Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 30 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng: Dân có thu nhập, rừng được bảo vệ

Cập nhật: 10:37 ngày 09/12/2022
(BGĐT) - Từ chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhiều tổ chức, cá nhân có điều kiện tái đầu tư phát triển, duy trì các hoạt động bảo vệ rừng. Qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế, giữ màu xanh cho rừng.

Yên tâm bám rừng

Xã Tam Tiến (Yên Thế) có gần 1,1 nghìn ha rừng thuộc lưu vực sông Thương, trong đó có hơn 873 ha được chi trả tiền DVMTR. Từ khi chính sách chi trả tiền DVMTR được triển khai trên địa bàn tỉnh (năm 2014), mỗi năm gần 700 hộ dân trong xã nhận được tổng số tiền hơn 200 triệu đồng từ chính sách này. Dù số tiền không lớn song người dân có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, tái đầu tư phát triển rừng. 

Trường hợp của gia đình anh Lý Văn Phương (SN 1976), dân tộc Nùng ở thôn Hố Tre là một ví dụ. Với gần 17 ha rừng được hưởng chính sách này, giai đoạn 2019-2021, gia đình anh được nhận số tiền gần 11,5 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí được chi trả, anh mua giống bạch đàn trồng trên diện tích mới khai thác và hiện phát triển tốt. Tương tự, sau khi nhận 4,1 triệu đồng từ 6 ha rừng, giữa năm nay, gia đình anh Lý Văn Liên, dân tộc Nùng, cùng ở thôn Hố Tre mua phân bón, chăm sóc 1 ha rừng bạch đàn năm thứ nhất. “Số tiền được nhận từ DVMTR giúp các hộ dân nâng cao giá trị từ rừng. Nhờ đó đời sống đồng bào ngày càng khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm”, anh Lý Văn Liên nói.

Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, hiện toàn tỉnh có 6.150 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được thụ hưởng chính sách chi trả tiền DVMTR với tổng diện tích gần 21,5 nghìn ha. Giai đoạn 2019-2021, các chủ rừng được chi trả gần 6,4 tỷ đồng từ tiền DVMTR. Từ nguồn kinh phí này, các chủ rừng đã quan tâm kiện toàn tổ, đội bảo vệ rừng, đưa giống mới vào trồng. 

{keywords}

Khu rừng được chi trả tiền DVMTR của gia đình anh Lý Văn Phương, thôn Hố Tre, xã Tam Tiến (Yên Thế).

Điển hình với 140 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao quản lý tại thôn Tam Chẽ, giai đoạn 2019-2021, UBND xã Sơn Hải (Lục Ngạn) được chi trả hơn 22 triệu đồng tiền DVMTR. Từ nguồn kinh phí này, địa phương xây dựng phương án hỗ trợ cho các thành viên Ban chỉ huy Bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của xã cũng như tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Tam Chẽ. Tương tự, với hơn 4,5 nghìn ha rừng phòng hộ, giai đoạn 2019-2021, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn được nhận hơn 912 triệu đồng. 

Cùng với chi trả gần 401 triệu đồng theo quy định cho các hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ 2,5 nghìn ha, đơn vị có thêm nguồn lực để mua sắm, sửa chữa thuyền cũng như vật tư phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Anh Vi Văn Nhúng, dân tộc Nùng, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) chia sẻ: “Gia đình tôi nhận khoán bảo vệ 18,4 ha rừng phòng hộ. Cùng với được hưởng chính sách hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc nhận khoán bảo vệ rừng (400 nghìn đồng/ha/năm), mỗi năm gia đình tôi được chi trả hơn 1,5 triệu đồng tiền DVMTR. Đây là nguồn động lực để gia đình yên tâm bám rừng”.

Tăng thu để hỗ trợ người dân

Thống kê, từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh thu được hơn 2,3 tỷ đồng từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nước sạch và nước công nghiệp; thu gần 150 triệu đồng từ hoạt động thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. 

Theo đánh giá, chính sách DVMTR đã mang lại quyền lợi cho người dân, góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của người dân và cộng đồng trong phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên do nguồn thu hạn chế nên mức chi trả thấp, từ 35,5 nghìn đồng đến 263 nghìn đồng/ha/năm (tùy địa phương) nên tác động của chính sách đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế, chưa góp phần cải thiện thu nhập cho người dân trong các lưu vực cung ứng DVMTR. 

Hiện toàn tỉnh có 6.150 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được thụ hưởng chính sách chi trả tiền DVMTR với tổng diện tích gần 21,5 nghìn ha. Giai đoạn 2019-2021, các chủ rừng được chi trả gần 6,4 tỷ đồng từ tiền DVMTR.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, thôn Tân Thành, xã Kiên Thành (Lục Ngạn) đề xuất: “Để hỗ trợ các hộ dân nằm trong lưu vực được chi trả tiền DVMTR, cơ quan chuyên môn cần rà soát kỹ các trường hợp, thực hiện chi trả theo năm nhằm vừa hỗ trợ kịp thời các hộ dân vừa tránh tình trạng chi nhầm, chi thiếu”.

Để thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả tiền DVMTR, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đang tập trung rà soát, cập nhật hồ sơ quản lý rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư sống gần rừng theo quy định. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, mở rộng nguồn thu từ các đối tượng sử dụng DVMTR trên địa bàn. Mới đây, Quỹ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt bổ sung danh sách 10 cơ sở sản xuất, cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ từ hoạt động điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch. 

Ông Trương Đức Đáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh nói: “Chính sách này đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của các tổ chức, cá nhân, góp phần giữ ổn định diện tích che phủ rừng toàn tỉnh 38%. Tới đây, cùng với mở rộng đối tượng phải nộp tiền, chúng tôi tập trung rà soát diện tích được chi trả, hoàn thiện thủ tục, sớm thực hiện chi trả tiền thu được trong năm nay cho các đối tượng được thụ hưởng”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Bắc Giang: Nhiều địa phương có nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm
(BGĐT) - Theo dự báo thời tiết của Đài Khí tượng thuỷ văn Bắc Giang và tổng hợp theo dõi của Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, đến ngày 2/11/2022, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh đang có diễn biến bất thường.
Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất rừng tại hai xã Tân Sơn, Phong Vân (Lục Ngạn)
(BGĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và UBND huyện Lục Ngạn tập trung giải quyết, xử lý tình trạng lấn chiếm đất rừng và ngăn cản trồng rừng phòng hộ trên địa bàn hai xã Tân Sơn và Phong Vân.
Bắc Giang: Diện tích rừng trồng, sản lượng cây giống lâm nghiệp vượt kế hoạch năm
(BGĐT) - Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, diện tích rừng trồng toàn tỉnh, trồng cây phân tán, sản lượng cây giống sản xuất trong 9 tháng đã đạt và vượt kế hoạch năm 2022.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...