếm 42,7%), đạt 131,2% kế hoạch. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2021 ước 1.922 tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 10,5% so với năm 2020.

Khó khăn cần tháo gỡ

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Những năm qua, công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được ngành chức năng, chính quyền địa phương chú trọng. Mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất khoảng 30 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng. Trong đó, số cây có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ theo quy định đạt hơn 95%. Đây là cơ sở quan trọng cho việc đầu tư trồng rừng thâm canh. 

{keywords}

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH An Lâm (Lạng Giang).

Nhiều tổ chức, hộ gia đình đã chú trọng nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng như các công ty: TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế và Lục Ngạn; các hộ: Ông Nguyễn Hữu Dũng, xã Tân Lập, ông Nghiêm Văn Mười, xã Tân Mộc (cùng huyện Lục Ngạn), ông Nguyễn Tiến Huy, xã Đông Hưng (Lục Nam)… Nhờ đầu tư thâm canh, năng suất rừng trồng đạt tới 30-35 m3/ha/năm, đặc biệt, có nơi đạt trên 40 m3.

Thế nhưng, trên thực tế, suất đầu tư trồng rừng hiện mới ở mức trung bình (50-60 triệu đồng/ha); tăng trưởng gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh đạt bình quân mới khoảng 20 m3/ha/năm.

Nguyên nhân là do việc chăm sóc, tỉa cành chưa được quan tâm thực hiện. Hơn nữa, phần lớn diện tích rừng kinh doanh gỗ nhỏ (4-5 năm khai thác), sản lượng đạt từ 120 - 150 m3/ha. Vì khai thác từ khi gỗ còn non nên chỉ có thể băm dăm đã phần nào giảm hiệu quả rừng trồng. Theo thiết kế, mỗi ha trồng 1,6 nghìn cây (trồng rừng gỗ lớn 1,1 nghìn cây/ha) nhưng có không ít hộ ở huyện miền núi, vùng cao trồng tới 4-5 nghìn cây/ha ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 726 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản (63 cơ sở là tổ chức và 663 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân) nhưng đó chỉ có 11 tổ chức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm chế biến từ gỗ ra nước ngoài (10 tổ chức xuất khẩu ván ép, ván dán và 1 tổ chức xuất khẩu cán chổi công nghiệp). 

Hiện nay, khối lượng gỗ rừng trồng đưa vào chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 25% tổng khối lượng gỗ khai thác. Sản phẩm chính là các loại ván ép (ván ép phủ phin, ván ép phủ mặt) phục vụ chính cho xuất khẩu. Nhìn chung, cơ sở chế biến gỗ này chủ yếu hình thành tự phát, quy mô sản xuất nhỏ; chưa có sự liên kết giữa các cơ sở hoặc liên kết chuỗi từ trồng rừng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chưa có nhà máy chế biến gỗ công suất lớn, công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm có giá trị cao.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp

Khắc phục những vấn đề nêu trên, trong định hướng phát triển lâm nghiệp, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng. Theo đó, vấn đề đầu tiên là làm tốt công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp. 

Tăng trưởng gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh hiện đạt bình quân khoảng 20 m3/ha/năm. Nếu đầu tư trồng rừng thâm canh, năng suất có thể đạt tới 30-35 m3, có nơi đạt hơn 40 m3/ha/năm.

Phát huy những kết quả đạt được trong công tác này, Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương quản lý các cơ sở gieo ươm để bảo đảm cây giống đưa vào trồng rừng rõ nguồn gốc, chất lượng. Cùng đó, khuyến cáo, hướng dẫn các hộ dân sử dụng giống cây mới, nhất là cây gieo cấy bằng phương pháp nuôi cấy mô để bảo đảm sạch bệnh và phát triển đồng đều; tăng suất đầu tư trồng rừng đi đôi với chăm sóc rừng để rút ngắn chu kỳ khai thác, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn.

Công nghệ chế biến gỗ cũng cần được quan tâm hơn. Ngành chức năng chủ động tham mưu các chủ trương, chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm gỗ có chất lượng cao như ván MDF, ván ghép thanh, ván ép phủ phin phục vụ xuất khẩu. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ rừng, đồng thời tranh thủ nguồn kinh phí từ T.Ư và các nguồn kinh phí khác để bảo đảm hỗ trợ với mức cao nhất theo quy định của pháp luật cho việc xây dựng, thực hiện việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. 

Các hộ gia đình quan tâm tích tụ đất lâm nghiệp để sản xuất gỗ hàng hóa tập trung; hình thành liên kết theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, khai thác đến chế biến tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng. Thực hiện các biện pháp thâm canh trồng, chăm sóc rừng, các công nghệ trong khai thác và chế biến gỗ. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về quỹ đất, mặt bằng đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến gỗ. Các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ rừng, doanh nghiệp chế biến gỗ được vay vốn với nguồn kinh phí đủ lớn và thời gian bảo đảm để khuyến khích đầu tư thâm canh, trồng rừng gỗ lớn và áp dụng công nghệ hiện đại vào chế biến gỗ.

Bài, ảnh: Huy Nam

Bắc Giang: Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn
(BGĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố và các Công ty TNHH Lâm nghiệp tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp và đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn.
Bắc Giang: Tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2021 là 38%
(BGĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định công bố hiện trạng, diện tích rừng tỉnh năm 2021.
Giữ rừng dịp Tết
(BGĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra không ít vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán - thời điểm các đối tượng thường lợi dụng chặt phá, lấn chiếm đất rừng... 
Bắc Giang: Hơn 6,8 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững
(BGĐT) - Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, đến nay, toàn tỉnh có hơn 6,8 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...