Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Yên Thế: Đa dạng vật nuôi, nâng cao giá trị

Cập nhật: 08:49 ngày 12/04/2022
(BGĐT) -  Đàn vật nuôi của huyện Yên Thế (Bắc Giang) khá đa dạng. Ngoài gà đồi nổi tiếng còn có dê, hươu, ong... Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, chính quyền, ngành chức năng tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi, nâng giá trị sản phẩm.

Hơn chục năm về trước, huyện Yên Thế đã được biết đến với phong trào chăn nuôi gà đồi và trồng rừng kinh tế. Tiềm năng đất đai, lao động được đánh thức bằng những mô hình chăn nuôi gà hàng nghìn con/lứa. Có thể khẳng định, sự năng động của người dân và chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà qua các giai đoạn 2008-2011, 2013-2015, 2016-2020… đã tạo “cú hích” mạnh mẽ thúc đẩy phát triển sản xuất. 

{keywords}

Anh Vũ Xuân Thắng, bản Cầu Tư, xã Hồng Kỳ chăm sóc dê.

Đàn gà của huyện tăng mạnh và luôn đứng đầu tỉnh, nhiều thời điểm lên tới 4,5 triệu con. Nuôi gà trở thành nghề mang lại việc làm, thu nhập cho hàng nghìn hộ dân trong huyện. Gà đồi Yên Thế đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu năm 2011, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ sống (gà lông) cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phố mà còn được đưa vào sơ chế, chế biến. Thế nhưng, nuôi gà không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. 

Do quy mô sản xuất lớn nên sử dụng lượng thức ăn không nhỏ. Đã không ít lần giá cám tăng cao trong khi giá gà thấp làm nhiều hộ dân thua lỗ. Bên cạnh đó, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định cũng là những thách thức không nhỏ.

Trước thực tế đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, định hướng cho các hộ dân tái đàn hợp lý; mở rộng vùng chăn nuôi gà theo quy trình VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học để phòng dịch hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời từng bước đa dạng các loài vật nuôi nhằm khai thác lợi thế về điều kiện đất đai, nguồn thức ăn sẵn có, đặc biệt là kinh nghiệm chăn nuôi. Con dê đã được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Yên Thế lựa chọn đưa vào nuôi. 

Gia đình anh Vũ Xuân Thắng, bản Cầu Tư, xã Hồng Kỳ bắt đầu nuôi dê từ năm 2015. Ban đầu anh nuôi dê thương phẩm, mỗi lứa 20 con (mỗi năm thường nuôi 3 lứa). Sau khoảng 3 tháng nuôi lãi 1-1,2 triệu đồng/con. Hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nhưng việc mua giống nhiều lúc khó khăn nên từ năm 2019, anh chuyển sang nuôi dê sinh sản cung cấp giống cho các hộ dân trong khu vực. Đàn dê của gia đình từ đó duy trì ổn định 20 con dê mẹ. 

Mỗi năm, từ chăn nuôi dê, gia đình thu lãi 60-70 triệu đồng. “Nuôi dê ít bị dịch bệnh, hơn nữa chi phí thức ăn không đáng kể bởi phần lớn là cây cỏ tự nhiên nên phù hợp với người dân khu vực miền núi. Tới đây, tôi sẽ tăng đàn dê cái thêm 10 con nữa”-anh Thắng cho biết.

Khuyến khích các hộ nuôi dê, UBND huyện ban hành Đề án phát triển đàn dê thương phẩm gắn với xây dựng nhãn hiệu chứng nhận dê Yên Thế giai đoạn 2019 – 2020. Nhờ đó đàn dê trên địa bàn tăng nhanh, năm 2021 đạt 9,5 nghìn con, tập trung ở các xã Hồng Kỳ, Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Tiến, Tân Sỏi... Ở xã Hồng Kỳ, chính quyền đã hỗ trợ và vận động thành lập mới HTX nuôi dê. Nhiều xã cũng thành lập tổ hợp tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Trên địa bàn huyện còn hình thành nghề nuôi hươu tại các xã Đồng Hưu, Đông Sơn, Xuân Lương, Hương Vĩ... với tổng đàn hiện nay hơn 550 con. Sản phẩm nhung hươu của Yên Thế đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Đàn ong, đàn lợn và gia súc lớn cũng từng bước phát triển. Năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không thuận lợi đã hạn chế việc tái đàn nhưng sản lượng thịt hơi các loại của huyện vẫn đạt 37 nghìn tấn, trong đó gà 20 nghìn tấn.

Huyện Yên Thế xác định tiếp tục phát triển chăn nuôi, duy trì tổng đàn gà 3,8 - 4 triệu con/lứa (11 - 12 triệu con/năm); đàn dê 10- 12 nghìn con; hơn 10 nghìn đàn ong; hươu 500 - 600 con và đàn trâu, bò 10 – 12 nghìn con…

Phát huy kết quả đó, huyện Yên Thế xác định tiếp tục phát triển chăn nuôi, duy trì đàn gà 3,8 - 4 triệu con/lứa (11 - 12 triệu con/năm); đàn dê 10- 12 nghìn con; hươu 500 - 600 con; hơn 10 nghìn đàn ong; đàn trâu, bò 10 – 12 nghìn con... 

UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất hàng hóa, phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và nhân rộng các mô hình chăn nuôi tiên tiến. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi cũng được huyện tập trung triển khai thực hiện. 

Mới đây, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn năm 2022. Theo đó, huyện tiếp tục hỗ trợ các hộ nuôi gà, dê, bò thương phẩm và sinh sản. Riêng đối với gà và dê còn hỗ trợ chứng nhận VietGAHP cho các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ chăn nuôi lớn tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ.

Để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, huyện quan tâm chỉ đạo xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương như chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ gà đồi, dê, mật ong; đa dạng các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm qua chế biến gắn với việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 

Hiện nay, nhiều sản phẩm chăn nuôi của huyện đã được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Vì thế, công tác quảng bá, chỉ đạo đưa các sản phẩm đặc trưng vào siêu thị, sàn giao dịch trên toàn quốc tiếp tục được chú trọng với mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh thông tin: “Chúng tôi vừa ký thỏa thuận với hệ thống siêu thị GO! về việc đưa sản phẩm của đơn vị vào bán tại đây. Bước đầu, gà hút chân không (gà mát) đã được bán tại siêu thị GO! ở các tỉnh, TP: Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Đây là sản phẩm OCOP 4 sao của HTX và việc bán ở hệ thống phân phối hiện đại này đã khẳng định chất lượng, uy tín với người tiêu dùng”.

Với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, ngành chức năng và các chính sách hỗ trợ sản xuất, chắc chắn chăn nuôi trên địa bàn Yên Thế sẽ phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Bài, ảnh: Huy Nam

Bắc Giang chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi: Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế
(BGĐT) - Chăn nuôi gia cầm và một số loài gia súc ăn cỏ còn nhiều tiềm năng và có lợi thế về chi phí thức ăn, phòng dịch, đầu ra cho sản phẩm… Vì thế, ngành chức năng đã định hướng phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang theo hướng này nhằm khắc phục những hạn chế trong chăn nuôi hiện nay.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải pháp giảm nghèo vùng DTTS
(BGĐT) - Từ chuyển đổi phương thức canh tác, đưa giống cây, con mới vào sản xuất, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không ngừng nâng lên, từng bước giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Bắc Giang: Đàn vật nuôi giảm, giá tăng, người nuôi thu lợi cao
(BGĐT)- Mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh bùng phát nhưng đầu năm nay ngành chăn nuôi của Bắc Giang vẫn có nhiều điểm sáng. Người chăn nuôi thu lợi cao vì gia súc, gia cầm được giá. 
Tiêu thụ gia cầm tại Yên Thế thuận lợi
(BGĐT)- Mấy ngày qua, dù dịch Covid-19 xuất hiện ở một số xã, thị trấn của huyện Yên Thế (Bắc Giang) song việc sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm gia cầm trong huyện vẫn diễn ra thuận lợi.
Yên Thế nâng hạng sản phẩm OCOP
(BGĐT) - Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 20 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), huyện Yên Thế (Bắc Giang) đang triển khai nhiều giải pháp đầu tư nâng chất lượng, mẫu mã cho nhóm hàng hóa chủ lực, đặc trưng, mang “thương hiệu” địa phương.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...