Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo vệ đê sông Thương: Tăng cường tuần tra, xử nghiêm vi phạm

Cập nhật: 09:38 ngày 14/03/2023
(BGĐT) - Thời gian qua, trên tuyến đê sông Thương, đoạn qua huyện Tân Yên và Lạng Giang (Bắc Giang) có nhiều đoạn sạt lở lớn. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc khai thác cát sỏi trái phép và mở bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng vi phạm hành lang đê song chưa được xử lý triệt để. 

Hàng trăm mét bờ bãi bị sạt lở do đâu?

Theo quy định, việc quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị như: Chính quyền địa phương sở tại, các ngành như công an, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, xây dựng, giao thông… Thế nhưng gần đây, dọc tuyến đê tả Thương và hữu Thương đoạn giáp ranh giữa các huyện Tân Yên và Lạng Giang liên tục xảy ra tình trạng sạt lở bờ bãi và chân đê. 

Hiện tại có 3 đoạn sạt lở lớn, ăn vào sát chân đê, bao gồm: Đoạn sạt lở dài 135 m, thuộc địa phận thôn Phú Khê, xã Quế Nham (Tân Yên); 2 đoạn sạt lở đê bối thuộc thôn Hồng Giang, xã Dương Đức (Lạng Giang), trong đó, đoạn tại đê bối bãi Đá Đồng dài 320 m, đoạn tại đê bối Đồng Chản dài 100 m. Nếu không kịp thời tu bổ, các đoạn đê này sẽ bị nước cuốn trôi bất cứ lúc nào, hậu quả khó lường.

{keywords}

Đoạn sạt lở bãi bồi đê bối Đồng Chản, thôn Hồng Giang, xã Dương Đức.

Ngoài các đoạn sạt lở, trên địa bàn xã Hợp Đức và Quế Nham (Tân Yên) và xã Dương Đức (Lạng Giang) có 6 bến, bãi hoạt động chưa đúng quy định, gây ảnh hưởng đến an toàn đê. Trong đó, 2 trường hợp tại xã Dương Đức đã bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý, yêu cầu dừng hoạt động trong năm 2022. Bãi cát, sỏi tại xã Quế Nham của gia đình bà Nguyễn Thị Yến, thôn Đông Bến, xã Quế Nham (diện tích khoảng 1 nghìn m2) chưa được cấp phép hoạt động. Còn lại 3 bến ở xã Hợp Đức của các doanh nghiệp (DN): Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Tân Yên; Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Cường Sáu (thuê lại một phần bến của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Tân Yên); Công ty TNHH Thu Nhâm. 3 bãi này có tổng diện tích 9.300 m2, chủ bãi vi phạm do đã chất tải vào hành lang bảo vệ đê.

Theo UBND huyện Tân Yên, nhận định ban đầu nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do chênh lệch giữa bề mặt bãi bồi và mặt nước sông lớn, mực nước sông thời gian qua luôn ở mức thấp, địa chất khu vực này là đất cát pha nên khi bị sóng đánh dễ bị sạt lở. Nơi này lại cách xa khu dân cư nên các tàu thuyền hút cát trộm vào ban đêm khiến bờ bãi sạt lở.

Vi phạm chưa được xử lý triệt để

Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng hút cát trộm vẫn diễn ra trên các tuyến sông. Ông Nguyễn Văn Đ, thôn Lãn Tranh, xã Liên Chung (Tân Yên) phản ánh: “Vào khoảng 20 giờ ngày 28 Tết Quý Mão vừa qua có 3 tàu đến hút cát nên bãi bồi đê bối Đồng Chản bị lở. 1 trong 3 tàu hút cát trộm còn làm rơi máy móc xuống sông, hôm sau chủ tàu cho người đến trục vớt cả buổi sáng”.

Ông Vũ Đình Quảng, Chủ tịch UBND xã Dương Đức (Lạng Giang) cho hay: “Trong năm 2022, lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện 7 vụ hút cát trộm. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, đêm tối, không có phương tiện nên chúng tôi chỉ ném đá xua đuổi chứ không thể truy bắt được”. Tình trạng “cát tặc” hoạt động vẫn tái diễn, nhưng kết quả đấu tranh hạn chế. Năm 2022, Công an 2 huyện Tân Yên, Lạng Giang và chính quyền các địa phương mới phối hợp bắt giữ, xử lý được một trường hợp vi phạm. Gần đây nhất, ngày 9/12/2022, Công an hai huyện phối hợp bắt giữ đối tượng Đào Văn May ở thôn Đồng Than, xã Dương Đức đang hút cát trái phép trên sông Thương, qua đó tịch thu 3 m3 cát và một tàu không số.

Lý giải về việc chưa xử lý dứt điểm tình trạng hút cát trái phép trên sông Thương, thiếu tá Phạm Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an huyện Lạng Giang) thông tin: “Khúc sông qua địa bàn huyện hầu hết xa khu dân cư, nhiều đoạn có các bụi tre, cây dại mọc um tùm, khó lên xuống. Quá trình hoạt động, các đối tượng thường bố trí “chim lợn” cảnh báo, khi lực lượng chức năng đến thì chúng đã dừng hoạt động, di chuyển vào bờ nên rất khó trong việc đấu tranh, bắt giữ”.

Việc xử lý các tàu không số (tàu tự chế, không có đăng ký, đăng kiểm) là phương tiện các đối tượng “cát tặc” sử dụng trong những vụ vi phạm cũng gặp trở ngại. Theo lãnh đạo UBND xã Dương Đức, hiện trên tuyến sông Thương giáp ranh với Tân Yên chỉ còn 5 tàu hút cát, cả 5 chủ tàu đều trú tại xã Dương Đức. Đây là loại tàu xi măng, sức chứa từ 30-50 m3 cát, không có số đăng ký, đăng kiểm, không được phép lưu hành. Các tàu này chủ yếu neo đậu ở bãi, lợi dụng đêm tối lén lút hoạt động.

"Để ngặn chặn các vụ “cát tặc” trong thời gian tới,  đơn vị tiếp tục phối hợp tăng cường tuần tra, mật phục, kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp khai thác cát sỏi trái phép"- Thượng tá Ngô Quang Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông.

Đối với các bến, bãi vi phạm tại xã Hợp Đức, theo tìm hiểu sở dĩ chưa xử lý, giải tỏa được là do các DN trên đều có hợp đồng thuê đất lâu dài với UBND xã. Trong số này, có DN được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động bến thủy nội địa đến hết năm 2016, nhưng do “lỡ” đầu tư mua sắm, xây dựng nhiều hạng mục, tốn khoản kinh phí lớn nên xin địa phương cho hoạt động tiếp để thu hồi vốn. Có DN thuê đất để trồng cây hằng năm nhưng tự ý chuyển mục đích sang tập kết và buôn bán vật liệu xây dựng (?!).

Riêng việc để bãi vật liệu xây dựng của hộ bà Nguyễn Thị Yến ở thôn Đông Bến, xã Quế Nham không được cấp phép mở bến bãi nhưng vẫn hoạt động trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền sở tại. Một bãi cát rộng hàng nghìn m2, ngang nhiên kinh doanh cát, sỏi song không bị phát hiện, xử lý trong thời gian dài. Chỉ đến ngày 6/3 vừa qua, trước tình trạng sạt lở trên các tuyến đê, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Tổ công tác liên ngành của huyện Tân Yên mới kiểm tra, phát hiện toàn bộ số 660 m3 cát gia đình bà Yến đang bán không rõ nguồn gốc; hộ không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng UBND xã Quế Nham, cơ quan chức năng huyện Tân Yên làm ngơ trước vi phạm này?

Xác định rõ trách nhiệm

Trước tình trạng sạt lở trên các tuyến đê kể trên, đầu tháng 3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị, địa phương liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác cát trái phép theo quy định của pháp luật. Thực hiện chỉ đạo này, UBND huyện Tân Yên đã thành lập tổ công tác; ban hành kế hoạch xử lý các bến, bãi, công trình nhà dân vi phạm hành lang đê. Mục tiêu là tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm trong năm 2023, kiên quyết không để tồn tại và phát sinh vi phạm mới. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), Công an các huyện: Tân Yên, Lạng Giang và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, rà soát lại các điểm vi phạm để tập trung các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các hành vi khai thác khoáng sản trái phép; xâm lấn hành lang đê sông Thương.

Thượng tá Ngô Quang Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết: “Để ngăn chặn các vụ “cát tặc” trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp tăng cường tuần tra, mật phục, kịp thời xử lý các trường hợp khai thác cát sỏi trái phép. Thường xuyên rà soát, quản lý các đối tượng nghi vấn tham gia hút cát, yêu cầu ký cam kết không vi phạm. Ngoài ra, Phòng tham mưu rà soát những khó khăn, tồn tại trong xử lý tàu không số để có hướng giải quyết phù hợp”.

Tình trạng vi phạm bến bãi, hút cát trái phép trên sông Thương diễn ra từ nhiều năm nay. Trách nhiệm, vai trò của từng cơ quan, đơn vị về việc này đã cụ thể. Vì thế, bên cạnh ngăn chặn cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan trong quản lý hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông và kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng.

Nhóm PVKT

Tập trung triển khai xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai năm 2023
(BGĐT)) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai xây dựng kế hoạch và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai năm 2023.
UBND huyện Yên Dũng giao UBND xã Yên Lư khắc phục sự cố nứt đê tả Cầu Ba Tổng
(BGĐT) - Liên quan đến việc đê tả Cầu Ba Tổng đoạn qua xã Yên Lư bị nứt, chiều 14/2, ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho biết, huyện đã phối hợp với cơ quan chuyên môn làm rõ nguyên nhân, đưa ra hướng xử lý.
Yên Dũng: Khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây nứt mặt đê tả Cầu Ba Tổng
(BGĐT) - Liên quan đến việc đê tả Cầu Ba Tổng đoạn qua xã Yên Lư (Yên Dũng) bị nứt, ngày 9/2, ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho biết, huyện đang tổng hợp báo cáo của các ngành, địa phương để làm rõ nguyên nhân, tìm hướng xử lý.

 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...