Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế / Nông nghiệp an toàn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dự án phát triển sản xuất nông nghiệp tại Hiệp Hòa: Giúp nông dân tăng thu nhập

Cập nhật: 13:41 ngày 11/11/2016
(BGĐT) - Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 được triển khai tại các xã an toàn khu (ATK) của huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã giúp hàng nghìn hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với biện pháp kỹ thuật mới, thuận lợi trong sản xuất; đồng thời giúp nhiều xã hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

{keywords}

Vùng sản xuất rau cần VietGAP tại xã Hoàng Lương.

Cấp giống, trang bị kỹ thuật

Gia đình bà Nguyễn Thị Đua là hộ nghèo ở thôn Mai Phong, xã Mai Trung. Với 5 nhân khẩu, thu nhập của cả nhà chỉ trông vào 4 sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Qua bình xét của thôn, đầu năm 2014, gia đình bà đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ từ dự án phát triển sản xuất (PTSX) của Chương trình 135. Theo đó, bà được cấp một con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng. 

Bà Đua chia sẻ: “Trong nhà chẳng có tài sản nào đáng giá. Vì thế, nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước, không biết đến bao giờ tôi mua nổi vật nuôi này”. Không phụ công người, bò lớn nhanh và năm sau sinh được một con bê khỏe mạnh. Bê vừa xuất chuồng trị giá hơn 10 triệu đồng giúp bà Đua có điều kiện sửa nhà và trang trải cuộc sống. 

Tương tự, bà Lê Thị Chừng (65 tuổi), thôn Đầu Cầu, xã Hoàng Thanh là người già neo đơn được cấp một con lợn nái. Bà Chừng đã xuất bán một lứa lợn giống 8 con, thu về gần 8 triệu đồng. 

Đây chỉ là hai trong hơn 400 hộ được hỗ trợ giống vật nuôi từ dự án PTSX thuộc Chương trình 135. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn của huyện còn hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật cho nông dân nhằm giảm chi phí đầu vào cho hơn 1 nghìn hộ. 

Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện (đơn vị chủ trì dự án), trong hai năm 2014, 2015, dự án hỗ trợ PTSX được thực hiện tại 16 xã với tổng kinh phí hơn 8,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư. Các xã được hưởng dự án gồm: Hương Lâm, Xuân Cẩm, Mai Trung, Hoàng Thanh, Hoàng Vân, Hoàng An, Đồng Tân, Mai Đình, Hợp Thịnh, Thái Sơn, Quang Minh, Hòa Sơn, Hùng Sơn, Thanh Vân, Đại Thành, Hoàng Lương.

Bám sát nhu cầu, quản lý chặt nguồn vốn

Căn cứ định hướng phát triển nông nghiệp của các địa bàn, nguồn vốn, UBND huyện phân bổ chi tiết kinh phí cho từng mô hình. Theo đó, mỗi xã được cấp 240-300 triệu đồng/năm để hỗ trợ bò, lợn sinh sản; cây trồng mới; thuốc bảo vệ thực vật an toàn sinh học cho bà con. Nhờ đó, nhiều nơi đã hình thành cánh đồng mẫu, vùng sản xuất tập trung, thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí đầu vào như: Lúa chất lượng ở các xã Hòa Sơn, Xuân Cẩm, Đại Thành; rau an toàn, rau chế biến tại xã Mai Đình, Hoàng Lương, Hợp Thịnh; lạc ở Hùng Sơn, Đồng Tân. 

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Đua, thôn Mai Phong, xã Mai Trung chăm sóc bò.

Tại xã Mai Trung, nhờ được hỗ trợ giá giống, hai năm qua, xã đã xây dựng thành công cánh đồng mẫu quy mô 40 ha cấy lúa nếp cái hoa vàng, lợi nhuận lúa thu được cao hơn 15% so với sản xuất nhỏ lẻ. Xã Hoàng Lương cũng dành vốn tập trung hỗ trợ vùng sản xuất rau cần VietGAP, khu vực sơ chế nông sản, bước đầu đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại một số siêu thị ở Hà Nội.

Nguồn vốn PTSX góp phần tạo điều kiện cho các xã hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới; giảm hộ nghèo. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các xã ATK còn 4,9%, giảm gần 6% so với năm 2011. Giai đoạn 2016-2020, dự án tiếp tục được triển khai ở 15 xã (trừ xã Hoàng An đã ra khỏi Chương trình 135). Từ đầu năm đến nay, huyện đã giải ngân hơn 3,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư để hỗ trợ bò sinh sản, bưởi Diễn, thóc giống, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hơn 2 nghìn hộ nghèo, cận nghèo. 

Ông Tạ Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT rà soát nội dung, mô hình trên cơ sở bám sát các đề mục do UBND xã đăng ký. Sau đó, nắm bắt tình hình thị trường, tâm tư nguyện vọng của người dân để xây dựng các hạng mục chi tiết. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo hỗ trợ, cấp đúng đối tượng, quản lý nguồn vốn chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí”. Đi đôi với biện pháp trên, huyện thành lập tổ công tác thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện, giải đáp kịp thời những vướng mắc; đồng thời yêu cầu cơ quan chuyên môn cung ứng giống, vật tư bảo đảm chất lượng đến người dân, không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện, gây bức xúc ở cơ sở.

Trường Sơn -Ngọc Tâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...