Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 23 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Giữ ổn định diện tích vải thiều, nâng chất lượng sản phẩm

Cập nhật: 18:23 ngày 06/02/2023
(BGĐT) - Vài năm gần đây, vải thiều được mùa, giá bán ổn định. Vì vậy, nhiều nông dân trong tỉnh Bắc Giang dù đã trồng cây ăn quả khác nay lại  phá bỏ để trồng vải thiều. Thực tế này đòi hỏi ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời khuyến cáo nông dân giữ ổn định vùng quy hoạch, tránh chuyển đổi ồ ạt.

Quay về với cây vải

Dù mới 42 tuổi song anh Thi Văn Ba, dân tộc Nùng ở thôn Khuôn Trang, xã Hộ Đáp (Lục Ngạn) đã có 25 năm kinh nghiệm trồng vải thiều. Theo anh Ba, do đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng nên vải thiều tại các xã trên đèo thường chín muộn hơn các địa phương khác trong huyện từ 10-15 ngày. Thu hoạch sau, trong khi chất lượng tốt nên sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao hơn so với bình quân chung của huyện. Dẫn chứng về việc này, anh Ba kể, vụ vải thiều năm 2022, phải đến đầu tháng 7 dương lịch, gia đình anh mới thu hoạch vải. 

Do các vườn tại vùng thấp trong huyện đã bán hết trước đó nên thương nhân đổ về các xã trên đèo thu mua với giá cao (có thời điểm đạt 28 nghìn đồng/kg). Chỉ với 200 cây vải thiều (khoảng 12 tấn quả), anh thu về hơn 200 triệu đồng. “Nhận thấy giá trị cao từ cây vải thiều, 3 năm gần đây, gia đình tôi đã phá bỏ diện tích trồng cam để chuyển sang trồng thêm 200 cây vải thiều sớm. Ngay như vừa qua, tôi cũng phá bỏ vườn táo để trồng thêm 70 gốc vải sớm. Vụ vải năm nay, gần 100 cây vải sớm sẽ bắt đầu cho thu hoạch”, anh Thi Văn Ba nói.

{keywords}

Vườn vải thiều ở xã Vô Tranh (Lục Nam).

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, 3 năm gần đây, diện tích vải thiều trên địa bàn tỉnh có biến động. Năm 2021, tổng diện tích hơn 28,3 nghìn ha, đến nay hơn 29,7 nghìn ha. Phần tăng thêm chủ yếu là vải sớm, tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Sơn Động. Tại xã Đại Sơn (Sơn Động), chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, nhiều hộ đã trồng thêm gần chục ha vải thiều, trong đó có gần một nửa được trồng thay thế các khu vườn tạp kém hiệu quả. Tương tự, 3 năm qua, xã Vô Tranh (Lục Nam) đã có thêm hơn 200 ha vải thiều được trồng mới trên đất trồng lúa một vụ không ăn chắc và diện tích trồng cam, bưởi kém hiệu quả, qua đó nâng tổng diện tích vải toàn xã lên 1.025 ha. 

Ông Mộc Đức Núi, dân tộc Tày, thôn Mỏ Sẻ, xã Vô Tranh nói: “Theo phong trào, 5 năm trước, tôi chuyển đổi một phần diện tích trồng vải thiều sang trồng cam. Vì cây phát triển chậm, năng suất thấp nên đầu năm nay tôi đã phá vườn cam, quay lại trồng vải thiều”.

Tránh vòng xoáy “trồng- chặt, chặt - trồng”

Nhờ đầu tư, áp dụng kỹ thuật thâm canh nên năng suất, sản lượng vải thiều của tỉnh đạt cao. Năm 2021 hơn 215,8 nghìn tấn (cao nhất từ trước đến nay). Một năm sau, dù sản lượng có giảm song vẫn đạt hơn 195,6 nghìn tấn. Bước sang năm 2023, thời tiết thuận lợi, nhiệt độ, độ ẩm rất phù hợp với thời kỳ phân hóa mầm hoa nên thời điểm này cây sinh trưởng, phát triển tốt. Tỷ lệ ra hoa tại các vườn vải thiều sớm đạt hơn 90%; vải chính vụ đang báo và nhú hoa khoảng 40-45%, dự báo tỷ lệ ra hoa cũng đạt hơn 80%... Với diện tích hơn 29,7 nghìn ha, trong đó có khoảng 27,9 nghìn ha cho thu hoạch nên dự kiến sản lượng cũng tương đương năm ngoái. Đây vừa là tín hiệu vui cho người trồng vải, vừa mang đến áp lực đối với các địa phương, nhất là khâu tiêu thụ. 

Năm nay, thời tiết thuận lợi, nhiệt độ, độ ẩm rất phù hợp với thời kỳ phân hóa mầm hoa nên thời điểm này vải thiều sinh trưởng, phát triển tốt. Tỷ lệ ra hoa tại các vườn vải thiều sớm đạt hơn 90%; vải chính vụ đang báo và nhú hoa khoảng 40-45%, dự báo tỷ lệ ra hoa cũng đạt hơn 80%..

Ông Đinh Văn Phương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn nói: “Dù diện tích, sản lượng vải thiều lớn nhất tỉnh (chiếm gần 60% diện tích, hơn 60% sản lượng) song nhờ chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới nên 2 năm gần đây, vải thiều vẫn tiêu thụ thuận lợi. Tuy nhiên, do thời gian thu hoạch ngắn nên có thời điểm giá thu mua thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân”. Khi diện tích, sản lượng vải thiều tăng quá cao dễ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, mất giá, giảm hiệu quả kinh tế.

Thực tế, để phát triển ổn định diện tích cây ăn quả nói chung, vải thiều nói riêng, tỉnh, các sở, ngành, địa phương có nhiều giải pháp đồng bộ, từ công tác lập quy hoạch, kế hoạch đến xây dựng cơ chế chính sách phát triển sản xuất, cơ sở chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Tại xã Vô Tranh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 xác định cùng với phát triển kinh tế lâm nghiệp, cây vải thiều sẽ là cây trồng chủ lực của xã. Theo đó, địa phương duy trì ổn định khoảng 1 nghìn ha vải thiều, quan tâm xây dựng, hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Tại huyện Lục Ngạn, nhận thấy tiềm năng phát triển loại cây trồng này tại khu vực trên đèo, UBND huyện đề nghị các xã rà soát, trồng mới loại cây này tại những khu vườn tạp, hiệu quả kinh tế thấp. Với trách nhiệm của mình, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung rà soát toàn bộ diện tích vải thiều, nhất là những khu vực phát triển mới để đánh giá về điều kiện phát triển, từ đó hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Tăng cường kiểm tra, khuyến cáo và chỉ xem xét, đưa các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ tại những diện tích trong quy hoạch, vùng sản xuất tập trung.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Để tăng giá trị vải thiều và cạnh tranh được trên thị trường, ngành sẽ chủ động về địa bàn, hướng dẫn người dân nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP, hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Quản lý tốt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng trồng, bảo đảm không có sản phẩm ngoài danh mục đến tay người trồng vải”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Hai dự án lớn nhất đầu tư vào Bắc Giang chiếm hơn 45% tổng vốn FDI vào Việt Nam
Tháng 1/2023, thu hút đầu tư tại Bắc Giang đạt kết quả tích cực, tổng vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Bắc Giang là tỉnh dẫn đầu thu hút FDI trong tháng 1/2023.
Bắc Giang: Đẩy nhanh tiến độ các công trình
(BGĐT) - Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều nhà thầu xây dựng đã triển khai, bắt tay ngay vào công việc với mong muốn đạt tiến độ cao nhất, sớm đưa dự án vào khai thác. Các chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc, giám sát bảo đảm thời gian thi công cũng như chất lượng từng hạng mục.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...