(BGĐT) - Nhờ cấp uỷ, chính quyền sát sao chỉ đạo với những cách làm sáng tạo và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, huyện Lạng Giang đang dẫn đầu toàn tỉnh về số thôn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Qua đó góp phần làm dày thêm kinh nghiệm quý trong xây dựng thôn kiểu mẫu ở vùng quê này.
Sáng tạo trong cách làm
Xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) có 3 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, số lượng nhiều nhất huyện, gồm các thôn: Trằm, Sỏi và thôn Giữa. Năm 2022 xã tiếp tục xây dựng thôn Khoát đạt chuẩn thôn kiểu mẫu. Năm qua, Nghĩa Hưng được giao về đích xã NTM nâng cao với khối lượng công việc lớn. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên địa phương gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là việc khơi nguồn vốn thực hiện các tiêu chí.
 |
Đường về thôn Giữa hôm nay. |
Qua vận động, mỗi người dân trong xã đã tự nguyện góp ít nhất 500 nghìn đồng (tương ứng với 9,5 tỷ đồng, chưa kể hiến đất và ngày công lao động) để xây dựng xã NTM nâng cao. Đối với thôn Giữa, sau rà soát, thôn còn 3/7 tiêu chí chưa hoàn thành, với các phần việc, công trình phải hoàn thiện, như: Nâng cấp nhà văn hoá thôn; mở rộng, bê tông 400 m đường ngõ; xây mới 2 bãi tập kết rác thải… Đặc biệt, các hộ phải trát hơn 4 nghìn m2 tường bao dọc các đường trục thôn với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng.
Đồng chí Hoàng Minh Thành, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng chia sẻ, để giảm kinh phí đóng góp của nhân dân, ngoài hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã Nghĩa Hưng đã giúp thôn Giữa, cũng như các thôn đã về đích thôn kiểu mẫu bằng cách hỗ trợ xi măng, cát trát tường bao (áp dụng đối với các hộ có tường rào nằm trên các trục đường thôn, người dân tự bỏ công trát). Nhờ cách làm này mà thôn đã giảm được số kinh phí gần 100 triệu đồng.
Cùng nhận được hỗ trợ như thôn Giữa nhưng thôn Khoát lại có thêm cách làm sáng tạo. Đó là huy động thành viên các đoàn thể trong thôn ra trát tường bao cho các hộ dân (tổng cộng hơn 15 nghìn m2) nên không phải trả công. Những hộ được hỗ trợ tự nguyện góp tiền nấu cơm cho người trát tường. Cách làm này hiện đã nhân rộng ra nhiều thôn trong xã, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho người dân.
Từ năm 2021, huyện Lạng Giang phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 thôn về đích thôn kiểu mẫu/năm. Bên cạnh cách làm của xã Nghĩa Hưng, nhiều thôn, xã khác cũng có cách làm hay. Đơn cử như thôn Nội Con 1, xã Hương Lạc. Bí thư Chi bộ thôn Thân Văn Đường cho biết, năm 2021, Nội Con 1 được giao về đích thôn kiểu mẫu. Sau rà soát, thôn cần nguồn kinh phí gần 1,1 tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí. Trong khi đó, tỉnh, huyện, xã chỉ hỗ trợ 300 triệu đồng.
Để có sự đồng thuận của người dân trong việc góp vốn, hiến đất thực hiện các công trình, Ban phát triển thôn đã họp từng tổ liên gia để vận động người dân đóng góp, với phương châm “tổ liên gia có điều kiện kinh tế họp trước” nhằm làm gương cho các tổ liên gia khác, từ đó mới nhân ra toàn thôn.
Ngoài ra, Ban phát triển thôn còn vận động các mạnh thường quân trong thôn ứng kinh phí (không lấy lãi) đối ứng xây dựng công trình thôn. Các hộ phải đóng góp sẽ trả dần sau. “Nhờ tích cực vận động nên 100% các hộ đều đóng đủ tiền 1 lần. Hộ ông Trần Đức Xuân còn hiến 200 m2 đất thổ cư để thôn mở rộng nhà văn hoá”, ông Đường nói.
Cấp uỷ, chính quyền sát sao chỉ đạo, người dân chung tay
Cùng với cách làm sáng tạo của các thôn, xã trong xây dựng thôn kiểu mẫu, để hoàn thành mục tiêu mỗi xã có 1 thôn về đích thôn kiểu mẫu/năm, hằng năm huyện Lạng Giang triển khai nhiệm vụ xuống các xã và phân bổ vốn ngay từ đầu năm để các địa phương căn cứ, bố trí, vận động thêm kinh phí xây dựng các công trình.
|
Đến nay, huyện Lạng Giang có 39/261 thôn đạt thôn kiểu mẫu. Năm 2022, huyện đăng ký 19 thôn về đích thôn NTM kiểu mẫu. Mỗi thôn được UBND huyện hỗ trợ 200 triệu đồng để hoàn thành các tiêu chí. |
|
Huyện xác định, các thôn xây dựng thôn NTM kiểu mẫu càng về sau sẽ càng phải có lộ trình thực hiện dài hơn bởi hầu hết những thôn cuối là những thôn khó khăn, mặt bằng chung về kinh tế thấp nên cần có quá trình đầu tư, tập trung thực hiện cao hơn. Do đó, việc rà soát các hạng mục, xây dựng phương án, thực hiện các nội dung tiêu chí được UBND huyện chỉ đạo thực hiện từ cuối năm trước.
Với cách làm này, 100% các xã, thôn đăng ký về đích thôn kiểu mẫu đã “vào guồng” thực hiện các nội dung, phương án theo kế hoạch đề ra ngay từ những ngày đầu năm. Việc xây dựng các tiêu chí không bị chững như các năm trước do thiếu vốn hay các thôn chưa rà soát, xây dựng được phương án thực hiện các tiêu chí.
Đồng chí Bùi Đức Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạng Giang cho biết, năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp Lạng Giang chỉ đạo các địa phương xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Do đó, các xã, thôn đã có nhiều bài học kinh nghiệm sau khi tham quan, học tập cách làm của những thôn kiểu mẫu đã hoàn thành. Kinh nghiệm cho thấy, để hoàn thành xây dựng thôn kiểu mẫu, trước tiên phải có sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền địa phương với sự chỉ đạo sâu sát từ xã đến thôn.
Trong đó, vai trò đầu tàu là cấp uỷ chi bộ thôn và nòng cốt là Ban phát triển của thôn. Việc triển khai phải dân chủ, bài bản và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Công tác tuyên truyền phải xuyên suốt, triệt để với tư tưởng “Lấy sức dân để xây dựng cho dân” giúp người dân biết, hiểu, nắm được thì bà con mới đồng tình ủng hộ và tham gia.
Điều này thể hiện bằng việc đóng góp tiền, hiến đất, ngày công tham gia. Đồng thời người dân tự đầu tư chỉnh trang nhà ở, vườn, ngõ, khuôn viên của chính gia đình mình. Đây là yếu tố quyết định để xây dựng và hoàn thành thôn kiểu mẫu bởi cấp uỷ, chính quyền không làm thay được mà phải chính là do người dân làm, người dân hưởng thụ.
Bài, ảnh: Thế Đại