Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tránh rủi ro khi mua bảo hiểm nhân thọ

Cập nhật: 08:48 ngày 23/05/2023
(BGĐT) - Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) là sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nhằm bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng. Tuy nhiên, hiện rất nhiều người mua BHNT gần như mất trắng số tiền đóng bảo hiểm bởi không tìm hiểu kỹ nội dung hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) và mục đích mua bảo hiểm của mình.

Khách hàng kết thúc hợp đồng sớm

Trên thực tế, khi tham gia BHNT, không phải ai cũng tìm hiểu và đọc các điều khoản trong HĐBH. Đôi khi, người mua BHNT chỉ vì “nể” người bán, hoặc bị tư vấn viên (tư vấn tài chính) bảo hiểm tư vấn không đúng với các điều khoản, nội dung trong HĐBH, dẫn đến nhiều trường hợp phải chấm dứt hợp đồng giữa chừng, gây thua thiệt cho các bên, nhất là người mua bảo hiểm.

{keywords}

Khách đến giao dịch tại Văn phòng đại diện Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) trên đường Hùng Vương (TP Bắc Giang).

Đơn cử như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hạnh (tên nhân vật được thay đổi), trú tại đường Hồ Công Dự, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang). Ngày 25/3/2020, chị Hạnh mua 1 gói BHNT của Công ty TNHH Manulife (Việt Nam), với sản phẩm cơ bản là “Manulife - Cuộc sống tươi đẹp ưu việt”, thời hạn 15 năm. Phí đóng bảo hiểm định kỳ hơn 20 triệu đồng/năm. Thời gian đáo hạn hợp đồng vào ngày 25/3/2076. Sau 3 năm tham gia BHNT, ngày 5/5/2023, chị Hạnh đã chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Manulife (Việt Nam). 

“Tôi đã đóng phí hơn 63 triệu đồng, sau 3 năm, rút “non” còn hơn 5,6 triệu đồng. Vì hỗ trợ người bạn nên tôi mua gói bảo hiểm này mà không đọc nội dung hợp đồng”, chị Hạnh nói. Chị Hạnh cho rằng, mình chấm dứt hợp đồng giữa chừng là do sau thời hạn 15 năm đóng phí bảo hiểm, chị chỉ được lấy lại một phần giá trị hoàn lại của hợp đồng, phải đến năm 2076 (thời điểm đáo hạn hợp đồng) chị mới được nhận hết giá trị hoàn lại nên chị không thể chờ đợi.

Ngoài ra, một số người mua bảo hiểm khi ốm đau đã bị BHNT từ chối thanh toán vì trong hợp đồng không có. Điều này khiến người mua BHNT bức xúc và tẩy chay, kết thúc sớm HĐBH. Được biết, hiện có một số đồng nghiệp của chị Hạnh, vì nể người quen “gạ” mua BHNT nên cũng tham gia. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ việc “lùm xùm” giữa diễn viên Ngọc Lan với Công ty TNHH Manulife hồi tháng 4 vừa qua, những người này mới giật mình, tìm hiểu lại quyền lợi trong HĐBH, dẫn tới hiểu lầm và kết thúc các HĐBH sớm.

Trao đổi về trường hợp của chị Hạnh, chị Đỗ Diệp Q, nguyên là tư vấn viên của Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) cho hay, vì không đọc nên chị Hạnh đã không hiểu nội dung hợp đồng. Trong hợp đồng đã thể hiện rõ toàn bộ nội dung của gói BHNT “Manulife - Cuộc sống tươi đẹp ưu việt”, như phí bảo hiểm dự kiến được phân bổ vào, lãi suất bảo đảm, lãi suất minh họa… từ khi người tham gia bảo hiểm ký hợp đồng đến năm 99 tuổi (2076). 

Hết thời hạn (15 năm) đóng phí bảo hiểm, chị Hạnh muốn kết thúc hợp đồng bất cứ khi nào cũng được. Sau khi hết hạn nộp phí bảo hiểm, nếu chị Hạnh không cần rút tiền ngay mà muốn gửi lại để nhận lãi thì Công ty TNHH BHNT Manulife sẽ bảo vệ đến khi đáo hạn hợp đồng bảo hiểm (25/3/2076). Chị Hạnh bỏ ngang trong 5 năm đầu thì số tiền trừ các khoản rất cao, coi như về 0. Nếu tham gia đóng 10 năm mới rút thì giá trị hoàn lại còn được gần như số tiền người mua đã đóng, sau khi trừ phí theo quy định.

Tìm hiểu kỹ trước khi tham gia BHNT

Theo nguồn tin từ một số văn phòng đại diện, DN BHNT đóng trên địa bàn TP Bắc Giang, được biết, không chỉ trường hợp của chị Hạnh và đồng nghiệp cùng cơ quan chị, mà tỷ lệ người mua BHNT tất toán hợp đồng trước hạn khá cao, khoảng 10%.

{keywords}
Các tư vấn viên khi chia sẻ thông tin và lợi ích của BHNT cần tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tư vấn đúng nội dung các điều khoản trong hợp đồng”.

Bà Trịnh Thị Tới, Giám đốc điều hành kinh doanh Chi nhánh Công ty TNHH BHNT ChuBB (Việt Nam) tại Bắc Giang.

Có một điểm chung là hầu hết những người tham gia BHNT kết thúc hợp đồng sớm đều mua BHNT của người quen (là những tư vấn viên, cộng tác với các DN bảo hiểm) nên không đọc hoặc không tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi ký. Hợp đồng BHNT thường dài từ vài chục đến hàng trăm trang, rất nhiều thuật ngữ, nên nhiều người ngại đọc, không đọc kỹ mà chỉ nghe tư vấn, do đó thường ký đại vào hợp đồng. Nhiều khách hàng nhầm tưởng BHNT là sản phẩm tiết kiệm đầu tư sinh lãi cao.

Bên cạnh đó, vì các DN BHNT chi trả hoa hồng cao nên không ít nhân viên tư vấn bảo hiểm đã tư vấn sai bản chất hợp đồng. Chỉ đưa những điểm ưu việt để mong khách hàng ký hợp đồng, dẫn đến tình trạng nhiều khách hàng bị “đứt gánh giữa đường”, không đủ khả năng tài chính để duy trì. Chị Tôn Thiện Q, đường Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) chia sẻ, mẹ chị cũng mua 1 sản phẩm BHNT nhưng bị tư vấn sai hoàn toàn với nội dung hợp đồng, giờ phải ngậm ngùi mất trắng 50 triệu đồng vì không tham gia nữa.

Theo quy định của pháp luật, đại lý làm sai thì công ty bảo hiểm chịu, song khi xảy ra tranh chấp, khách hàng khó có thể chứng minh được mình đã bị tư vấn sai lệch, mập mờ. Dù vậy, việc quản lý đại lý, chi nhánh, văn phòng đại diện, tư vấn viên các công ty BHNT trên địa bàn tỉnh vẫn bị bỏ ngỏ. Đại diện Phòng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính cho biết, nguyên nhân là do các DN BHNT được Bộ Tài chính trực tiếp quản lý. Bộ này cấp phép hoạt động cho chi nhánh của các công ty BHNT xuống tận tuyến tỉnh.

Việc tham gia BHNT là hoàn toàn tự nguyện, vì thế, bà Trịnh Thị Tới, Giám đốc điều hành kinh doanh Chi nhánh Công ty TNHH BHNT ChuBB (Việt Nam) tại Bắc Giang cho rằng, người tham gia phải tự biết mục đích mua BHNT của mình. Sản phẩm BHNT mình định mua là gì (chủ yếu về bảo vệ sức khỏe, tiết kiệm hay đầu tư). Trước khi ký phải đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Chỗ nào không hiểu phải hỏi tư vấn viên bảo hiểm để làm rõ, hoặc mang hợp đồng đến đại lý hay chi nhánh của đơn vị bán BHNT để được giải đáp. 

Người mua phải bảo đảm nguồn tài chính để nộp phí bảo hiểm trong thời hạn tham gia. Khi có tranh chấp xảy ra phải bình tĩnh phối hợp cùng nhau giải quyết, tránh gây thiệt hại. “Các tư vấn viên khi chia sẻ thông tin và lợi ích của BHNT cần tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tư vấn đúng nội dung các điều khoản trong hợp đồng”, bà Tới nói.

Loại hình BHNT đã tồn tại trên thế giới hàng trăm năm qua nhờ có nhiều tính ưu việt, như: Sản phẩm tiết kiệm, sản phẩm chủ yếu để bảo hiểm, sản phẩm chủ yếu dành cho khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe… 

Các sản phẩm BHNT đều được cấp có thẩm quyền của bộ, ngành chức năng phê duyệt. Để tránh rủi ro, được bảo hiểm thanh toán khi xảy ra ốm đau, bệnh tật hoặc sự cố khác, người mua cần được tư vấn và lựa chọn sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, DN bảo hiểm cũng có trách nhiệm kiểm soát đại lý tư vấn, không thể để đại lý bảo hiểm tự ý tư vấn để ăn hoa hồng, không màng đến thiệt hại của khách hàng. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền và ngành chức năng cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động BHNT trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm nếu có.

Bài, ảnh: Bảo Lâm

Từ ngày 1/7, thay đổi mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình
Từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1.800.000 đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, mức đóng và chế độ BHYT cũng được điều chỉnh phù hợp với quy định mới.
Dự kiến không giảm 2% VAT cho bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng
Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% nhưng trừ nhóm hàng viễn thông, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng.
Bệnh viện có thể quyết định mua thuốc không thuộc bảo hiểm y tế
Bệnh viện có thể tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu khi mua thuốc không thuộc danh mục thanh toán bảo hiểm y tế.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong “Tháng cao điểm”
(BGĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trong “Tháng cao điểm”.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...