Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 30 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xuân về bên sườn Tây Yên Tử

Cập nhật: 16:34 ngày 10/01/2023
(BGĐT) - Thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, những người làm nhiệm vụ “gác rừng” bên sườn Tây Yên Tử vẫn ngày đêm làm việc. Với họ, không có kỳ nghỉ Tết trọn vẹn, Tết cũng gắn với rừng. 

Gần Tết Nguyên đán, chúng tôi tới thăm, chúc Tết Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (Sơn Động). Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Điệp, Phó Giám đốc Ban kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử được thành lập năm 2002, trải dài từ xã Lục Sơn (Lục Nam) đến xã An Lạc (Sơn Động) với hơn 13 nghìn ha rừng và đất rừng đặc dụng. Diện tích khu bảo tồn chủ yếu nằm ở sườn Tây của dãy núi Yên Tử. 

Rừng tự nhiên nơi đây là hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng của vùng rừng Đông Bắc Việt Nam. Không chỉ là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao về thành phần loài mà còn là nơi phân bố của nhiều loài thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm. Trong đó có thằn lằn cá sấu, là động vật rừng cực kỳ quý hiếm trên thế giới, phân bố ở dãy núi Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh.

{keywords}

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Tây Yên Tử tuần tra bảo vệ rừng.

Dịp Tết Nguyên đán, Ban đã phân công, chia làm 2 ca trực. Luôn bảo đảm bố trí 50% lực lượng, thường trực 24/24 giờ tại Văn phòng Ban và 6 trạm kiểm lâm địa bàn để tuần tra rừng, ngăn chặn các đối tượng xấu phá rừng, gây cháy rừng hay sẵn sàng tăng cường lực lượng hỗ trợ cho các trạm kiểm lâm khi cần.

Để hiểu hơn về công việc của những người giữ rừng, chúng tôi đến Trạm Kiểm lâm địa bàn Tân Lập, cùng những người làm nhiệm vụ “gác rừng” nơi đây đi tuần tra rừng đặc dụng. Những ngày cuối năm, hương sắc mùa xuân đã lan tỏa khắp các thôn xóm, bản làng nơi chúng tôi đi qua. Đường tới Trạm Kiểm lâm địa bàn Tân Lập không còn là đường đất khó khăn như xưa nữa mà đã được trải bê tông sạch sẽ. 

Hai bên đường không còn những ngôi nhà tranh cũ kỹ mà thay vào đó là nhà ngói, nhà mái bằng khang trang, đem lại sinh khí mới cho vùng cao Sơn Động. Thấp thoáng hai bên đường, trước cửa, ngoài sân, nhiều gia đình đồng bào Dao đã treo cờ Tổ quốc và đang tất bật dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới với niềm tin về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Cùng đó, màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng tự nhiên, xen lẫn rừng trồng phủ khắp núi đồi trùng điệp là hình ảnh ấn tượng, khó quên khi di chuyển đến Trạm Kiểm lâm địa bàn Tân Lập. Đây là một trong những trạm có vai trò then chốt trong công tác bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Phụ trách Trạm - anh Trương Văn Sơn đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ. Nơi đây, chúng tôi đã cảm nhận được không khí Tết thật đầm ấm, nghĩa tình. Mâm ngũ quả, cành đào, cây quất được các “chiến sĩ” kiểm lâm chuẩn bị trang trọng, chu đáo để đón một cái Tết mới.

Trước sân trạm, phóng tầm mắt ra xa, giữa cánh cung trùng điệp của núi rừng Đông Bắc, Yên Tử, chóp núi cao 1.068 m (so với mực nước biển), vút lên như một tòa tháp ẩn khuất dưới làn sương trắng bồng bềnh. Rót chén trà nóng mời khách, anh Sơn chia sẻ: “Trạm Kiểm lâm địa bàn Tân Lập được biên chế 3 cán bộ kiểm lâm, trực tiếp quản lý, bảo vệ gần 2.700 ha rừng và đất rừng đặc dụng. Chúng tôi sống với những cánh rừng nhiều hơn là với gia đình, không có thứ Bảy, Chủ nhật. Bất kể ngày đêm, khi nhận tin báo có đối tượng xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn hay nhận lệnh tăng cường lực lượng cho các trạm khác là anh em lập tức lên đường làm nhiệm vụ ngay”.

{keywords}

Cán bộ Trạm Kiểm lâm địa bàn Tân Lập (Sơn Động) tuần tra rừng.

Sau khi trao đổi công việc về công tác bảo vệ rừng trên địa bàn, tôi cùng các cán bộ kiểm lâm đi tuần rừng đặc dụng bên sườn Tây Yên Tử. Ban đầu, chúng tôi di chuyển bằng xe máy, đi chừng bốn cây số, rồi để xe máy ở bìa rừng, bắt đầu cuốc bộ xuyên rừng lên khu vực giáp ranh với thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Men theo lối mòn, vượt qua nhiều dốc, lội qua vài con suối, chúng tôi vào vùng lõi rừng đặc dụng. Dưới tán rừng rậm rạp, người đi trước cầm dao phạt các cành cây nhỏ, dây gai để dễ đi hơn. Trên đường đi, bất ngờ chúng tôi gặp một con rắn ráo bò qua trước mặt, rồi mất hút vào bụi cây, khiến cả đoàn giật mình.

Chúng tôi tuần tra rừng tự nhiên thuộc khoảnh 30, khoảnh 33, có địa danh Khe Nậm; rồi sang khoảnh 32, có địa danh Khe Xanh. Những năm 90 của thế kỷ trước, khu vực này là “điểm nóng” khai thác gỗ trái pháp luật. Nhưng hàng chục năm trở lại đây, tình trạng trên không còn xảy ra nữa. Tại đây, lớp cây thân gỗ như de, dẻ có đường kính từ 20 - 30 cm, thậm chí có cây ngát, đường kính tới 60 cm, chiều cao vút ngọn từ 10 - 15 m “vươn mình”, khoe tán trên những cánh rừng xanh ngút ngàn.

Trên đường tuần rừng, dăm ba câu chuyện chia sẻ qua lại của các thành viên trong đoàn khiến cuộc hành trình của chúng tôi như bớt khó khăn. Anh Sơn tâm sự: “Khi Tết đến, mọi nhà đoàn tụ thì chúng tôi lại “chạy ngược lên rừng” để làm việc. Rừng núi mênh mông, heo hút, cửa ra vào nhiều vô kể, quản lý không xuể. Tết Nguyên đán là những ngày phải tập trung cao cho nhiệm vụ bảo vệ rừng, dẫu có khó khăn, vất vả đến mấy, chúng tôi luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Từ khi gắn bó với nghề giữ rừng, anh Sơn đã từng luân chuyển qua 6 trạm kiểm lâm địa bàn. Tết này là Tết thứ 18 liên tục, anh chưa được ăn Tết trọn vẹn cùng gia đình. Không chỉ riêng anh mà mọi người trong đơn vị đều như vậy, phải thay nhau trực và đón xuân, ăn Tết với rừng.

Len lỏi trong rừng, mặc dù trời rét nhưng cả đoàn ai nấy áo ướt đẫm mồ hôi. Giữa đại ngàn, tôi tranh thủ hít luồng không khí trong lành, mùi thơm thoang thoảng của hoa rừng, lắng nghe tiếng xào xạc của cây lá, tiếng líu lo của các loài chim. Tất cả như hòa với nhau, làm cho thiên nhiên, đất trời nơi đây trở nên thanh bình, tĩnh lặng.

Ngày Tết, đi tuần rừng không phát hiện thấy kẻ xấu xâm hại đến rừng. Mỗi khi đến đây, được dạo qua những nơi quen thuộc, thấy còn nguyên vẹn, nhìn những cánh rừng vươn lên xanh tươi là món quà xuân đầy ý nghĩa đối với những người làm nhiệm vụ giữ rừng. Nhờ những cán bộ tâm huyết mà rừng ở khu vực này đã được bảo vệ, không còn là “điểm nóng” phá rừng như trước.

Sắc xuân đã về trên khắp các nẻo đường. Giữa đại ngàn Tây Yên Tử, các cán bộ kiểm lâm và nhân viên bảo vệ rừng vẫn tiếp tục băng rừng, lội suối, lặng thầm bảo vệ sự bình yên cho những cánh rừng. Với họ, những cánh rừng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Và Tết chỉ về khi những cánh rừng được bình yên.

Bài, ảnh: Dương Đại Tiến

Bí thư Chi bộ giỏi trồng rừng thâm canh
(BGĐT) - Bằng sự gương mẫu và tinh thần dám nghĩ dám làm, đồng chí Triệu Xuân Thể (SN 1976), dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ bản Vua Bà, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) tiên phong chuyển đổi sang mô hình trồng rừng theo hướng thâm canh, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng: Dân có thu nhập, rừng được bảo vệ
(BGĐT) - Từ chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhiều tổ chức, cá nhân có điều kiện tái đầu tư phát triển, duy trì các hoạt động bảo vệ rừng. Qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế, giữ màu xanh cho rừng.
Yên Thế diễn tập phòng, chữa cháy rừng cụm xã
(BGĐT) - Ngày 28/11, huyện Yên Thế tổ chức diễn diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cụm xã (Đồng Tiến, Tam Tiến) năm 2022.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...