Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hoạt động xuất, nhập khẩu: Đón bắt cơ hội Trung Quốc mở cửa thị trường

Cập nhật: 08:58 ngày 16/01/2023
(BGĐT) - Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc khôi phục trạng thái hoạt động bình thường tại các cửa khẩu đối với Việt Nam, gỡ bỏ biện pháp xét nghiệm Covid-19. Điều này mở ra cơ hội lớn cho xuất, nhập khẩu hàng hoá ở các địa phương, trong đó có Bắc Giang.

Thông quan nhanh chóng, thuận lợi

Hơn một tuần qua, Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo (Lục Ngạn) xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc khá thuận lợi khi nước này gỡ bỏ một số thủ tục trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo ông Đinh Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, mỗi ngày đơn vị xuất khẩu khoảng 200 tấn sầu riêng, xoài qua cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh (Lạng Sơn). Trước đây, việc đưa hàng hóa qua cửa khẩu rất khó khăn, phải tháo đầu công-ten-nơ chở hàng, rồi chờ đợi mất nhiều ngày phía đối tác mới trả lại xe, tốn chi phí lưu kho bãi. Một số lô hàng ùn ứ lâu tại cửa khẩu bị hư hỏng, phải đổ bỏ, ước tính quãng thời gian vừa qua, doanh nghiệp (DN) thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. 

“Tranh thủ thông quan thuận lợi, đơn vị đang tập trung thu mua, tiêu thụ nông sản cho bà con ở tỉnh miền Tây, đồng thời cũng là dịp để DN gỡ lại chút vốn”, ông Hùng nói. Nhờ việc thông quan thuận lợi nên các loại nông sản xuất khẩu đều tăng giá như: Thanh long, sầu riêng, xoài, mít.

{keywords}

Các xe chờ thông quan tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Văn Thương.

Đối với DN nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc về sản xuất tại Việt Nam cũng có nhiều dấu hiệu tích cực, nhất là hàng hóa dùng cho sản xuất liên quan đến sản xuất hàng điện tử và may mặc. Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang BGG (TP Bắc Giang) nhập nguyên liệu sản xuất chính từ Trung Quốc. Trước đây, DN chủ yếu nhập nguyên liệu qua đường biển thì nay có thể chuyển dần sang đường bộ, hàng hoá về nhà xưởng nhanh chóng hơn. 

"Hiện nay, hằng ngày, Sở bám sát tình hình hoạt động tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh. Thông tin cụ thể đến các DN, qua đó nắm bắt những khó khăn, phát sinh để giải quyết kịp thời. Những DN gặp vướng mắc, liên hệ trực tiếp với Sở để được hỗ trợ xử lý" - Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương.

Đại diện Công ty TNHH JA Solar Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu thông tin, khi Trung Quốc thắt chặt phòng, chống dịch tại cửa khẩu Lạng Sơn, một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ sản xuất pin năng lượng mặt trời như: Màng, khung nhôm… cũng bị chậm, có lô hàng đọng 2 tháng bên kia biên giới vẫn chưa sang được Việt Nam. Đến nay thì mọi thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi. Công ty bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, cung cấp theo đơn hàng cho đối tác.

Cơ hội rõ nét từ quý II/2023

Theo thông tin từ Sở Công Thương, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đây là một thị trường thương mại tự do lớn, với hàng loạt ưu đãi cho các đối tác, đặc biệt là cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa. Trung Quốc là thị trường lớn, truyền thống, tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu của Bắc Giang. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 giữa Bắc Giang với thị trường Trung Quốc đạt hơn 16 tỷ USD, chiếm 37% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh.

Ngày 8/1, Trung Quốc chính thức mở cửa sau 3 năm thực hiện chính sách “Zero Covid”. Thực hiện chính sách mới, Trung Quốc cho phép các phương tiện chở hàng hoá xuất khẩu được đi thẳng vào khu vực cửa khẩu làm thủ tục thông quan, vận chuyển sang Trung Quốc. Đây là cơ hội cho xuất, nhập khẩu hàng hoá trong nước. Cơ hội thể hiện rõ nét bắt đầu từ quý II/2023. 

Về nhập khẩu: Nguyên vật liệu, máy móc phục vụ sản xuất công nghiệp sẽ được thông quan thuận lợi, nhanh chóng hơn. Về sản phẩm nông sản xuất tươi hiện có 13 sản phẩm xuất khẩu chính ngạch gồm: Khoai lang, tổ yến, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải thiều, chanh dây và sầu riêng; mặt hàng chế biến trái cây sấy, đóng hộp, bột ngũ cốc, gỗ chế biến cũng được hưởng lợi từ chính sách mở cửa này.

{keywords}

Dây chuyền sản xuất hàng may mặc của Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang BGG.

Đối với Bắc Giang, nắm bắt cơ hội, chuẩn bị cho vụ thu hoạch vải thiều năm nay, Sở Công Thương phối hợp đôn đốc các địa phương thực hiện tốt Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc ban hành các “Quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc”. 

Theo đó, những vùng sản xuất vải chưa được cấp mã vùng, cơ sở đóng gói chưa được cấp mã số cần khẩn trương làm các thủ tục để cấp trước khi bước vào thu hoạch vải thiều. Cùng đó, Sở đã tổ chức tập huấn cho DN, HTX về nội dung này, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc. Về mã số đăng ký DN, theo quy định của Lệnh 248, DN có thể sử dụng mã số đăng ký do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp hoặc do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp.

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Lạng Sơn, bình quân mỗi ngày có khoảng 1,2 nghìn xe xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam. Trong đó, xuất khẩu hơn 500 xe còn lại là nhập khẩu. Trong tổng số xe xuất khẩu thì chủ yếu là xe hoa quả tươi. Đặc biệt là không có xe quay đầu về nội địa, chuyển cửa khẩu.

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Hiện nay, hằng ngày, Sở bám sát tình hình hoạt động tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh. Thông tin cụ thể đến các DN, qua đó nắm bắt những khó khăn, phát sinh để giải quyết kịp thời. Những DN gặp vướng mắc, liên hệ trực tiếp với Sở để được hỗ trợ xử lý”.

Trường Sơn

Bắc Giang: Tạo đột phá từ kinh tế số
(BGĐT) - Phát triển kinh tế số là một trong ba trụ cột chính được xác định tại Nghị quyết số 111 ngày 11/6/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Sau hơn một năm thực hiện, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân trong tỉnh đã tích cực ứng dụng kinh tế số, mang lại hiệu quả thiết thực. 
Bắc Giang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của vùng
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 9 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng. Trong đó, 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1.792,5 ha; 5 khu công nghiệp đang hoạt động…
Bắc Giang: Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng
(BGĐT) - Dù gặp thách thức lớn từ dịch Covid-19, tình hình thế giới nhiều biến động, nhưng xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Cùng với sự nỗ lực tự thân, doanh nghiệp (DN) nhận được sự hỗ trợ của chính quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...