Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chậm xử lý hành vi xâm lấn công trình thủy lợi

Cập nhật: 09:52 ngày 20/07/2022
(BGĐT) - Mặc dù hằng năm UBND tỉnh Bắc Giang đều có kế hoạch chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tập trung xử lý vi phạm về công trình thủy lợi song kết quả còn thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các công trình thủy lợi.

Hàng nghìn trường hợp vi phạm

Do tuyến kênh chính thuộc hệ thống thủy nông Nam Sông Thương chảy qua nhiều khu dân cư thuộc các xã: Phúc Sơn, Lam Cốt, Song Vân, Ngọc Thiện (Tân Yên) nên nhiều gia đình tận dụng san đất trồng cây, lắp biển quảng cáo, thậm chí đổ nền bê tông để bày bán hàng hóa. 

Qua thống kê, đoạn kênh qua xã Lam Cốt dài gần 5 km song có đến 34 hộ vi phạm. Tại khu vực cầu Chản có hàng chục biển quảng cáo, trong đó hộ các ông: Giáp Đức Vân, Trần Việt Cường còn đổ đất, làm nền bê tông bày bán hàng hóa.

{keywords}

Hộ ông Nguyễn Văn Cảnh, xã Tam Dị (Lục Nam) tự ý mở đường qua lòng hồ Cây Đa.

Ở xã Ngọc Thiện cũng có gần chục trường hợp xâm lấn kênh. Theo ông Mẫn Văn Thể, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương (Công ty Nam Sông Thương), kênh chính không chỉ dẫn nước tưới cho đất canh tác thuộc hai huyện Tân Yên, Việt Yên mà còn đóng vai trò tiêu nước mỗi khi mưa lớn. 

Việc xâm lấn công trình thủy lợi, nhất là san gạt lấy mặt bằng để trồng cây, kinh doanh của các hộ dân ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác của đơn vị. Mỗi khi mưa lớn, tại nhiều đoạn như: Cầu Chản (xã Lam Cốt), cầu Bỉ (xã Ngọc Thiện)... nước dâng lên cao. Việc cấp nước sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi dòng chảy bị thu hẹp. 

“Nhằm bảo vệ công trình, hằng năm Công ty đều rà soát, lập biên bản đối với các hộ, đồng thời chuyển hồ sơ cho UBND các xã để xử phạt hành chính theo thẩm quyền. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi chưa nhận được thông báo nào về kết quả xử phạt của các địa phương”, ông Mẫn Văn Thể nhấn mạnh.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 3,4 nghìn vi phạm liên quan đến công trình thủy lợi với các lỗi chủ yếu như: Xây dựng công trình phụ, tường bao, làm cầu qua kênh, xả thải... Qua tìm hiểu, nhiều lỗi tồn tại từ lâu song chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong nhân dân. 

Tại kênh chính do Công ty Nam Sông Thương quản lý, đoạn tiếp giáp giữa huyện Phú Bình (Thái Nguyên) với huyện Tân Yên có một trường hợp xây dựng tường bao dài 100 m trên hành lang kênh từ năm 2019. Dù Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty nhiều lần có ý kiến, UBND huyện Phú Bình cũng đã vào cuộc song chủ hộ vẫn chưa tháo dỡ. 

Đoạn kênh T15B thuộc xã Tiên Lục (Lạng Giang) do Công ty Bắc Sông Thương quản lý có nhiều hộ nuôi lợn, xả thải trực tiếp ra kênh, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ách tắc dòng chảy.

Tại Lục Nam, trong 359 vi phạm có nhiều trường hợp làm cầu qua mương dẫn nước nên việc xử lý gặp khó khăn bởi liên quan đến sản xuất, sinh hoạt của hộ dân. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Lục Nam nói: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi phối hợp với UBND các xã, thị trấn xử lý 54 trường hợp theo kế hoạch (đạt 79,4%), chủ yếu là trồng rau màu, làm cầu qua kênh. Chúng tôi đang gặp khó đối với những trường hợp còn lại bởi phần lớn là xây dựng công trình, tường bao và trồng cây lâu năm”.

Tập trung cao xử lý

Để tăng cường thực hiện các biện pháp ngăn chặn cũng như xử lý vi phạm công trình thủy lợi, ngày 10/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, TP phối hợp với các công ty thủy nông xây dựng kế hoạch, xử lý 255 trường hợp trong năm nay. Theo đó, các đơn vị giải tỏa đối với vi phạm liên quan, ảnh hưởng trực tiếp dòng chảy trước ngày 30/6; các trường hợp còn lại xong trước ngày 30/11/2022. 

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 3,4 nghìn vi phạm liên quan đến công trình thủy lợi với các lỗi chủ yếu như: Xây dựng công trình phụ, tường bao, làm cầu qua kênh, xả thải...

Trách nhiệm trong xử lý thuộc về UBND các địa phương có công trình; các đơn vị khai thác có trách nhiệm rà soát, phối hợp với chính quyền địa phương lên kế hoạch xử lý đối với từng trường hợp. Mặc dù vậy, hiện các địa phương, đơn vị liên quan mới xử lý được 71 trường hợp, trong đó địa bàn do Công ty Bắc Sông Thương quản lý có 56 trường hợp, còn lại tại địa bàn do Công ty Nam Sông Thương quản lý. 

Như vậy, hầu hết các địa phương không bảo đảm tiến độ đề ra. Nguyên nhân chính là do chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm. Ví như hành vi xâm lấn tại kênh chính thuộc xã Lam Cốt, dù Công ty Nam Sông Thương đã lập biên bản gửi UBND xã song đến nay địa phương chưa xử lý được trường hợp nào. 

Lý giải về nội dung này, lãnh đạo UBND xã Lam Cốt cho biết do gần đây tập trung bầu cử trưởng thôn nên chưa xử lý, đồng thời cam kết sẽ tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trong tháng 7. Từ năm 2019 đến nay, UBND xã Tam Dị (Lục Nam) vẫn chưa xử lý được hành vi trồng cây, đắp bờ bao mở đường trên lòng hồ Cây Đa đối với hai ông Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Văn Cảnh...

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) thường xuyên đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan tích cực vào cuộc, xử lý dứt điểm các trường hợp theo kế hoạch. Trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị kiên quyết xử lý các vụ việc tồn đọng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, gây bức xúc trong dư luận. 

Tại huyện Tân Yên, UBND huyện vừa yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, mở tuần cao điểm xử lý vi phạm, đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu UBND các xã có công trình vi phạm nếu không hoàn thành. Hằng tháng, UBND huyện Lục Nam tổ chức hội nghị kiểm điểm tiến độ giải tỏa, tháo dỡ, trong đó nhắc nhở, phê bình các địa phương chưa thực sự quyết liệt vào cuộc. Đối với các trường hợp không hợp tác, UBND huyện yêu cầu lực lượng liên quan hoàn tất thủ tục, kiên quyết tháo dỡ theo thời hạn quy định. 

Ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi nói: “Những năm trước, dù đề ra kế hoạch xử lý song việc kiểm điểm trách nhiệm của các địa phương không được duy trì dẫn đến tâm lý thiếu quyết liệt. Khắc phục tình trạng này, năm nay chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra kết quả xử lý, đồng thời tham mưu với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản phê bình các địa phương. Với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn công trình, chúng tôi sẽ lập hồ sơ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu địa phương”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Kết nối, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện Sơn Động
(BGĐT) - Chiều 18/7, tại huyện Sơn Động, Đảng ủy cơ quan Ngân hàng T.Ư và Huyện ủy Sơn Động (Bắc Giang) tổ chức lễ ký kết văn bản ghi nhớ thực hiện Chương trình kết nối, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện. 
Bắc Giang: Nhiều địa phương có nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm
(BGĐT)- Theo dự báo thời tiết của Đài Khí tượng thuỷ văn Bắc Giang và tổng hợp theo dõi của Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh đang có diễn biến bất thường.
Sơn Động: Kiểm tra, báo cáo xử lý vi phạm về đất đai trước ngày 19/7
(BGĐT) - Chủ tịch UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang) vừa chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai tại các xã Lệ Viễn, Hữu Sản, Long Sơn.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...