Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyển đổi số phải như đi ô tô thay vì chạy bộ

Cập nhật: 09:29 ngày 22/01/2023
(BGĐT) - Chuyển đổi số trong nông nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá để phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Mục tiêu đó đang được ngành nông nghiệp cả nước cũng như Bắc Giang thực hiện song còn nhiều khó khăn. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo Bắc Giang về vấn đề này.

Là chuyên gia kinh tế, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, bà có thể chia sẻ những kết quả nổi bật của chuyển đổi số trong nông nghiệp thời gian qua?

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số, nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên thực hiện sớm. Đây là lĩnh vực rộng, nhiều thành phần, trình độ năng lực, khả năng đầu tư còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, chuyển đổi số nông nghiệp như thế nào? bắt đầu từ đâu? bao gồm những việc gì?... thì hầu hết các địa phương vẫn đang đi từng bước. Nắm bắt thực tế tại cơ sở, phía các cơ quan, trong đó chủ quản là Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tích cực triển khai và có những thay đổi để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp (DN) trong thực hiện chuyển đổi số qua sàn thương mại điện tử (TMĐT), trang web, sẵn sàng xuất khẩu, hỗ trợ kiểm tra online mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói với Trung Quốc, đào tạo online, hội thảo trực tuyến, các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại...

Từ việc thay đổi như trên đã tiết kiệm nhiều chi phí cho cả ngân sách nhà nước cũng như của người dân và DN. Đặc biệt là tiết kiệm thời gian, rút ngắn khoảng cách giao thương.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Thành Thực.

Từ kết quả trên, những bài học kinh nghiệm nào được rút ra, thưa bà?

Chúng ta đã thấy lợi ích rõ ràng của chuyển đổi số khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đặc biệt việc Trung Quốc có thể kiểm tra, giám sát trực tuyến cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói cho sầu riêng Việt Nam. Vải thiều Bắc Giang cũng được phía Nhật Bản kiểm tra quy trình chiếu xạ và các công đoạn liên quan để chấp thuận xuất khẩu vào thị trường khó tính bậc nhất này.

Minh chứng trên cho thấy, nếu thực hiện chuyển đổi số càng nhanh, dù khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng thì xuất khẩu nông sản vẫn có thể thực hiện được.

Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là thế mạnh của Việt Nam và ngày càng được khẳng định. Sản lượng nông sản chúng ta sản xuất ra gấp hàng chục lần sức tiêu thụ trong nước, vì thế bảo đảm đầu ra chính là thị trường xuất khẩu. Rõ ràng, nếu càng chậm chuyển đổi số thì chúng ta càng tụt hậu và thua ngay trên sân nhà. Chúng ta không có khả năng tiếp cận đa dạng thị trường, khó tìm kiếm khách hàng mới để thay thế các thương lái buôn theo truyền thống mấy chục năm.

Từ những lợi ích thiết thực của chuyển đổi số mang lại nên quá trình thực hiện có thể rút ra một số kinh nghiệm. Trước hết cần xác định chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng, điều này thể hiện rõ trong Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Khi xác định vai trò thì phải tập trung cho các chương trình truyền thông, tổ chức các sự kiện, giới thiệu những kết quả nghiên cứu, mô hình ứng dụng chuyển đổi số cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Không chỉ người dân, DN mà ngay cả cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở cũng còn nhiều lúng túng và tâm lý ngại thay đổi. Nên cần có sự giải thích, "cầm tay chỉ việc" và chứng minh cho họ thấy lợi ích của việc ứng dụng chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, muốn thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, ngoài khuyến khích tự nguyện cũng cần bắt buộc. Đó là những thủ tục hành chính và các giao dịch giữa cơ quan Nhà nước với người dân/DN cần phải đưa vào quy định thì cả phía cán bộ nhà nước và người dân/DN phải thay đổi. Nếu chỉ đợi tự nguyện thì rất khó thực hiện chuyển đổi số.

Để minh bạch thông tin, tránh phiền hà nhũng nhiễu, tiết giảm chi phí… thì ở cấp cơ sở cần có sự thay đổi phù hợp, tạo động lực cho người dân, DN hưởng ứng, tích cực tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Vậy theo bà đâu là những khó khăn, thách thức hiện nay?

Chuyển đổi số đối với nông nghiệp hay lĩnh vực nào cũng cho thấy nhiều lợi thế. Tuy nhiên, chuyển đổi số nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, về phía cán bộ cấp cơ sở, chính quyền địa phương, người dân và DN còn khá mơ hồ và chưa nhận thức được tầm quan trọng của chương trình chuyển đổi số. Còn nhiều rào cản khi các DN công nghệ số tham gia vào chương trình số hoá, chuyển đổi số cho phía nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, DN.

Các chương trình hội thảo, hội nghị, tập huấn còn mang tính hình thức, nội dung chung chung, chưa đem lại hiệu quả cụ thể cho người dân và DN. Chính quyền và các cơ quan ban, ngành cần hết sức quan tâm đến tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức đoàn thể hiểu và đồng hành cùng người dân, DN chuyển đổi số nông nghiệp.

{keywords}

Khách hàng mua nông sản thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị Co.opmart (TP Bắc Giang).

Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam có những hỗ trợ gì cho các địa phương, các thành phần kinh tế để vượt qua khó khăn, thách thức nêu trên, thưa bà ?

Với mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã được thành lập. Hiệp hội tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: Hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường; tìm kiếm, chọn lọc công nghệ phù hợp cho từng mô hình canh tác, chế biến tại Việt Nam; thu hút đầu tư cho chế biến sâu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp.

Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam luôn đồng hành cùng các địa phương. Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri do tôi sáng lập đã đồng hành cùng 15 tỉnh, TP, Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ cho gần 30 nghìn hộ nông dân, hàng nghìn DN, HTX, tổ hợp tác số hoá cơ sở dữ liệu trên phần mềm, thiết lập gần 100 nghìn trang “nhật ký điện tử”; đào tạo hàng trăm lớp tập huấn về chuyển đổi số cho các thành phần kinh tế; kết nối liên kết chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ; hỗ trợ xây dựng hồ sơ, xin cấp và giám sát mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho hàng nghìn cơ sở.

Từ kinh nghiệm của mình, theo bà đâu là những giải pháp để Bắc Giang thúc đẩy mạnh mẽ hơn nông nghiệp số?

Bắc Giang là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tốp đầu cả nước, những thuận lợi về vị trí địa lý và sự năng động, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh đã giúp thu nhập của người dân ngày càng cao. Đồng thời với việc tăng thu hút đầu tư công nghiệp thì diện tích đất nông nghiệp thu hẹp song Bắc Giang là tỉnh còn khá nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp xanh.

Tỉnh có nhiều lợi thế để đầu tư một “Trung tâm kinh tế nông nghiệp vùng”. Đây là một mô hình mới đang được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT rất quan tâm. Thúc đẩy chuyển đổi số, số hoá tất cả các nguồn lực, các nông hộ, cơ sở chăn nuôi, trồng trọt để có chiến lược quy hoạch ngành nghề thành khu vực hàng hoá tập trung, lựa chọn hướng phát triển phục vụ cho thị trường nào, đối tượng khách hàng nào là rất quan trọng.

Bắc Giang có đủ điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vì thế chuyển đổi số nông nghiệp là công cụ nền tảng để nâng tầm nông nghiệp. Nếu không có đột phá giống như đi ô tô thay vì chạy bộ thì khó đưa nông nghiệp lên tầm cao mới. Là người con của quê hương Bắc Giang, tôi sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh thực hiện chương trình chuyển đổi số nông nghiệp một cách tích cực, hiệu quả.

Xin cảm ơn bà!

Trường Sơn (thực hiện)

Bắc Giang: Số hóa để giải quyết thủ tục hành chính
(BGĐT) - Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhằm hình thành kho quản lý dữ liệu điện tử. Tại Bắc Giang, công tác này được triển khai tích cực để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thụ hưởng dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện. 
Chuyển đổi số ở Bắc Giang: Vững vàng tốp đầu
(BGĐT) - Hai năm liên tiếp Bắc Giang giữ vững vị trí số 10 trong bảng xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số (CĐS) toàn quốc. Kết quả này khẳng định quyết tâm của tỉnh trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ, phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu về CĐS.
Bắc Giang: Nhân rộng "Chợ dân sinh không dùng tiền mặt"
(BGĐT) - Thúc đẩy chuyển đổi số, tổ chức đoàn các cấp trong tỉnh Bắc Giang đã phát huy vai trò tiên phong trong triển khai các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...