(BGĐT) - Bánh chưng Vân là đặc sản truyền thống của Hiệp Hòa dựa trên tiêu chí sạch, an toàn. Sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao của tỉnh Bắc Giang.
Ba xã nổi tiếng gói bánh chưng là: Hoàng Vân, Hoàng An và Thanh Vân. Nguyên liệu làm bánh gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ, thịt lợn mỡ khổ, lá chít, gia vị. Gạo nếp cái hoa vàng được gieo cấy trên đồng đất các xã Hoàng Vân, Thái Sơn được chọn làm bánh. Gạo có hạt trắng, mẩy, được ngâm nước 5 tiếng đồng hồ. Sau khi vo sạch trộn với ít muối, giúp bánh không ôi thiu, vị thêm đậm đà.
Bà con gói bánh bằng lá chít. Sau khi cắt bỏ phần ngọn và cuống, lá được rửa sạch bằng nước rồi đem luộc đến khi nước chớm sôi thì vớt ra để lá mềm và giữ nguyên mùi vị. Thịt lợn nhân bánh được tuyển chọn từ những trang trại nuôi lợn sạch. Hạt đỗ xanh đều, không sâu mọt. Mỗi chiếc bánh chưng sử dụng khoảng 700g gạo nếp, 200g đỗ và một dải thịt ba chỉ, thịt mỡ.
 |
Hội thi gói bánh chưng Vân được huyện Hiệp Hòa tổ chức hằng năm. |
Cách gói cũng rất quan trọng, phải vừa tay vì chặt quá làm bánh nhanh lại gạo, còn lỏng bánh sẽ nhão. Các hộ đều dùng củi để luộc chứ ít khi dùng than. Bánh được đưa lên bếp luộc 2 lần trong thời gian từ 3 đến 4 tiếng rồi vớt ra, rửa sạch, sau đó dùng tay lăn đến khi rền và dẻo mới quấn lại. Được biết, huyện Hiệp Hòa hiện có gần 200 hộ gói bánh chưng thường xuyên. Bánh chưng Vân được thực khách gần xa biết đến đặt mua về ăn hoặc làm quà biếu. Bánh có màu trắng vì gói bằng lá chít, mềm mà rất dẻo, thơm mùi gạo nếp và đỗ xanh, hạt gạo còn nguyên hình dạng, vị bùi ngậy.
Đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Vân chia sẻ: Bánh chưng Vân tuy có tiếng nhưng quy mô sản xuất không lớn. Tất cả những cơ sở sản xuất đều là của các gia đình riêng lẻ. Khi số lượng đơn hàng lớn thì các hộ nhờ thêm hàng xóm, họ hàng tới gói cùng. Bánh chưng Vân được sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, không sử dụng chất phụ gia và được sản xuất bằng phương pháp truyền thống của địa phương. Thương hiệu bánh chưng Vân là đặc sản truyền thống của quê hương dựa trên tiêu chí sạch, an toàn, bảo đảm sức khoẻ cho cộng đồng.
Giá bán từ 40 - 50 nghìn đồng/chiếc. Vào dịp Tết, nhất là từ ngày 20 tháng Chạp, nhiều gia đình, cơ quan về đây đặt mua. Những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, xuân về, UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đạo các phòng chức năng tổ chức thi gói bánh chưng Vân, vừa để nâng cao tay nghề, vừa là dịp quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, thương hiệu bánh chưng Vân đã, đang được nhiều người biết đến.
Bài, ảnh: Phương Nhung
Huyện Hiệp Hòa tổ chức ngày hội bánh chưng Vân, phát động ủng hộ Tết vì người nghèo(BGĐT)-Ngày 18/12, UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội huyện tổ chức Ngày hội "Bánh chưng Vân, Tết sum vầy, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng huyện Hiệp Hòa". Trong chương trình tổng thể ngày hội, buổi tối 18/12 diễn ra lễ phát động ủng hộ Tết vì người nghèo năm 2023. Dự buổi lễ có đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số ngành của tỉnh.
Ngày hội “Bánh Chưng vân-Tết sum vầy”(BGĐT) - Ngày 18/12, UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) tổ chức ngày hội “Bánh Chưng vân - Tết sum vầy và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu năm 2022”. Tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như thi gói bánh chưng, kéo co, đẩy gậy, liên hoan văn nghệ, liên hoan các câu lạc bộ thanh thiếu niên cùng sở thích; mở các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện.
Hiệp Hòa: Nhân rộng mô hình "Chính quyền thân thiện"(BGĐT) - Sau khi triển khai mô hình điểm “Chính quyền thân thiện” tại hai thị trấn Thắng và Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu tháng 11/2022 hoàn thành việc ra mắt mô hình tại các xã còn lại.