Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

zzz-Nhộn nhịp mùa vải thiều-20199
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Big C góp sức cho vải thiều vươn xa

Cập nhật: 15:43 ngày 22/06/2018
(BGĐT) - Vừa qua, Tập đoàn Central Group Việt Nam đã đẩy mạnh đưa vải thiều Bắc Giang vào Hệ thống Siêu thị BigC trong và ngoài nước, nhằm quảng bá, nâng cao giá trị kinh tế từ sản phẩm chủ lực của tỉnh. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Bắc Giang đã có cuộc trao đổi với bà Lê Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành- Quan hệ đối ngoại và truyền thông của Tập đoàn.
{keywords}

Vải thiều Lục Ngạn bày bán tại BigC Thăng Long (Hà Nội).

Được biết, giá bán vải thiều Bắc Giang trong Hệ thống Siêu thị BigC ở Thủ đô Hà Nội hiện khá cao, từ 29- 39 nghìn đồng/kg. Xin bà cho biết, Tập đoàn Central Group Việt Nam đã có cam kết như thế nào để tiêu thụ vải thiều vừa tốt cho người tiêu dùng, vừa tốt cho người sản xuất?

Trước hết có thể nói, sản lượng và chất lượng vải thiều Bắc Giang năm nay được đánh giá là tốt nhất từ trước đến nay, nhất là đối với vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Để bảo đảm giá trị quả vải, theo tôi, các cơ quan ban ngành, nhất là Sở Công Thương Bắc Giang, Hà Nội và Bộ Công Thương cần phối hợp với các chủ hệ thống bán lẻ có quy mô lớn, cùng tham gia định hướng thị trường, trong đó trọng tâm vào giá trị chính hiệu của vải thiều Bắc Giang.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng những chương trình truyền thông, quảng bá thương hiệu vải thiều Bắc Giang mang tính kích cầu người tiêu dùng. Từ đó, giúp người tiêu dùng thấy hợp lý, chấp nhận được với mức giá cao trên cơ sở chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Đây cũng là mục đích của chúng tôi, không để các thương lái trong nước và các khâu trung gian nước ngoài dựa vào giá bán lẻ ở thị trường Việt Nam để ép giá thu mua, gây thiệt thòi cho bà con nông dân. Điều này nhằm tạo ra giá trị thương hiệu, giá trị kinh tế một cách bền vững cho vải thiều Bắc Giang.

Vậy đối với người tiêu dùng ở các TP lớn trong cả nước, Hệ thống Siêu thị BigC Việt Nam sẽ có những động thái gì, thưa bà?

Hệ thống Siêu thị BigC của Tập đoàn Central Group Việt Nam hiện có 35 siêu thị ở hơn 20 tỉnh, TP trên toàn quốc. Chúng tôi đã có kế hoạch thu mua và tiêu thụ sản lượng vải thiều ở thị trường trong nước tăng gấp đôi năm ngoái để đưa vào toàn bộ Hệ thống trong cả nước, tuy nhiên sẽ tập trung ở khu vực miền Bắc và miền Trung.

Song song với đó, ngay trong Hệ thống Siêu thị BigC, chúng tôi cũng chọn những vị trí đẹp nhất, trung tâm nhất để trưng bày, quảng bá vải thiều Bắc Giang, với nhiều hình thức vừa bó thành túm, vừa không cuống đưa vào túi lưới, có tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, năm nay, chúng tôi còn tạo ra nhiều sản phẩm thức ăn, nước uống từ quả vải, để người tiêu dùng cùng thưởng thức.

{keywords}

Bà Lê Mai Linh giới thiệu sản phẩm tại Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn- Bắc Giang tại Hà Nội năm 2018.

Được biết, Thái Lan cũng là quốc gia trồng vải và xuất khẩu vải thiều đi nhiều nước trên thế giới. Vì sao Tập đoàn Central Group Việt Nam lại đưa vải thiều Bắc Giang sang thị trường này?

Năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp chúng tôi xuất khẩu vải thiều Bắc Giang vào thị trường Thái Lan và dự kiến sản lượng sẽ tăng gấp ba lần so với năm 2017, khoảng 6 tấn quả. Mặc dù Thái Lan cũng có vải thiều, song ngay từ ngày đầu thành lập, Tập đoàn chúng tôi đã có cam kết đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống người Việt. Vì thế, việc đưa thương hiệu vải thiều Bắc Giang ra nước ngoài, giới thiệu, quảng bá cho người tiêu dùng biết đến cũng là một phần thể hiện cam kết trên.

Chúng tôi cũng tin tưởng vào thế mạnh vải thiều Bắc Giang, nhất là vải thiều Lục Ngạn có những đặc trưng riêng, như vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày, độ ngọt thanh. Đây sẽ tạo ra sự khác biệt với vải thiều ở thị trường Thái Lan.

Thực tế, năm đầu tiên, người tiêu dùng Thái Lan đón nhận vải thiều Bắc Giang theo kiểu hiếu kỳ và họ muốn thử xem như thế nào. Qua khảo sát thực tế cho thấy, năm nay, họ đã bắt đầu có hứng thú đón nhận. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với quả vải thiều Bắc Giang.

Để vải thiều Bắc Giang thâm nhập vào thị trường Thái Lan một cách bền vững, theo bà về phía tỉnh Bắc Giang cần có những biện pháp gì?

Không chỉ ở thị trường Thái Lan mà các thị trường khác, để vải thiều Bắc Giang có chỗ đứng bền vững, thứ nhất, nên trung thành với những yếu tố đặc trưng của mình, nó gắn với tính lịch sử, vị trí địa lý- đó là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Không nên bị sao nhãng và bị cuốn hút bởi những yếu tố nào khác.

Đặc trưng cốt lõi của vải thiều Bắc Giang là tính chất xoay quanh quả vải, như vỏ, cùi, những yếu tố có lợi cho sức khỏe... Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng cần quan tâm đến ứng dụng công nghệ tiên tiến vào tất cả các quy trình sản xuất từ trồng trọt, chăm sóc, thu hái, bảo quản và chế biến vải thiều, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng, đó là công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm vải thiều. Các cấp chính quyền, ngành chức năng, người dân cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với các hệ thống phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước, từ đó nắm bắt kịp thời thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng về sản phẩm của mình. Tôi nghĩ, nếu chúng ta làm tốt việc kết nối cung cầu, kết nối các thành phần trong chuỗi cung ứng sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của vải thiều Bắc Giang.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nam Bình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...