Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Công nhân nông nghiệp", thu nhập tốt hơn xưa

Cập nhật: 09:28 ngày 21/11/2022
(BGĐT) - Xưa kia người nông dân chỉ biết làm rồi tự bán sản phẩm theo kiểu truyền thống, đơn lẻ nên hiệu quả chưa cao. Tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang), nhờ tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao, nhiều nông dân đã trở thành “công nhân nông nghiệp”, có công việc ổn định, thu nhập tốt hơn.

Anh Vũ Văn Tuấn (SN 1986) quê ở xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội rồi làm việc cho một số tập đoàn nước ngoài. Đi đây đó nhiều nơi, anh nhận thấy chuỗi cung ứng rau củ quả sạch ở nước mình còn hạn chế nên năm 2017, anh đứng ra thành lập Công ty TNHH Thái Eco đặt trụ sở tại thôn Bẩy, xã Cảnh Thụy. 

{keywords}

Các nữ công nhân làm việc tại bộ phận sơ chế Công ty TNHH Thái Eco.

Thuê 5 ha đất của bà con để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, anh xây dựng 10 nhà màng trồng nhiều loại rau ăn lá (cải xanh, cải trắng, cải ngọt, cải bó xôi, mồng tơi...), củ cải đỏ, dưa leo, dưa giống Nhật, ớt chuông. Đi đôi với sản xuất tại chỗ, Công ty Thái Eco đã xây dựng được hệ thống các kênh phân phối rộng lớn trên toàn quốc như chuỗi siêu thị Go, Aeon, Tập đoàn DABACO, VinMark+, Golden Gate và nhiều khách sạn, nhà hàng trong nước; đồng thời chế biến xuất khẩu nông sản sâu sang thị trường quốc tế.

Nhằm đáp ứng số lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường từ 30-60 tấn rau, củ các loại mỗi tháng, Công ty tuyển hơn 50 lao động làm việc đa số là nông dân. “Đất Cảnh Thụy nổi tiếng trồng rau, nông dân đã quen với công việc này nên khi nhận vào làm, chúng tôi hầu như không phải đào tạo nhiều” - Giám đốc Tuấn cho biết. Bà Trần Thị Bồng ở thôn Dưới, xã Cảnh Thụy vào làm công nhân Công ty Thái Eco từ khi mới thành lập. Vẫn là những công việc nhà nông như trước, trên khu ruộng ấy, đồng đất ấy nhưng nay làm khác xưa. 

“Buổi sáng chúng tôi (khoảng chục người) cùng đi làm đất gieo hạt, rồi lên dây, chăm sóc cây. 8 giờ vào nhà màng thu hoạch rau, 4 giờ chiều lại tiếp tục thu hoạch chuyến rau nữa để kịp cho đóng hàng buổi tối. Làm việc 8 tiếng mỗi ngày, công việc đều đều như thế, thu nhập mỗi ngày công là 180 nghìn đồng. Ở độ tuổi 60 như tôi thu nhập như vậy là tốt rồi, hơn hẳn so với khi làm riêng lẻ. Không những vậy, công ty ở gần nhà nên ngoài giờ hành chính, tôi có thể làm thêm nhiều việc gia đình”- bà Bồng cho biết.

“Có tiền, ổn định và thoải mái”- đó là cảm nhận của đa số “công nhân nông nghiệp” làm tại Công ty Thái Eco. Tại bộ phận sơ chế, đóng gói hoa quả (táo, lê, củ đậu, dưa leo…) để làm nguyên liệu cho món sa lát theo đơn của nhà hàng, khách sạn, hơn chục công nhân trung tuổi thoăn thoắt tay nạo, tay dao gọt vỏ, bổ miếng. 

Bà Hoàng Thị Nguyệt (SN 1958) ở xóm Tây nói: “Công việc này ai cũng làm được, phù hợp với sức khỏe, điều kiện như chị em chúng tôi. Ở tuổi này, xin vào công ty khác chắc khó, mà nghề nông bây giờ nếu làm đơn lẻ chỉ lấy công làm lãi, nhiều khi như đánh bạc. Thời tiết, chuột bọ, phân bón giờ đắt gấp đôi. Lúc rẻ, chục củ su hào có khi chỉ bán được chục nghìn bạc. Lương khi đi làm công nhân ở đây được 5,5 triệu đồng/tháng, khá hơn làm ruộng, cuộc sống nhìn chung dễ chịu hơn xưa”. 

Ngồi kế bên, chị Ong Thị Hương (SN 1976), công nhân bộ phận sơ chế cho biết thêm: “Công ty cũng tạo điều kiện cho người làm, gia đình có việc hiếu hỉ, người thân ốm đau đều bố trí thời gian cho nghỉ. Công việc phù hợp, thu nhập ổn định và gần nhà nên mọi người rất yên tâm làm việc, muốn gắn bó lâu dài với Công ty”. 

Được biết chỉ trừ mồng 1 Tết, còn ngày nào Công ty cũng có đơn hàng. Công ty đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất lên gấp đôi gấp ba nên sẽ tiếp tục thuê đất, tuyển lao động vào làm việc.

{keywords}

"Công nhân nông nghiệp" làm việc trong nhà màng ở huyện Yên Dũng.

Tương tự như mô hình Công ty TNHH Thái Eco, chúng tôi có dịp đến thăm HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên ở thôn Đức Thành, xã Trí Yên (Yên Dũng). Khu nhà màng với các sản phẩm như dưa các loại, ớt, cà chua… xanh tốt và đều sắp cho thu hoạch. Anh Trần Xuân Đăng, Giám đốc HTX cho biết: 7 người chúng tôi thuê làm việc ở đây đều là nông dân trong xã, họ đều đã ở tuổi ngoài 50, có đất cho HTX thuê lâu dài. Làm ruộng nhưng không "chân lấm tay bùn".

Bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn Nam Bắc Thành cho biết: "Không có nghề phụ nên cả nhà cứ bám vào mấy sào ruộng. Từ ngày cho HTX thuê đất và làm tại đây, tôi không còn phải lo lắng đến thời tiết cũng như đầu ra cho sản phẩm. Công việc hằng ngày là ra ruộng rau làm đủ 8 tiếng rồi về. Mỗi tháng có thu nhập hơn 5 triệu đồng, cao hơn hẳn so với tự canh tác như trước". 

Tuy làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng họ không vất vả như trước vì làm chủ yếu trong nhà màng. Những ngày trời nắng gắt có thể tự điều chỉnh thời gian một cách hợp lý miễn sao đáp ứng được tiến độ công việc. Từng là nông dân có thâm niên sản xuất rau nhưng khi được HTX đặt vấn đề cho thuê đất để làm rau sạch và nhận làm tại đây, bà Nguyễn Thị Tính ở thôn Nam Bắc Thành đồng ý ngay.

Trên địa bàn huyện Yên Dũng còn có HTX Rau sạch Yên Dũng (xã Tiến Dũng) với các sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP như: Dưa lê, dưa chuột, cà chua, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc… Toàn bộ diện tích được trồng trong nhà lưới với quy trình bón phân, tưới nước tự động theo công nghệ của Israel. Thành công ban đầu đã tiếp sức cho các thành viên HTX mở rộng quy mô lên 60 ha, tạo việc làm, thu nhập cho gần 100 lao động chủ yếu là người dân địa phương.

Huyện Yên Dũng hiện đã quy hoạch 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Tiến Dũng, Đức Giang, Trí Yên, Tư Mại, Cảnh Thụy, Đồng Phúc, Đồng Việt, diện tích 135 ha. Ngoài ra, xây dựng 50 điểm sản xuất trong nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích 12 ha. Khi tích tụ ruộng đất, nhiều nông dân ở làng quê đã nắm lấy cơ hội để làm “công nhân nông nghiệp”, có công việc, thu nhập tốt hơn mà không phải "ly hương".

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Hợp tác xã phi nông nghiệp: Đầu tư công nghệ, đa dạng sản phẩm
(BGĐT) - Mặc dù chỉ chiếm 32,6% số hợp tác xã (HTX) song nhờ hướng đi phù hợp, nhiều HTX phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát huy tốt hiệu quả hoạt động, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tạo sức bật trong sản xuất nông nghiệp
(BGĐT) - Chiều 3/10, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2021 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình).
Nghị quyết 130 - Đòn bẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao
(BGĐT) - Ngày 16/8/2016, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 130-NQ/TU về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Nghị quyết 130). Thực hiện Nghị quyết, nhiều mô hình CNC phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đầu tư mạnh cho "tam nông", đưa Bắc Giang trở thành trọng điểm nông nghiệp quốc gia
(BGĐT) - Ngày 16/6, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 19). Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về những điểm mới cũng như những giải pháp đột phá của ngành trong thực hiện nghị quyết này.
Hỗ trợ tích tụ ruộng đất: Thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp
(BGĐT) - Bắc Giang có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mở rộng quy mô song hiện nay nhiều đơn vị vẫn thiếu đất sản xuất. Vì vậy phải thuê nhiều mảnh, nhiều thửa ở các địa phương khác nhau nên khó quản lý, điều hành dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...