Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế / Hội chợ trái cây Lục Ngạn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tăng giá trị cho cây ăn quả có múi: Đột phá từ sản xuất sạch

Cập nhật: 08:07 ngày 16/11/2018
(BGĐT)- Cùng với sản xuất vải thiều, người dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) còn chú trọng đầu tư cho cây ăn quả có múi, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Doanh thu tăng

Về Lục Ngạn những ngày này, người dân khắp nơi đang tất bật thu hoạch bưởi da xanh, cam Vinh, cam xoàn không hạt... Vừa nhanh tay hái những quả cam vàng rộm, căng tròn, mỏng vỏ để giao cho thương lái, bà Giáp Thị Đệ, thôn Kép I, xã Hồng Giang vừa kể, cách đây 5 năm, nhận thấy trồng cam Vinh, bưởi Diễn mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà đã mạnh dạn trồng hơn 1 mẫu. Trong quá trình chăm sóc, bà luôn sử dụng nước giếng sạch tưới cho cây, bón cân đối các loại phân. Đặc biệt, bà chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đúng liều lượng, thời gian, chủng loại và bảo đảm cách ly. Bởi vậy, cam, bưởi sai quả, rất ngọt. Năm ngoái, bà thu hơn 10 tấn, trị giá hơn 300 triệu đồng; dự kiến năm nay sản lượng tăng lên 13 tấn, doanh thu gần 400 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 250-300 triệu đồng.

{keywords}

Gia đình anh Nguyễn Văn Hữu, thôn Sẻ Cũ, xã Thanh Hải thu hoạch bưởi da xanh.

Tương tự, tại xã Thanh Hải, năm 2010 gia đình anh Nguyễn Duy Tuấn, thôn Kim Thạch cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế thấp sang trồng 3 ha bưởi da xanh. Để cây cho quả bảo đảm chất lượng, anh bổ sung phân hữu cơ, thậm chí định kỳ tưới cho cây bằng đậu tương, bột cá ngâm ủ. Điều đặc biệt là anh luôn hạn chế sử dụng thuốc hóa học để phòng, trị bệnh cho cây có múi. “Mỗi khi cây chớm sâu bệnh, tôi thường dùng thuốc thảo mộc gồm tỏi ớt, thuốc lá, thuốc lào trộn lẫn để phun. Vào mùa mưa, tôi mua cóc về thả trong vườn để diệt côn trùng hại cây”, anh Tuấn chia sẻ. Do đó, nhiều năm nay, bưởi da xanh nhà anh mẫu quả đẹp, bảo đảm an toàn, khách hàng về tận vườn thu mua với giá cao. Năm ngoái, anh bán 70 tấn quả, thu về hơn 3 tỷ đồng. Năm nay, dự kiến gia đình thu 75 tấn quả, trị giá khoảng 3,2 tỷ đồng.

Theo ông Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, không chỉ ở Thanh Hải, Hồng Giang, hiện nay các hộ dân ở xã Tân Mộc, Tân Quang, Phượng Sơn, Nghĩa Hồ… cũng tích cực mở rộng diện tích, áp dụng quy trình VietGAP chăm sóc cây ăn quả. Được biết, toàn huyện hiện có 6 nghìn ha cam và bưởi các loại, vượt so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra đến năm 2020. Sản lượng quả năm ngoái đạt 40 nghìn tấn; năm nay ước đạt 50 nghìn tấn, doanh thu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm trước.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Xác định cây có múi là một trong 5 loại cây chủ lực của tỉnh cần tập trung phát triển nên những năm qua Lục Ngạn đã quy hoạch vùng trồng loại cây này. Huyện tập trung mở rộng vùng trồng cam, bưởi ở các xã có nhiều diện tích đồi cao, đất đai màu mỡ như: Hồng Giang, Tân Quang, Tân Mộc, Quý Sơn, Trù Hựu, Nam Dương, Giáp Sơn, Tân Lập và thị trấn Chũ… Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện nói: “Để tránh tình trạng tăng trưởng “nóng”, phá vỡ quy hoạch, dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến cáo những hộ dân từ nay đến năm 2020 duy trì diện tích cây có múi toàn huyện khoảng 7 nghìn ha. Bên cạnh đó, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng quả, xây dựng thương hiệu, hướng tới xuất khẩu nhằm tăng giá trị sản phẩm”. Phấn đấu đạt mục tiêu này, mỗi năm huyện đã dành hơn 1 tỷ đồng từ nguồn sách hỗ trợ cho các hộ 30% kinh phí mua cây giống; khuyến khích các hộ trồng giống cam không hạt như cam xoàn theo quy trình an toàn.

Huyện Lục Ngạn đang hỗ trợ xã Tân Mộc thực hiện dự án ứng dụng công nghệ cao chăm sóc cây ăn quả có múi thành vùng tập trung, diện tích gần 320 ha. Dự án thực hiện từ năm 2018-2021, tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng.

Đi liền với các giải pháp trên, hằng năm, huyện phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, Viện Cây ăn quả tổ chức tập huấn quy trình VietGAP cho các chủ vườn trên địa bàn. Tập trung hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc sinh học phòng, trừ sâu bệnh cho cây; tăng cường bón phân hữu cơ thay phân bón vô cơ, bảo đảm sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường, chống độc cho đất.

Điểm mới đáng quan tâm là huyện đang hỗ trợ xã Tân Mộc thực hiện dự án ứng dụng công nghệ cao chăm sóc cây ăn quả có múi thành vùng tập trung với diện tích gần 320 ha. Dự án thực hiện từ năm 2018-2021 với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 5,5 tỷ đồng, còn lại là người dân đối ứng. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tự động tưới nước tiết kiệm, lắp đặt camera giám sát và ứng dụng phần mềm ghi chép quy trình sản xuất VietGAP để thuận tiện cho việc gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn diễn ra từ ngày 24 đến 29-11
(BGĐT) - Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn diễn ra từ ngày 24 đến hết ngày 29-11. Địa điểm tổ chức tại Khu quảng trường trung tâm, thị trấn Chũ (Lục Ngạn). 
 
Cam, bưởi Lục Ngạn tiêu thụ thuận lợi
(BGĐT) - Mấy ngày gần đây, thông tin giá cam tại một số địa phương trong nước giảm sâu, trong đó có cam Cao Phong (Hòa Bình) bán ở mức 20 nghìn đồng/kg, khó tiêu thụ ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu thụ cam, bưởi tại Bắc Giang. 
 

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...