Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng điện khu công nghiệp

Cập nhật: 09:53 ngày 02/06/2023
(BGĐT) - Hạ tầng lưới điện là một trong những yếu tố quan trọng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển KT-XH. Công ty Điện lực Bắc Giang (PCBG) đang nỗ lực hoàn thành các dự án xây dựng hạ tầng lưới điện tại các khu công nghiệp (KCN), đặc biệt là KCN Việt Hàn (Việt Yên) và Tân Hưng (Lạng Giang). 

Khẩn trương thi công

Dù tiết trời nắng nóng nhưng hàng chục công nhân trên công trường xây dựng trạm biến áp (TBA) 110 kV Việt Hàn và nhánh rẽ, KCN Việt Hàn vẫn khẩn trương làm việc. Nhiều hạng mục như: Nhà điều khiển, bể chứa nước cứu hỏa, trụ móng, cột điện đã hình thành. Công trình do Tổng công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư, khởi công vào ngày 21/2/2023. Quy mô dự án gồm: Xây dựng mới đường dây 110 kV mạch kép; xây dựng mới TBA 110/22kV; trang bị hệ thống thu thập, đo đếm, giám sát và điều khiển từ xa, cùng nhiều hạng mục theo thiết kế khác. Tổng mức đầu tư hơn 77,5 tỷ đồng.

{keywords}

Thi công trụ móng cột điện TBA 110 kV Việt Hàn và nhánh rẽ, KCN Việt Hàn (Việt Yên).

Ông Ngô Trung Phú, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án điện 4, đại diện Ban Quản lý dự án lưới điện cho biết, về xây dựng đường dây 110 kV và 22 kV (gồm 2 vị trí cột), hiện đã thi công xong phần đào đúc móng cột, cung cấp cột và sứ phụ kiện đến chân công trình. Nhà thầu đã dựng xong cột 110 kV và 22 kV. Tại TBA 110 kV, công nhân đã bóc xong lớp thực vật, đang san và lu đất nền trạm đến cốt thiết kế (khối lượng đạt 95%). Ngoài ra, đơn vị thi công đã hoàn thành các hạng mục lưới tiếp địa lớp 1; đổ bê tông tường chắn và trụ tường rào trạm. Đã thi công xong bể dầu sự cố và bể nước cứu hỏa và móng MBA 110kV. 

“Sau khởi công, chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp đất san nền TBA. Bởi đa phần các nguồn cung cấp đất san nền tại Bắc Giang là dạng đá, không bảo đảm yêu cầu thiết kế. Đầu tháng 5 vừa rồi chúng tôi đã tìm được nguồn đất san lấp mặt bằng bảo đảm yêu cầu. Hiện chúng tôi đang khẩn trương thi công các hạng mục, dự kiến đóng điện vào tháng 7/2023 tới”, ông Phú cho hay.

Đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, hiện KCN Việt Hàn đã có 4 doanh nghiệp (DN) thứ cấp đầu tư, tổng vốn đăng ký 205,5 triệu USD và 59,98 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH JA Solar đang xây dựng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và vận hành thử vào đầu quý III tới. Do đó, việc sớm hoàn thành hạ tầng lưới điện cho KCN có ý nghĩa rất quan trọng, kịp thời phục vụ sản xuất, tránh lãng phí đầu tư.

Tại hội nghị khách hàng (trực tuyến) do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tổ chức hồi đầu tháng 4 vừa qua, nhiều DN đánh giá, các dự án đầu tư phát triển lưới điện cung cấp cho các KCN của Công ty Điện lực miền Bắc, bao gồm cả PCBG sau khi đi vào hoạt động đều phát huy hiệu quả, ổn định, an toàn. 

Hiện các KCN đều được cấp điện từ các trạm 110 kV và hệ thống đường dây trung áp. Hạ tầng hệ thống điện cơ bản được đầu tư đồng bộ đến tận hàng rào các KCN, sẵn sàng cung cấp điện ngay khi DN có nhu cầu, góp phần tích cực thu hút đầu tư. Minh chứng tại Bắc Giang, 5 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh thu hút được 27 dự án đầu tư (gồm 6 dự án trong nước và 21 dự án vốn đầu tư nước ngoài). Tổng vốn đăng ký hơn 1,03 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Phát triển công nghiệp phải xây dựng hạ tầng điện

Hiện trên địa bàn tỉnh có 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, có 4 KCN đã thu hút đầu tư lấp đầy 100% (KCN Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê - Nội Hoàng). KCN Hòa Phú tỷ lệ lấp đầy đạt 95%, KCN Việt Hàn đạt hơn 74% diện tích đất công nghiệp. KCN Tân Hưng và Yên Lư (Yên Dũng) đã có một số nhà đầu tư thứ cấp thuê đất thực hiện dự án.

Cùng với KCN Việt Hàn, hiện tại, KCN Yên Lư đang được chủ đầu tư KCN này là Công ty cổ phần Bất động sản Capella đầu tư xây dựng TBA 110 kV phục vụ sản xuất. Chỉ còn KCN Tân Hưng chưa xây dựng hạ tầng điện sản xuất. Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lideco 1 (gọi tắt là Công ty Lideco 1), chủ đầu tư KCN Tân Hưng nhận định, nếu chậm xây dựng hạ tầng điện cho KCN Tân Hưng sẽ khiến các nhà đầu tư thứ cấp chậm tiến độ thực hiện dự án.

Theo PCBG, năm 2022, sản lượng điện thương phẩm của PCBG đạt hơn 5.338,5 triệu kWh. Trong đó, điện cho sản xuất công nghiệp chiếm tỷ lệ 65%. Phấn đấu năm 2023, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt hơn 5.880,9 triệu kWh.

Được biết, Luật Điện lực không quy định ngành điện hay chủ đầu tư các KCN (trong trường hợp này là KCN Tân Hưng) phải đầu tư xây dựng TBA 110 kV, mà để tự 2 bên thỏa thuận. Vì chưa thống nhất được các nội dung nên hạ tầng điện tại KCN Tân Hưng có nguy cơ chậm tiến độ so với thời gian thực hiện dự án của các nhà đầu tư thứ cấp, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư tại KCN này. Hiện nay, PCBG phối hợp với Công ty cổ phần Lideco 1 tìm giải pháp tháo gỡ.

Ông Vũ Hoàng Hải, Phó Giám đốc PCBG thông tin, theo đăng ký của Công ty Lideco 1, tổng nhu cầu công suất của KCN Tân Hưng là 78 MW, trong đó nhu cầu năm 2023 khoảng 18 MW. Theo quy hoạch, KCN Tân Hưng sẽ được cấp điện từ trạm 110 kV Tân Hưng với quy mô 2x63 MVA. Để bảo đảm cấp điện ổn định cho KCN Tân Hưng, ngày 25/5 vừa qua, Công ty Lideco 1 đã đồng ý đầu tư xây dựng trạm 110 kV Tân Hưng để cấp điện cho các phụ tải trong KCN này. Trong thời gian triển khai xây dựng TBA 110 kV Tân Hưng, KCN sẽ được cấp điện tạm thời từ đường dây 35 kV sau trạm 110 kV Lạng Giang đi qua khu vực gần KCN Tân Hưng. Công ty Lideco 1 đã thuê tư vấn thiết kế. Dự kiến, TBA 110 kV Tân Hưng sẽ khởi công trong tháng 8/2023 và hoàn thành vào đầu năm 2024.

Có thể thấy, đóng góp của ngành điện đã giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp của tỉnh phát triển. Do vậy, phát triển công nghiệp phải gắn liền với hạ tầng điện .

Bài, ảnh: Thế Đại

11 lần tăng giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam
Từ năm 2009, Việt Nam đã trải qua 11 lần tăng giá điện bán lẻ bình quân. Sản lượng điện thương phẩm cũng tăng gấp đôi trong 10 năm. Trung bình, mỗi gia đình Việt Nam sẽ phải dành hơn 8% lương của một người để trả tiền điện hằng tháng trong khi con số này ở Singapore chưa tới 1%.
Bắc Giang: Nỗ lực bảo đảm cung cấp điện mùa nắng nóng
(BGĐT) - Nắng nóng gay gắt đang diễn ra khiến hệ thống điện quốc gia nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng đối mặt với nhiều áp lực trong vận hành, cung ứng điện. Nhận thức rõ trách nhiệm, Công ty Điện lực Bắc Giang (PCBG) đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, hạn chế thấp nhất tình trạng gián đoạn cung cấp điện.
Bắc Giang: Đầu tư hạ tầng điện phục vụ phát triển công nghiệp
(BGĐT) - Nghị quyết 147 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang 2021-2030 nêu rõ, đến năm 2030, Bắc Giang phấn đấu trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong trung tâm công nghiệp của vùng. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh huy động nguồn lực, tạo quỹ đất, việc bảo đảm hạ tầng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Hạ tầng đi trước
(BGĐT) - Hàng loạt công trình giao thông, đô thị, nhà ở xã hội... được huyện đầu tư, xây dựng đã tạo diện mạo mới, đồng bộ hạ tầng. Qua đó, mở ra không gian phát triển mới, từng bước đưa Việt Yên hoàn thành tiêu chí thị xã.  
Xây dựng TP Bắc Giang xanh - thông minh: Nâng cấp hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số
(BGĐT) - Xây dựng TP Bắc Giang theo hướng đô thị xanh - thông minh là mục tiêu then chốt được cấp ủy, chính quyền TP đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Với sự tập trung cao trong công tác chỉ đạo, điều hành, diện mạo đô thị đã có nhiều chuyển biến; chất lượng cuộc sống của người dân nâng lên. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...