(BGĐT) - Tỉnh Bắc Giang có nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng và số lượng các cơ sở chế biến gỗ lớn. Tuy nhiên, việc sản xuất, chế biến gỗ vẫn manh mún, mang tính thời vụ, hiệu quả chưa cao. Để công nghiệp chế biến gỗ hoạt động hiệu quả rất cần có sự đầu tư và dẫn dắt của doanh nghiệp (DN) lớn.
Dây chuyền lạc hậu
Theo tổng hợp của ngành chức năng, Bắc Giang hiện có 992 cơ sở chế biến gỗ (gồm 77 tổ chức và 915 hộ gia đình), tăng hơn 200 cơ sở so với năm 2019.
Sản phẩm chủ yếu là dăm gỗ, ván bóc, ván ép, ván dán, chế biến đồ thủ công mỹ nghệ, đồ mộc, cốp pha xây dựng. Mỗi năm, toàn tỉnh khai thác 950 nghìn m3 gỗ rừng trồng.
 |
Nhà máy sản xuất gỗ ván ép của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Hưng Thịnh Bắc Giang. |
Sản phẩm chủ yếu là gỗ băm dăm (xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc), gỗ bóc phục vụ sản xuất gỗ ván ép cho các DN trong tỉnh và các địa phương lân cận. Tuy nhiên hiện các DN chế biến gỗ trong tỉnh gặp nhiều trở ngại vì khó xuất khẩu.
Đại diện Công ty TNHH An Lâm, xã Đại Lâm (Lạng Giang) chia sẻ, việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ hiện nay rất “phập phù”. Bởi các DN chế biến gỗ trong tỉnh có sản lượng nhỏ, dây chuyền sản xuất lạc hậu, năng suất thấp nên giá thành cao, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Vì thế, chỉ cần tác động nhỏ của thị trường tiền tệ thế giới cũng khiến sản phẩm gỗ của Bắc Giang khó tiêu thụ.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu không ổn định cũng là nguyên nhân khiến các DN chế biến gặp khó. Điển hình như thời điểm này, một số xưởng chế biến gỗ tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Lạng Giang và Yên Thế lại phải đóng cửa. Ở huyện Lục Ngạn, gần 1 tháng nay, toàn bộ 3 xưởng sản xuất ván gỗ bóc, băm dăm của Công ty TNHH Hùng Mười, nằm tại các xã: Nam Dương, Phượng Sơn và Phong Vân phải ngừng hoạt động. Những đống gỗ keo, bạch đàn nằm phơi giữa sân đã ngả sang màu rêu mốc.
Chỉ tay về phía chiếc xe tải cỡ lớn chờ lấy dăm gỗ, ông Nghiêm Văn Mười, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Xe chờ “ăn” hàng nửa tháng nay nhưng xưởng không có đủ nguyên liệu để cung ứng cho khách”. Tương tự, xưởng sản xuất gỗ băm dăm của DN tư nhân Quang Hùng, thôn Đầm, xã Phượng Sơn cũng đóng cửa hơn nửa tháng qua dù sân tập kết nguyên liệu của DN này vẫn chất đầy gỗ tròn mới khai thác. Nguyên nhân là do công nhân của các xưởng nghỉ về thu hoạch vải hoặc đi hái hay đóng vải thuê có mức thu nhập hấp dẫn hơn.
Cần sự kết nối, dẫn dắt
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, giá trị xuất khẩu gỗ 6 tháng đầu năm nay đạt gần 1 nghìn tỷ đồng, tương đương năm 2021. Sản phẩm chủ yếu là ván ép, ván dán (chiếm khoảng 93,5%), còn lại là than hoa, cán chổi công nghiệp. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ (chiếm khoảng 41%); Hàn Quốc (chiếm khoảng 24%), còn lại là các nước: Thái Lan, Ấn Độ, Ai Cập...
Nhìn chung việc xuất khẩu sản phẩm chế biến từ gỗ hiện nay rất thông thoáng, thuận lợi. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất đối với các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh là công nghệ chế biến ván ép, ván dán còn thấp, thậm chí đã lạc hậu. Cơ bản các DN trong tỉnh sử dụng công nghệ cũ của Trung Quốc do hạn chế về vốn đầu tư. Các cơ sở chế biến gỗ khu vực tư nhân, hộ gia đình chỉ sản xuất theo mùa, vụ dẫn đến nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy không ổn định.
Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến gỗ tương xứng với tiềm năng của tỉnh, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo chế biến và xuất khẩu sản phẩm chế biến từ gỗ. Nhằm tuyên truyền, phổ biến đến các DN, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động chế biến lâm sản các chính sách, cơ hội xuất khẩu sản phẩm từ gỗ.
|
Bắc Giang hiện có hơn 990 cơ sở chế biến gỗ (gồm 77 tổ chức và 915 hộ gia đình), tăng hơn 220 cơ sở so với năm 2019. Sản phẩm chủ yếu là dăm gỗ, ván bóc, ván ép, ván dán, chế biến đồ thủ công mỹ nghệ, đồ mộc, cốp pha xây dựng. Mỗi năm, toàn tỉnh khai thác 950 nghìn m3 gỗ rừng trồng. |
|
Ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Giang cho rằng, để công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh phát triển bền vững, các DN trong tỉnh cần thành lập Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bắc Giang.
Mục đích cùng hợp tác sản xuất, phát triển thị trường lâm sản, xoá bỏ cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua nguyên liệu và giá bán sản phẩm, tạo sức cạnh tranh chung cho sản phẩm gỗ của Bắc Giang.
Tuy nhiên, do đây là hội tự nguyện, trong khi đó các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh cơ bản là DN nhỏ. Tỉnh chưa có DN lớn để quy tụ nên đến nay Bắc Giang chưa thành lập được Hiệp hội chế biến gỗ. Được biết, hiện Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt đang tái khởi động thực hiện Dự án nhà máy sản xuất gỗ MDF tại xã Mỹ An (Lục Ngạn) sau 2 năm bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là dự án lớn, quy mô 11 ha, sản lượng 150 nghìn m3 gỗ thành phẩm/năm.
Ông Bùi Văn Cường, Giám đốc điều hành Dự án cho biết, đơn vị vừa được ngành chức năng của tỉnh thẩm định thiết kế cơ sở để xây dựng nhà máy. Dự kiến, trong quý III năm nay, đơn vị sẽ xây dựng nhà xưởng. Năm 2023, nhà máy sẽ lắp đặt máy móc và đi vào sản xuất. Đây là tín hiệu vui cho công nghiệp chế biến gỗ của Bắc Giang. Kỳ vọng Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt sẽ là DN kết nối, dẫn dắt công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh ngày càng phát triển.
Cùng đó, ngành chức năng cần rà soát, quy hoạch lại các cơ sở chế biến gỗ trong tỉnh. Tránh hiện tượng người nước ngoài mang công nghệ chế biến gỗ lạc hậu đến Bắc Giang để sản xuất; núp bóng DN trong tỉnh tuồn gỗ thành phẩm từ nước ngoài vào gắn nhãn mác của DN Việt Nam rồi xuất khẩu. Các DN chế biến gỗ liên kết với các chủ rừng, chủ cơ sở sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu ổn định để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của tỉnh ngày càng đem lại giá trị kinh tế cao, bền vững.
Bài, ảnh: Thế Đại
Đưa hoạt động chế biến gỗ ở huyện Sơn Động vào nền nếp(BGĐT) - Với gần 67 nghìn ha rừng, trong đó gần 50% là rừng trồng, huyện Sơn Động (Bắc Giang) có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ. Tuy nhiên do chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở không chấp hành các quy định, nhất là bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ.
Nâng giá trị từ thâm canh rừng, chế biến gỗ(BGĐT) - Nhằm khai thác hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp được giao, những năm qua, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tích cực đầu tư trồng rừng sản xuất và thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trồng rừng thâm canh và chế biến gỗ chuyên sâu.
Thu tiền tỷ từ chế biến gỗ(BGĐT)- Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Canh Nậu, huyện Yên Thế (Bắc Giang) lựa chọn phát triển kinh tế bằng nghề chế biến gỗ, mang lại hiệu quả cao. Hộ anh Lý Văn Trường, dân tộc Nùng (SN 1976), bản Gốc Dổi là một trong những điển hình.
Bóc gỗ... ra tiền tỷ(BGĐT) - Dù thuộc diện “vùng sâu, vùng xa” của xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) song không khí sản xuất, vận chuyển gỗ, ván bóc ở thôn Chí Mìu luôn diễn ra sôi động. Nghề bóc gỗ giúp người dân trong thôn có cuộc sống sung túc, có hộ thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
"Lợi ích kép" từ trồng rừng gỗ lớn(BGĐT) - Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân ở huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Các mô hình trồng rừng gỗ lớn mang lại "lợi ích kép" đó là cho hiệu quả kinh tế vượt trội và bảo vệ môi trường.