Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hạn chế tác động từ giá phân bón tăng cao

Cập nhật: 09:36 ngày 25/03/2022
(BGĐT) - Thời điểm này, nông dân trong tỉnh Bắc Giang đang tập trung chăm sóc lúa, vải thiều và một số cây trồng khác. Nhu cầu sử dụng lớn trong khi giá phân bón tăng mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp.

Chi phí sản xuất tăng

Không phải đến bây giờ mà từ năm ngoái, giá một số loại phân bón đã biến động mạnh và tiếp tục tăng trong thời gian gần đây. Khảo sát thị trường trên địa bàn tỉnh cho thấy, giá đạm u rê và kali nhập khẩu tăng mạnh nhất. 

Cụ thể, đạm u rê Hà Bắc đang được bán phổ biến ở mức 17 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng; kali Hà Anh giá 16,2 nghìn đồng/kg, tăng hơn 2 lần so với vụ xuân năm trước. Lân và NPK giá tăng ít hơn nhưng cũng ở mức 30 - 50% so với cùng kỳ năm trước. Super lân Lâm Thao tăng từ 3 lên 4 nghìn đồng/kg, NPK Lâm Thao 5.10.3 tăng từ 4 lên 6 nghìn đồng/kg, NPK Lâm Thao 12.5.10 tăng từ 6 nghìn lên 9 nghìn đồng/kg. 

{keywords}

Chị Từ Thị Tuyết, thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong (Yên Dũng) chăm sóc lúa xuân.

Theo một số đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón, thị trường sản phẩm này biến động mạnh là do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón tăng mạnh. Trung Quốc - nhà sản xuất, cung ứng phân bón hàng đầu thế giới hạn chế xuất khẩu phân bón để ưu tiên cho sản xuất trong nước. Giá cước vận chuyển, logistic cũng tăng lên...

Giá phân bón tăng mạnh tác động trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, làm không ít hộ dân lo lắng. Gia đình chị Từ Thị Tuyết, thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong (Yên Dũng) vụ này cấy 4 sào lúa. Chị cho biết như mọi năm mỗi sào lúa dùng hết 1 bao lân (25 kg), 5- 6 kg đạm và 5 - 7 kg kali. Với mức giá như hiện nay, chi phí phân bón cho một sào lúa khoảng 450 nghìn đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Ngoài ra còn tiền mua giống, thuê cày bừa, gặt lúa, thuốc trừ sâu… Trong khi đó, mỗi sào chỉ được 2,5 tạ thóc, giá thóc khoảng 850 nghìn đồng/tạ nên cấy lúa sẽ không còn lãi là bao.

Ảnh hưởng nhiều hơn có lẽ là các hộ trồng vải thiều. Gia đình anh Lê Văn Thiết, thôn Thượng Vũ, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) có gần 2 ha vải thiều. Năm 2021, anh mua cả phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hết khoảng 20 triệu đồng. Năm nay, do giá phân bón tăng cao, anh mới mua 5 tạ đạm, 2 tạ kali, 2 tấn lân đã hết hơn 20 triệu đồng. Nếu cộng cả hơn chục triệu tiền mua thuốc bảo vệ thực vật nữa sẽ hết khoảng 35 triệu đồng. “Đầu tư chăm sóc tốn như vậy nhưng chưa biết giá vải tới đây như thế nào, rất mong Nhà nước có biện pháp bình ổn giá phân bón để nông dân yên tâm sản xuất”, anh Thiết kiến nghị.

Sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả

Phân bón là loại vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp bởi đây là nguồn dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đối tượng cây trồng và giai đoạn sinh trưởng, phát triển để lựa chọn loại và số lượng phân bón cho phù hợp. 

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Trước tình hình giá phân bón tăng mạnh và thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngay từ tháng 2/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản về việc sử dụng phân bón để các huyện, TP triển khai thực hiện. Trong đó tập trung hướng dẫn người dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; tận dụng nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, rác thải sinh hoạt để sản xuất phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương". 

Ngành Nông nghiệp cũng tổ chức tập huấn cho nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất; khuyến khích sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ nhằm giảm chi phí đầu vào sản xuất, nhất là lượng phân bón. Phổ biến việc sử dụng phân bón theo nguyên tắc “5 đúng” (bón đúng chủng loại, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng mùa vụ và thời tiết, đúng phương pháp) và bón phân cân đối.

Thực hiện hướng dẫn của ngành chức năng, để ứng phó với việc giá phân bón tăng cao, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động sử dụng chất thải chăn nuôi ủ thành phân bón hữu cơ. Gia đình anh Vi Thanh Bình, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (Tân Yên) nuôi hơn 1 nghìn con gà lấy trứng. Từ nguồn chất thải chăn nuôi anh ủ thành phân hữu cơ bón cho 1,1 ha vải. Từ đầu vụ đến nay, anh sử dụng nguồn phân này chăm sóc vải thiều nên chỉ phải bón thêm một ít đạm. Bón phân hữu cơ còn giảm nguy cơ tồn dư chất hóa học, cây lại bền hơn. Khi nào cần vải mã đẹp, quả ngọt anh mới mua ka li bón cho cây.

Chia sẻ khó khăn với nông dân, Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang- doanh nghiệp chiếm khoảng 60% thị phần phân bón trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân, nhất là các hộ chăm sóc vải thiều ở hai huyện Lục Ngạn, Tân Yên. 

Ông Chu Văn Hiểu, Phó Tổng Giám đốc Công ty thông tin: Năm 2021, Công ty cung ứng khoảng 10 nghìn tấn phân bón trả chậm cho nông dân. Từ đầu năm đến nay đã bán trả chậm khoảng 6 nghìn tấn và tiếp tục cung ứng theo hình thức này cho các hộ dân có nhu cầu. Các cấp hội nông dân triển khai chương trình bán phân bón trả chậm cho hội viên.

Dự báo, thời gian tới giá phân bón tiếp tục biến động, nhất là giá kali. Do vậy, người dân cần nắm chắc tình hình sinh trưởng và phát triển của cây trồng để sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý, chủ động chuyển sang sử dụng các loại phân bón khác thay thế phân hóa học nhằm hạn chế tác động từ việc tăng giá.

Bài, ảnh: Huy Nam

Người trồng vải giải bài toán giá phân bón tăng cao
Trong bối cảnh giá phân bón hóa học tăng cao, nhiều hộ dân trồng vải tại huyện Tân Yên, Bắc Giang đã chuyển sang dùng phân bón hữu cơ. Cách làm này vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa nâng cao chất lượng vải.
Giá phân bón tăng cao, người trồng vải thiều gặp khó
Thời gian qua, giá phân bón tăng cao khiến người trồng vải ở tỉnh Bắc Giang đứng ngồi không yên.
Biến phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ
(BGĐT) - Để tiết kiệm chi phí, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, Thạc sĩ Đào Trọng Nghĩa, cán bộ Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang và nhóm tác giả đã nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ vi sinh trong xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ.
Bắc Giang: Giá phân bón tăng mạnh
(BGĐT) – Từ đầu năm đến nay, các cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có sản lượng tăng, tiêu thụ thuận lợi.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...