Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chủ động đầu ra cho vải thiều

Cập nhật: 09:01 ngày 26/03/2022
(BGĐT) -  Sản lượng lớn, thời gian thu hoạch không dài, bảo quản khó nên việc tiêu thụ vải thiều chưa bao giờ đơn giản, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Vì thế, ngay từ đầu vụ sản xuất, chính quyền, ngành chức năng đã quan tâm đặc biệt tới việc chỉ đạo nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng đầu ra cho trái ngọt này.

Sát cánh cùng nông dân

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích vải thiều toàn tỉnh năm nay 28,3 nghìn ha. Hiện các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng, phát triển tốt, các đối tượng dịch hại được kiểm soát. Cụ thể: Trà vải sớm giai đoạn nở hoa - đậu quả, tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%; vải thiều chính vụ tỷ lệ ra hoa khoảng 75%. Với tình hình như hiện nay, dự kiến sản lượng vải toàn tỉnh sẽ vượt 160 nghìn tấn (sản lượng vải sớm khoảng 55 nghìn tấn; vải chính vụ 110 nghìn tấn). 

{keywords}

Ông Vi Văn Bốn, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hoà (Tân Yên) tích cực chăm sóc vải thiều.

Năm nay, bên cạnh tiêu thụ trong nước, thị trường xuất khẩu của vải thiều Bắc Giang tiếp tục được xác định là: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Úc. Năm 2021, các thị trường trên tiêu thụ hơn 85 nghìn tấn vải thiều. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc 84,7 nghìn tấn, Nhật Bản 204 tấn và Mỹ, EU, Úc 70 tấn. Thế nhưng, việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường truyền thống năm nay không như các năm trước bởi từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu. 

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin: Trung Quốc yêu cầu vải xuất khẩu phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và đã thông báo kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói này. Đối với xuất khẩu vải khô, phải đăng ký mã số doanh nghiệp xuất khẩu đối với Hải quan Trung Quốc. Trong khi đó, với các thị trường cao cấp khác, ngoài mã số vùng trồng, yêu cầu đối với vải thiều xuất khẩu phải kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật, sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (tùy từng thị trường)...

Để đáp ứng các điều kiện đó,  Sở Nông nghiệp và PTNT đã  rà soát lại toàn bộ mã số vùng trồng để bổ sung hoặc loại bỏ những mã số không phù hợp. Ngành Nông nghiệp đã đồng hành cùng nông dân với việc thành lập Tổ chỉ đạo sản xuất vải thiều xuất khẩu và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói năm 2022 gồm 10 người thường xuyên phối hợp với cán bộ huyện, xã tổ chức tập huấn quy trình sản xuất vải thiều xuất khẩu cho nông dân, hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất. 

Ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và giám sát việc sử dụng; hướng dẫn địa phương, người dân chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác kiểm tra thực địa đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói theo yêu cầu của Hải quan Trung Quốc. Hỗ trợ về thủ tục cho các doanh nghiệp đăng ký mã số xuất khẩu vải khô sang Trung Quốc; chủ động làm việc với một số đơn vị có nhu cầu xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU, Úc...

Mở rộng thị trường, kênh phân phối

Do sản lượng lớn nên việc tiêu thụ vải thiều luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền, các ngành hữu quan. Trước tình trạng một số nông sản của các tỉnh phía Nam ùn ứ tại cửa khẩu dịp cuối năm 2021 và việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu nông sản, tại hội nghị thường kỳ UBND tỉnh tháng 1/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương quan tâm đặc biệt tới việc chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm nay. 

Tại hội nghị thường kỳ UBND tỉnh mới đây, đồng chí cho rằng việc tiêu thụ vải thiều năm nay qua các cửa khẩu với Trung Quốc khó khăn bởi chính sách chống dịch hai nước khác nhau. Do đó, cần có nhiều giải pháp hơn, đa dạng phương thức tiêu thụ, trong đó tăng cường tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử. 

Với mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã thông qua kênh ngoại giao tổ chức trao đổi với một số cơ quan, mời nhiều đoàn ngoại giao các nước tại Việt Nam về làm việc tại tỉnh, trong đó đề nghị thúc đẩy xúc tiến tiêu thụ vải thiều và kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm, công nghệ đầu tư nhà máy chế biến vải thiều cũng như các loại nông sản khác. Các doanh nghiệp có nhu cầu liên kết, tiêu thụ vải thiều xuất khẩu đến Bắc Giang khảo sát, tìm hiểu quy trình sản xuất, sơ chế vải thiều đều được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi.

Đến nay, toàn tỉnh duy trì 149 mã số vùng trồng với diện tích 15,8 nghìn ha, sản lượng khoảng 95 nghìn tấn đối với thị trường Trung Quốc; thị trường Nhật Bản có 30 mã số vùng trồng với diện tích 219 ha, sản lượng 1,8 nghìn tấn. Đối với thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Úc duy trì 18 mã, diện tích 218 ha, sản lượng 1,6 nghìn tấn.

Sở Công Thương đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Tham tán thương mại và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài về tình hình, thông tin mùa vụ, dự kiến chương trình quảng bá, xúc tiến vải thiều năm 2022; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường  hoạt động tìm kiếm, xuất khẩu vải thiều sang các thị trường tiềm năng và khó tính (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Bỉ và các nước thuộc EU, UAE, khu vực Trung Đông...). 

Sở cũng đã tham mưu cho tỉnh Kế hoạch tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh năm 2022 với các hoạt động sát với tình hình thực tiễn. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng bộ tài liệu quảng bá vải thiều bằng tiếng Anh, Nhật Bản, Trung Quốc được số hóa dưới dạng clip quảng cáo và Profile được gắn mã QR có thể phục vụ tuyên truyền, quảng bá vải thiều toàn cầu. 

Sở Công Thương giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin mùa vụ với các kênh phân phối thông qua Internet, zalo; chủ động xây dựng và tạo lập kênh, nhóm là thành viên đại diện các tập đoàn phân phối, các chợ đầu mối, thương nhân, nhà quản lý… thực hiện kết nối, trao đổi thông tin trực tuyến về dự kiến mùa vụ vải thiều. Hiện nay, Sở tiếp tục kết nối với các tập đoàn bán lẻ, chợ đầu mối, kênh phân phối, thương nhân tiêu thụ vải thiều ở trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường cho nông sản này...

Còn khoảng hai tháng nữa vải thiều bắt đầu được thu hoạch. Với sự vào cuộc sớm và tích cực của chính quyền, các ngành hữu quan trong chỉ đạo sản xuất, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tin rằng vụ vải thiều năm nay Bắc Giang tiếp tục giành thắng lợi.

Bài, ảnh: Huy Nam

Bắc Giang: Nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng năm 2022
(BGĐT)- UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành kế hoạch tổ chức các sự kiện, hội nghị, hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng năm 2022.
Thúc đẩy hợp tác chế biến, xuất khẩu vải thiều sang Hoa Kỳ và xử lý môi trường
(BGĐT)- Chiều 18/3, Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Emission Resource (ERG - Hoa Kỳ), Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại XNK Phân phối Sun Hee DC Group và Công ty logistics Bưu điện Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc tiêu thụ, chế biến vải thiều và xử lý rác thải.
Nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia xuất khẩu vải thiều
(BGĐT) - Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, chuẩn bị cho vụ vải thiều năm nay, thời gian qua, đơn vị đã làm việc với một số doanh nghiệp (DN) có nhu cầu xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Úc. 
Bắc Giang có đủ điều kiện để xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản
(BGĐT) - Chiều 1/3, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tiếp và làm việc với lãnh đạo, đại diện một số doanh nghiệp (DN) Nhật Bản gồm: Ông Kawamoto, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KAWAMOTO; ông Bùi Huy Khương, Giám đốc Xuất nhập khẩu Tập đoàn RIBETO và ông Hoàng Mạnh Quỳnh, Giám đốc tại Việt Nam Tập đoàn KYODAI về việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...