Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vi phạm về đê điều tái diễn, vì sao?

Cập nhật: 08:09 ngày 28/03/2022
(BGĐT) - Hằng năm, UBND tỉnh Bắc Giang đều có kế hoạch, giao các địa phương tập trung xử lý vi phạm về đê điều song tình trạng này vẫn tái diễn. 

Nhiều vi phạm kéo dài

Dọc tuyến đê tả Cầu, đoạn qua xã Quang Châu (Việt Yên) có nhiều điểm nằm trong kế hoạch giải tỏa trước ngày 30/6/2022 song thời điểm này vật liệu vẫn được tập kết, phương tiện ra, vào nhộn nhịp. Tại trạm đổ cọc bê tông, thôn Quang Biểu có hàng trăm m3 cát, sỏi cùng nhiều cọc bê tông thành phẩm, khung sắt. Đáng chú ý, theo kế hoạch, trường hợp này phải xử lý dứt điểm trước tháng 6 năm ngoái.

{keywords}

Bãi tập kết vật liệu xây dựng của ông Nguyễn Duy Khánh, thôn Đông Tiến, xã Hương Gián (Yên Dũng).

Theo lãnh đạo UBND xã Quang Châu, điểm vi phạm trên do ông Nguyễn Văn Định, thôn Quang Biểu tự ý san nền tại khu vực thuộc hành lang bảo vệ đê rồi lắp đặt máy móc sản xuất cọc bê tông từ năm 2020. Thời gian đầu khi phát hiện vi phạm, địa phương tiến hành làm việc song ông Định lấy lý do tập kết sắt vụn, đang chờ bán. 

Đến năm 2021, UBND xã đã lập biên bản vi phạm đối với ông Định, đồng thời đề nghị dừng cấp điện cho khu vực sản xuất này nhưng chỉ được một thời gian, vi phạm lại tái diễn. “Năm ngoái xã đã đề nghị cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp cưỡng chế đối với vi phạm của hộ ông Định song đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn nên chưa triển khai được”, ông Nguyễn Văn Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Châu nói.

Nhằm tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai, ngày 11/3/2022, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các huyện, TP có đê, các cơ quan liên quan tập trung xử lý vi phạm. Theo đó, trước 30/6/2022, các địa phương phải xử lý dứt điểm 109 trường hợp. Trong đó có 40 trường hợp còn tồn đọng từ năm 2021. Điển hình là hai bãi tập kết vật liệu xây dựng tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) của ông Trần Văn Tâm và ông Trần Văn Hà. 

Năm 2021, UBND xã tiến hành xẻ dốc, cắm biển cấm hoạt động song do vị trí ở xa, lực lượng chức năng không giám sát 24/24 giờ, trong khi nhu cầu vật liệu xây dựng của người dân lớn nên vi phạm tái diễn. UBND xã Hương Gián (Yên Dũng) cũng không xử lý được vi phạm tại bãi tập kết vật liệu của ông Nguyễn Duy Khánh ở thôn Đông Tiến.

Kiên quyết xử lý

Quy định đã có nhưng vi phạm vẫn tái diễn hoặc kéo dài không được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân của tình trạng này là do các địa phương chưa kiên quyết xử lý. Trách nhiệm đã rõ ở từng cấp nhưng như ở các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa hay Yên Dũng đều chưa quy rõ trách nhiệm từng cá nhân, tập thể liên quan để xử lý. Qua đó cho thấy, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa thực sự hiệu quả.

Trước 30/6, các địa phương phải xử lý dứt điểm 109 trường hợp, trong đó có 65 vi phạm về đê điều, còn lại là bến bãi chất tải, kinh doanh vật liệu xây dựng. Các địa phương có nhiều vi phạm gồm: Lục Nam (38 trường hợp), Việt Yên (17), Yên Dũng (15), Lạng Giang (15), TP Bắc Giang (9), Hiệp Hòa (9)...

Khắc phục tình trạng này, năm nay, ngay sau khi UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, các địa phương đã xây dựng phương án xử lý các trường hợp. Tại huyện Việt Yên, UBND huyện yêu cầu cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã rà soát, báo cáo từng trường hợp vi phạm, đề xuất hướng xử lý. 

Với những bãi đã nằm trong quy hoạch và đủ điều kiện đưa vào quy hoạch song chưa đủ điều kiện hoạt động, cán bộ vận động người dân chấp hành, tạm dừng đến khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết. 

Còn tại huyện Yên Dũng, cơ quan chức năng lập biên bản, thông báo kế hoạch giải tỏa tới từng hộ vi phạm và cộng đồng, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ. Những trường hợp cố tình, địa phương tổ chức cưỡng chế, lắp đặt camera giám sát, xây dựng hệ thống barie kiên cố tại dốc lên, xuống bãi tập kết. Nếu vi phạm sẽ xử lý qua hình ảnh.

Với chức năng của mình, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) sẽ tổ chức cho các tổ chức, hộ cá nhân sống dọc các tuyến đê cũng như hoạt động kinh doanh bến, bãi ven sông ký cam kết không vi phạm. 

Ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Năm ngoái do ảnh hưởng bởi dịch nên nhiều địa phương chưa hoàn thành xử lý theo yêu cầu của UBND tỉnh. Để tình trạng này không tái diễn, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, yêu cầu xử lý dứt điểm, bảo đảm sau ngày 1/5 không còn trường hợp nào nằm ngoài quy hoạch vẫn hoạt động. Nếu địa phương nào để tái diễn, chúng tôi báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị phê bình, đưa vào bình xét cuối năm đối với người đứng đầu địa phương”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Bắc Giang: Chậm xử lý vi phạm về đê điều
(BGĐT) - Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang), do dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện cách ly, giãn cách xã hội nên thời điểm này, việc giải quyết các vi phạm về đê điều theo chỉ đạo của UBND tỉnh chậm. Chi cục Thủy lợi đã thành lập tổ công tác hỗ trợ các địa phương, quyết tâm hoàn thành trong tháng 7.
Xử lý dứt điểm vi phạm đê điều trước mùa mưa bão
(BGĐT) - Mùa mưa bão đã cận kề, thời hạn xử lý vi phạm về đê điều theo kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Giang cũng sắp hết. Với quyết tâm xử lý dứt điểm các vi phạm đúng kế hoạch, ngành chức năng, chính quyền các địa phương đang vào cuộc quyết liệt, vừa chống dịch, vừa kiên quyết giải tỏa các bến, bãi.
Xử lý vi phạm đê điều: Rà từng trường hợp, không để tái diễn
(BGĐT) - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, các địa phương đang tập trung rà soát, lên kế hoạch chi tiết, xử lý các trường hợp vi phạm về đê điều. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều trường hợp đã tự nguyện tháo dỡ, khắc phục vi phạm, trả lại hành lang đê.
Xử lý bến, bãi vi phạm pháp luật đê điều: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
(BGĐT) - Mùa mưa bão đã cận kề, ngành chức năng, chính quyền các địa phương tỉnh Bắc Giang đang vào cuộc giải tỏa và xử lý các bến, bãi vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Xử lý vi phạm đê điều ở Bắc Giang: Kiên quyết giải tỏa, bảo đảm an toàn đê
(BGĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về xử lý vi phạm pháp luật  liên quan đến đê điều, phòng, chống thiên tai năm 2020, đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai hiệu quả. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng phó với sự cố mùa mưa bão, bảo đảm an toàn đê.  
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...