Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Số hoá vùng trồng cây ăn quả: Tiện quản lý, rõ nguồn gốc nông sản

Cập nhật: 08:16 ngày 28/02/2023
(BGĐT) - Sau hơn một năm thực hiện đề án hỗ trợ phát triển sản xuất bền vững cây ăn quả, cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang đã số hoá được 129 vùng sản xuất tập trung (SXTT). Năm nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) số hoá thêm 80 vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Rộng đường tiêu thụ

Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Hải, thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) được UBND huyện hỗ trợ 50 triệu đồng thực hiện số hoá vùng trồng vải thiều thông qua việc xây dựng mã mùa vụ và mã truy xuất thông tin. Theo ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, từ nguồn kinh phí này, 16 thành viên của HTX được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cũng như mã mùa vụ. Trên app Smartnote, mỗi thành viên có một tài khoản để tự cập nhật nhật ký chăm sóc cũng như thông tin về vườn vải thiều của gia đình như: Diện tích, số cây, sản lượng dự kiến, ngày bắt đầu thu hoạch… 

{keywords}

Khách hàng quét mã truy xuất thông tin sản xuất vải thiều tại gia đình anh Ngô Văn Hùng, thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải (Lục Ngạn).

“Nếu trước đây, mỗi khâu chăm sóc, thành viên của HTX phải ghi chép vào sổ tay thì nay cập nhật ngay trên điện thoại thông minh. Chỉ cần quét mã, khách hàng trong, ngoài nước có thể biết được trái vải thiều được chăm sóc thế nào. Đặc biệt, thông qua app, trưởng mã biết được thành viên có ghi nhật ký đầy đủ mà không cần đến tận vườn kiểm tra”, ông Ngô Văn Liên nói.

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện toàn tỉnh có hơn 51 nghìn ha cây ăn quả, trong đó vải thiều khoảng 28,3 nghìn ha, còn lại là những cây trồng khác như: Cam, bưởi, nhãn, na, táo, ổi... Thực hiện đề án hỗ trợ phát triển bền vững cây ăn quả, năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT số hoá 129 vùng trồng, trong đó có 103 vùng trồng vải thiều, bưởi (20 vùng), nhãn (5 vùng) và một vùng vú sữa. Tại các vùng đã được số hoá, thông tin về vị trí, diện tích cũng như quy trình chăm sóc được cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT. Qua đó giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) có thể tiếp cận thông tin về sản phẩm một cách dễ dàng, cơ hội “xuất ngoại” cũng như lên sàn thương mại điện tử của sản phẩm rộng mở. 

Đề án hỗ trợ phát triển bền vững cây ăn quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 xác định, đến năm 2025 sẽ hỗ trợ cấp mới 187 mã số vùng trồng cây ăn quả. Đồng thời thực hiện số hoá 549 vùng trồng cây ăn quả tập trung.

Ghi nhận tại gia đình ông Ngô Văn Hùng, thôn Cầu Đền, thành viên HTX Nông nghiệp Thanh Hải (Lục Ngạn) cho thấy, qua thông tin trên mã mùa vụ và mã truy xuất, khách hàng biết rõ chất lượng sản phẩm. Vụ vải năm 2022, hơn 7 tấn vải thiều của gia đình ông được bán hết tại vườn với giá bình quân từ 20-40 nghìn đồng/kg (cao hơn 5-10 nghìn đồng/kg so với bán tại các điểm cân).

Nhờ có tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của HTX Na dai Nghĩa Phương (Lục Nam) cũng vào được một số cửa hàng bán lẻ hiện đại với giá bán cao hơn thị trường bên ngoài 3-4 nghìn đồng/kg; sản phẩm vú sữa Hợp Đức của HTX Sản xuất và tiêu thụ Vú sữa Hợp Đức, thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức (Tân Yên) cũng được nhiều khách hàng biết đến hơn. “Dù mới được số hoá song các thông tin về sản phẩm của HTX đã được cập nhật đầy đủ. Chuẩn bị vụ thu hoạch năm nay, có DN đến tận vườn đề nghị ký hợp đồng để đưa sản phẩm xuất khẩu song chúng tôi chưa nhận vì không đủ sản lượng theo yêu cầu”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ Vú sữa Hợp Đức nói.

Hỗ trợ nông dân làm chủ công nghệ

Xác định số hoá vùng trồng không chỉ giúp cơ quan chuyên môn thuận quản lý mà còn là bước tiến để nông sản của tỉnh tiếp cận các sàn thương mại điện tử, tăng giá trị sản phẩm, từ nay đến năm 2025, ngành Nông nghiệp tập trung cấp mã vùng trồng gắn với số hóa và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trước mắt, ngành sẽ hoàn thành cấp mã số vùng trồng đối với toàn bộ diện tích cây ăn quả có quy mô tập trung từ 10 ha trở lên; hỗ trợ, hướng dẫn hộ sản xuất cập nhật thông tin lên nhật ký điện tử. 

Mặc dù vậy, do hầu hết các chủ thể được hỗ trợ số hoá đều nhiều tuổi, trình độ công nghệ thông tin hạn chế nên việc tiếp cận, khai thác hiệu quả bản đồ số hoá vùng trồng chưa được như kỳ vọng. Để cập nhật thông tin về vườn vải thiều của gia đình, ông Ngô Văn Hùng phải nhờ con trai hỗ trợ, nhiều thời điểm cập nhật muộn hơn so với tiến độ chăm sóc. Tương tự, các thông tin về vùng sản xuất tập trung vú sữa Cửa Sông vẫn do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cập nhật thông qua việc nắm bắt từ cơ sở.

{keywords}

Nhờ có mã truy xuất nguồn gốc, sản phẩm quả na của HTX Na dai Nghĩa Phương (Lục Nam) đã vào được siêu thị Coop.mart.

Đề án hỗ trợ phát triển bền vững cây ăn quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 xác định, đến năm 2025 sẽ hỗ trợ cấp mới 187 mã số vùng trồng cây ăn quả. Đồng thời số hoá 549 vùng trồng cây ăn quả tập trung, trong đó có 262 vùng trồng vải thiều, 68 vùng trồng nhãn, 189 vùng trồng cây có múi (cam, bưởi); còn lại là vùng trồng na, táo, ổi, vú sữa. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, mỗi năm, UBND huyện Lục Ngạn cũng dành khoảng 200 triệu đồng hỗ trợ xây dựng mã mùa vụ và mã truy xuất thông tin một số vùng trồng vải thiều xuất khẩu. UBND huyện Tân Yên bố trí kinh phí để tập huấn cho các trưởng mã đã được hỗ trợ số hoá, cử cán bộ xuống từng vùng, thực hiện “cầm tay, chỉ việc” cho các hộ sản xuất nhằm khai thác tối đa lợi ích.

Là đơn vị được giao chủ trì, thời điểm này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang kiểm tra, rà soát, lựa chọn 80 vùng để số hoá, tập trung chủ yếu vào các vùng SXTT theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, số hoá vùng trồng không chỉ giúp nông dân quản lý sản xuất theo hướng hiện đại mà còn là kênh quan trọng để quảng bá sản phẩm của địa phương. Thông qua bản đồ số hoá, khách hàng có thể biết được sản lượng của từng vùng, qua đó khắc phục được tình trạng lập lờ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. 

“Để khắc phục vướng mắc tại các vùng đã được cấp, trong tháng 3 tới, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương tổ chức các lớp tập huấn, từng bước bàn giao cho các trưởng mã quản lý, cập nhật thông tin. Chỉ khi người sản xuất làm chủ được công nghệ, tự cập nhật, quản lý được thông tin về sản phẩm mình làm ra thì khi đó sản phẩm mới có thể vào được các siêu thị lớn, hướng đến xuất khẩu”, ông Tặng nói.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Áp dụng hóa đơn điện tử: Thúc đẩy chuyển đổi số, quản lý chặt nguồn thu
(BGĐT) -  Với phương châm lấy người nộp thuế (NNT) làm trung tâm phục vụ, thời gian gần đây, ngành Thuế Bắc Giang đã đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), trong đó nổi bật là triển khai, áp dụng thành công hóa đơn điện tử (HĐĐT). Việc sử dụng HĐĐT đã mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho NNT.  
Thực hiện chuyển đổi số ở Bắc Giang: Chuyển biến từ hai xã điểm
(BGĐT) - Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang triển khai mô hình điểm chuyển đổi số (CĐS) cấp xã tại hai xã Hồng Giang (Lục Ngạn) và Phúc Hoà (Tân Yên). Sau hơn một năm thực hiện, mô hình từng bước phát huy hiệu quả, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về CĐS.
Bắc Giang: Ưu tiên nguồn lực phát triển xã hội số
(BGĐT) - Công tác chuyển đổi số (CĐS) được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Bắc Giang triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực chính quyền, kinh tế, xã hội. Hiện nay, người dân đã từng bước làm quen, hòa nhập và tích cực trải nghiệm các ứng dụng, dịch vụ trên môi trường số.  
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...