(BGĐT) - Nhằm tạo “cú hích” để phát triển KT-XH tại địa bàn đặc biệt khó khăn, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã dành nhiều nguồn lực để xây dựng các ngầm, cầu dân sinh. Đồng hành cùng chính quyền, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tích cực hưởng ứng, hiến đất để thi công các công trình.
Hiến đất xây công trình
Những ngày này về xã Long Sơn (Sơn Động), câu chuyện được nhiều người dân nhắc đến là phong trào hiến đất để xây dựng 3 ngầm dân sinh tại thôn Thượng và Đẫng.
 |
Lãnh đạo UBND xã Vô Tranh (Lục Nam) gặp gỡ người dân thôn Đồng Mạ để vận động hiến đất xây dựng cầu. |
Vừa lật giở quyển sổ thống kê danh sách các hộ dân đã tham gia hiến đất, ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã vừa hồ hởi khoe: “Phát huy khí thế “hiến đất mở đường” từ chương trình xây dựng nông thôn mới (Long Sơn là địa phương duy nhất của huyện được công nhận đạt chuẩn - PV), người dân hồ hởi đăng ký để xây dựng các ngầm dân sinh”.
Được biết, giai đoạn 2022-2024, trên địa bàn xã Long Sơn có 3 ngầm được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh gồm: Ngầm Gốc Thộp (thôn Thượng), ngầm Suối Dài và ngầm thôn Đẫng (cùng thôn Đẫng). Triển khai dự án, địa phương phải vận động người dân hiến đất để mở mới, mở rộng ngầm và đường dẫn.
Với quyết tâm sớm có mặt bằng để triển khai dự án, cùng với tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, đầu tháng 9/2022, UBND xã Long Sơn thành lập 2 tổ công tác đi các thôn tuyên truyền, vận động người dân. Nhờ đó chỉ sau một tuần, 45 hộ dân ở hai thôn đã tình nguyện “cắt” 3.112 m2 đất rừng sản xuất, đất trồng lúa, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công.
Trợ lực cho vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2022-2024, tỉnh bố trí 150 tỷ đồng để triển khai xây dựng 73 cầu, ngầm dân sinh tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Do không có kinh phí giải phóng mặt bằng, UBND các huyện giao địa phương có công trình đẩy mạnh tuyên truyền, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện.
Là địa phương có số công trình lớn (36 công trình), huyện Sơn Động tiến hành tổng rà soát các hộ liên quan để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đưa nội dung này vào các hội nghị tại thôn, bản. Yêu cầu Phòng Dân tộc huyện cử cán bộ xuống hỗ trợ, kịp thời giải đáp thắc mắc của đồng bào. Nhờ đó, mặt bằng sạch đã được bàn giao cho nhà thầu thi công.
Hay như UBND các xã: Vô Tranh, Bình Sơn và Lục Sơn (cùng huyện Lục Nam) phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động. Với những trường hợp chưa đồng thuận, người đứng đầu địa phương trực tiếp đến tận nhà để tuyên truyền, thay đổi nhận thức.
Anh Vi Văn Ba, dân tộc Tày, thôn Đồng Mạ, xã Vô Tranh chia sẻ: “Dù chỉ cách tỉnh lộ 293 gần 100 m song mỗi khi có mưa lớn là 24 hộ dân trong thôn bị cô lập. Khi biết dự án xây dựng cầu, đường dẫn lên cầu dân sinh sẽ lấy một phần diện tích vườn vải thiều của gia đình, tôi lập tức đồng ý hiến đất bởi đây chính là cơ hội để chúng tôi thoát khỏi tình trạng “ốc đảo” mỗi khi có mưa lớn”.
Đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác
Thực tế, chính sách đầu tư xây dựng ngầm, cầu dân sinh tại vùng DTTS và miền núi nhằm khắc phục tình trạng đứt, gãy giao thông, giúp thôn, bản thoát khỏi tình trạng cô lập trong mùa mưa, lũ. Cùng đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, góp phần phát triển KT-XH vùng đặc biệt khó khăn, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển với các vùng khác...
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, một số dự án còn bị chậm tiến độ do điều kiện địa hình tự nhiên trắc trở và thời tiết mưa nhiều nên mực nước suối tại các vị trí ngầm, cầu dâng cao. Đồng thời, do phân bổ vốn chậm nên phải đến đầu tháng 9, các địa phương mới hoàn thiện các thủ tục, lựa chọn nhà thầu thi công công trình...
|
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, tỉnh dành hơn 794 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống tại khu vực này. Cụ thể, thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 328 công trình, trong đó có 201 công trình giao thông, thủy lợi. |
|
Ông Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam nói: “Giai đoạn này, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, toàn huyện có 19 công trình cầu, ngầm dân sinh được thực hiện tại 6 xã đặc biệt khó khăn.
Để bảo đảm tiến độ, cùng với chỉ đạo các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng 7 công trình thực hiện trong năm nay, UBND huyện đang hoàn tất thủ tục và dự kiến lựa chọn xong nhà thầu vào đầu tháng 10”.
Để đẩy nhanh tiến độ các công trình, những địa phương được thụ hưởng đang tập trung cao để thi công các dự án theo kế hoạch. Tại huyện Sơn Động, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện đã khởi công toàn bộ 36 công trình, đồng thời yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành 70% khối lượng công việc tại 12 công trình thực hiện trong năm nay trước Tết Dương lịch.
Tương tự, UBND huyện Yên Thế cũng đã tổ chức thi công hai ngầm tại xã Đồng Tiến, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm nay. Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Việc hoàn thành các ngầm, cầu dân sinh không chỉ giúp đồng bào thuận lợi hơn trong giao thương mà còn là động lực để các địa phương bứt phá, thu hẹp khoảng cách với các địa phương khác.
Do đó, bên cạnh tập trung thực hiện các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, chúng tôi thường xuyên kiểm tra tiến độ tại các địa phương để đôn đốc, sớm đưa các công trình vào khai thác”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Những cây cầu giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số(BGĐT) - Những năm qua, nhiều dự án xây dựng cầu được triển khai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã góp phần kết nối giữa các địa phương, mở ra cơ hội giảm nghèo cho người dân. Để tiếp tục trợ lực cho vùng khó khăn, T.Ư, tỉnh Bắc Giang tiếp tục bố trí nguồn lực xây thêm những cây cầu mới, tạo đà thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Thẩm tra phân bổ vốn thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững(BGĐT) - Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) vừa tổ chức thẩm tra phân bổ kế hoạch vốn bổ sung năm 2021 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động (nguồn vốn sự nghiệp). Đồng chí Nguyễn Thế Toản, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách chủ trì.
Hỗ trợ vùng khó khăn, hướng tới giảm nghèo bền vững(BGĐT) - Giai đoạn 2016-2020, cùng với cả nước, Bắc Giang thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh, tạo động lực cho phát triển KT-XH. Tuy vậy, bước sang giai đoạn mới, những thay đổi về tiêu chí đo lường và tác động của đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức không nhỏ. Với quyết tâm cao, các cấp, các ngành trong tỉnh đang nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, tạo sinh kế ổn định để người nghèo vươn lên.