Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vươn lên nhờ vốn vay ưu đãi

Cập nhật: 09:15 ngày 03/01/2023
(BGĐT) - Bị ốm đau bệnh tật nên không ít hộ dân trên địa bàn huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã lâm vào cảnh khó khăn, trở thành hộ nghèo. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ thiết thực từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện và sự nỗ lực của bản thân, nhiều trường hợp đã sớm ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Những ngày cuối năm, chúng tôi cùng chị Nguyễn Thị Nhuận, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Quỳnh, xã Hương Sơn (Lạng Giang) đến thăm gia đình chị Giáp Thị Na, hiện là hộ nghèo của thôn. Chị Nhuận cho biết: “Hầu như tuần nào tôi cũng qua gia đình chị Na nhằm nắm bắt tình hình làm kinh tế, cùng bàn cách sử dụng vốn vay hiệu quả nhất”.

Vừa đến cửa nhà, chúng tôi bắt gặp anh Đinh Xuân Ngọ, chồng chị Na đang ngồi trên chiếc xe lăn. Được biết, cách đây vài năm, khi đó anh Ngọ vẫn còn khỏe mạnh, gia đình đã đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn. Trung bình trong chuồng lúc nào cũng có hơn 100 con lợn thịt và hơn 10 con lợn nái. Tuy nhiên, năm 2019, do mắc phải dịch tả lợn châu Phi, toàn bộ lợn bị tiêu hủy. Sang năm 2020, anh Ngọ không may mắc bệnh lao xương, hai chân co cứng không đi lại được. Vừa lo chạy tiền trả nợ các đại lý cám, vừa đưa chồng đi chữa bệnh khắp nơi, kinh tế gia đình kiệt quệ, lâm vào cảnh nghèo. “Rất may, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, gia đình tôi đã được vay 80 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế gia đình”, chị Na chia sẻ.

{keywords}

Chị Giáp Thị Na (ở giữa) bên đàn gà chuẩn bị xuất bán của gia đình.

Từ số tiền trên, gia đình chị Na tập trung đầu tư chăn nuôi gà và trồng rừng kinh tế. Hiện gia đình đang nuôi hơn 300 con gà thịt, dự kiến sẽ xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán này. Bên cạnh đó, khoảng 1,5 ha rừng đang lên xanh tốt, dự kiến sang năm sẽ cho thu hoạch, ước thu về hơn 100 triệu đồng. “Hy vọng, khi có được số tiền trên, tôi sẽ có điều kiện chữa bệnh cho chồng khỏe mạnh; tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế để gia đình sớm thoát nghèo”, chị Na nói. Theo ông Vũ Văn Báo, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, do địa bàn xã thuộc vùng sâu, xa của huyện, đời sống kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn nên Đảng uỷ, UBND xã rất quan tâm đến việc phát huy tối đa nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH nhằm giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Hiện, toàn xã có 101 hộ nghèo được vay vốn với tổng dư nợ 9,2 tỷ đồng.

Cũng giống gia đình chị Na, gia đình chị Nguyễn Thị Lan Hương ở thôn Dĩnh Lục 1, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) gặp vô vàn khó khăn khi chồng chị không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và mất năm 2015. Khi ấy hai người con gái của vợ chồng chị một cháu đang học đại học, một cháu đang học THPT. Từ hộ có mức sống trung bình khá ở địa phương, gia đình chị trở thành hộ nghèo. Thấy được hoàn cảnh khó khăn như vậy, năm 2019, Chi hội Nông dân của thôn đã bình xét, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Khi ấy, ngoài làm ruộng, gia đình chị còn mở cửa hàng bán quần áo ở thị trấn Nếnh (Việt Yên). Gia đình chị cũng được vay từ chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp hai con ăn học. Có được vốn vay ưu đãi, chị Hương từng bước trả hết các khoản vay trước đó để chữa bệnh cho chồng; đồng thời nhập thêm nhiều mặt hàng kinh doanh. Hiện hai con gái của chị đã ra trường, có công việc ổn định và xây dựng gia đình. Năm 2021, gia đình chị Hương cũng thoát nghèo.

{keywords}

Chị Nguyễn Thị Lan Hương (ngoài cùng bên trái) đang trao đổi cùng Tổ trưởng Tổ TK&VV của thôn Dĩnh Lục 1, xã Tân Dĩnh.

Hôm chúng tôi đến thăm gia đình chị Hương đúng lúc chị đang thuê thợ sửa lại ngôi nhà cũ để kịp đón Tết Nguyên đán. Chị Hương phấn khởi nói: “Tết này, gia đình tôi sẽ được ở trong ngôi nhà khang trang. Đặc biệt, vừa rồi, gia đình tôi lại được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay tiếp 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 0,65%/năm, thấp hơn nhiều so với vay từ ngân hàng thương mại. Đây là khoản vay cho đối tượng hộ vừa thoát nghèo để tiếp tục có vốn đầu tư sản xuất”.

Chị Trần Thị Ngự, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Dĩnh Lục 1 cho biết thêm, hiện thôn có 33 gia đình thuộc diện chính sách đang vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Qua đây, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, tiêu biểu có gia đình chị Nguyễn Thị Lan Hương, gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh...

Theo thông tin từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lạng Giang, trong năm 2022, doanh số cho vay của toàn huyện đạt hơn 154,9 tỷ đồng, với hơn 2.600 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Tìm hiểu thực tế được biết, trong những năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Lạng Giang đã tích cực thực hiện tốt các nội dung ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ đó, giúp nhiều gia đình khó khăn, hộ nghèo sớm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ông Trương Quang Sơn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lạng Giang cho biết: “Toàn huyện hiện có 315 tổ TK&VV ở các thôn, tổ dân phố. Đây là cánh tay nối dài hết sức quan trọng của ngân hàng CSXH với các hộ nghèo, chính sách. Các tổ trưởng tổ TT&VV là chi hội trưởng, chi hội phó hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và bí thư hay phó bí thư chi đoàn ở thôn, tổ dân phố; nên họ có điều kiện sâu sát cơ sở, nắm bắt kịp thời nhu cầu, khả năng sử dụng, quản lý vốn vay của những hộ dân hiệu quả, thiết thực nhất”.

Theo thông tin từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lạng Giang, trong năm 2022, doanh số cho vay của toàn huyện đạt hơn 154,9 tỷ đồng, với hơn 2.600 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn cho vay tập trung vào hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ hỗ trợ tạo việc làm... Hiện tại, dư nợ ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội là hơn 464,4 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đây, góp phần bảo đảm mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn; năm 2022, đã có 1.200 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 3,29% (theo chuẩn mới).

Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam

Người dân vùng quê sông Lục núi Huyền tăng thu nhập từ vốn vay ưu đãi
(BGĐT) - Quỹ quốc gia về việc làm được các cấp chính quyền, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lục Nam (Bắc Giang) triển khai bài bản từ nhiều năm nay. Thông qua chương trình tín dụng này, nhiều cơ sở, hộ gia đình được vay vốn ưu đãi, phát triển các mô hình sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, xây dựng đời sống ngày càng no ấm.
Thêm sinh kế từ vốn vay ưu đãi
(BGĐT) - Cùng với các chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường…, hàng trăm tỷ đồng cho vay từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển KT-XH của tỉnh Bắc Giang. Tại nhiều địa phương, nguồn quỹ đã tạo sinh kế bền vững, giúp nhiều hộ dân xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định đời sống.  
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...