Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế / Nông nghiệp an toàn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quá tải phân bón và thuốc bảo vệ thực vật- Môi trường sống bị đe dọa (Kỳ II)

Cập nhật: 09:06 ngày 31/10/2018
(BGĐT)- Sau một chặng đường phát triển khá mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông sản Bắc Giang đang từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Thu nhập của người nông dân tăng đáng kể. Nhiều hộ vượt qua đói nghèo và vươn lên làm giàu.   

Tuy nhiên, một thực tế  rất đáng lo ngại là việc lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong canh tác đã gây ô nhiễm môi trường sống, phát sinh nhiều hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng mà khó có thể khắc phục trong “một sớm, một chiều”.

Kỳ II- Không sản xuất nông nghiệp bằng mọi giá

Phát triển sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Nâng cao năng suất, sản lượng nông sản phải đi đôi với nâng cao chất lượng. Người dân có thu nhập cao phải đi đôi với cải thiện đời sống, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Từ đòi hỏi trên thì đâu là giải pháp  khắc phục những hệ lụy do quá tải phân bón và thuốc BVTV để phát triển nông nghiệp bền vững?

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật

Mặc dù nhìn nhận chung sản xuất nông nghiệp đang gây nhiều hệ lụy về môi trường sống, an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm và sức khỏe cộng đồng nhưng nhiều ý kiến đồng tình với chúng tôi là không thể phủ nhận nông nghiệp Bắc Giang đã đạt được thành tựu hết sức ấn tượng. Hơn 20 năm qua, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay trình độ canh tác của người dân có bước tiến vượt bậc.

{keywords}

Sản xuất chè hữu cơ tại bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế).

Điển hình là Lục Ngạn, nông dân đã áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong sản xuất vải thiều, cùng với áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, người dân còn sáng tạo nhiều kỹ thuật mới như tỉa cành, tạo tán, bón phân, sử dụng thuốc BVTV phù hợp với từng địa hình để giảm chi phí, tăng hiệu quả.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện Lục Ngạn có hơn 26 nghìn ha cây ăn quả. Trong đó có 18 nghìn ha vải thiều còn lại là cây có múi và cây khác. Lục Ngạn đã hình thành nhiều bộ giống cây ăn quả đa dạng, phá thế độc canh vải thiều. Năm được mùa, toàn huyện thu hoạch hơn 100 nghìn tấn vải thiều, chiếm 2/3 sản lượng của toàn tỉnh và hơn 50 nghìn tấn quả cây có múi, tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Kết quả này đóng góp lớn vào giá trị chung của nông nghiệp Bắc Giang. Năm 2017, toàn tỉnh đạt gần 10 nghìn tỷ đồng từ các loại cây trồng.

Bài học kinh nghiệm để có được những “mùa vàng” cho nông dân trong tỉnh là sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở. Bắt đầu là các nghị quyết chuyên đề của tỉnh phù hợp trong từng giai đoạn như: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Từ các chương trình trọng tâm trên, nhiều đề án, kế hoạch được triển khai thực hiện nhằm khơi thông các nguồn lực về vốn đầu tư cho nông nghiệp, đào tạo nghề, đặc biệt là chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tổ chức tiêu thụ nông sản.

Thị trường nông sản ngày càng được mở rộng trong và ngoài nước, yêu cầu của khách hàng về số lượng, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao thì yêu cầu về tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học ngày càng được chú trọng, điều này đã tạo chuyển biến lớn về trình độ canh tác quy mô lớn của nông dân.

Sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ắt phát sinh sâu, bệnh và ngày càng phức tạp, khó diệt trừ thủ công nên phải sử dụng nhiều thuốc BVTV. Qua thực tiễn sản xuất, một số kỹ thuật mới đã giúp giảm tải sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Chẳng hạn như biện pháp đốn cành cây ăn quả sau thu hoạch. Biện pháp này nhằm làm giảm phân bón để cung cấp dinh dưỡng cho cây, hạn chế chỗ trú ngụ của sâu, bệnh mà không làm giảm năng suất cây trồng.

Tuy là bước đầu nhưng việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã giảm tải được phân bón, thuốc BVTV; việc yêu cầu về xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; việc mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP chính là các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, qua đó yêu cầu việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV phải thận trọng hơn.

Ý thức người nông dân là cứu cánh

Do biết “sợ” thuốc BVTV hóa học nên người dân xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) đã sáng tạo thuốc trừ sâu vô hại cho sức khỏe con người, đó là thuốc trừ sâu thảo dược. Nguyên liệu làm thuốc từ ớt, gừng, tỏi, quế, mật nhân, thuốc lào, rượu… Thuốc này có thể diệt trừ được hầu hết các loại sâu gây hại trên cây ăn quả có múi như: Sâu vẽ bùa, sâu ăn lá, rầy chổng cánh, nhện đỏ...

Theo ý kiến của chuyên gia y tế, tại một số vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp bị lưu thai, chết vì bệnh nan y, do vậy đề nghị cơ quan chức năng cần sớm có nghiên cứu, đánh giá chuyên đề sâu về hệ lụy của phân bón, thuốc BVTV quá tải đối với môi trường sống, sức khỏe con người.

Người dân Yên Thế cũng có cách làm hay. Huyện Yên Thế có tổng diện tích cây trồng gần 20 nghìn ha, mỗi năm sử dụng khoảng 29 tấn thuốc BVTV, hơn 1,2 nghìn tấn phân bón hóa học. Như vậy, so với Lục Ngạn, diện tích cây trồng của huyện Yên Thế chỉ kém 20% nhưng tổng lượng phân bón hóa học và thuốc BVTV lại giảm được từ 80-90%.

Cách làm của Yên Thế là chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng có lượng phân gà lớn. Hơn 7 nghìn hộ chăn nuôi trong huyện được tập huấn quy trình sản xuất an toàn bằng cách ủ phân gà hoai mục để bón cho cây trồng thay cho phân hóa học.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế chia sẻ với chúng tôi: “Sử dụng phân bón hữu cơ, cây trồng khỏe mạnh, ít sâu bệnh, qua đó giảm nhiều phân bón hóa học, thuốc BVTV. Điều đáng mừng là ý thức về sản xuất “sạch” của nông dân được nâng cao, đây chính là yếu tố quan trọng để sản xuất nông nghiệp bền vững”.

Đề xuất một số giải pháp

Trong quá trình khảo sát, tìm hiểu về những hệ lụy gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm và sức khỏe cộng đồng do quá tải phân bón hóa học và thuốc BVTV chúng tôi thực sự băn khoăn, lo ngại trước những trăn trở của người sản xuất như trưởng thôn Ngọt Hoàng Văn Man hay những khuyến cáo của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn Trần Văn Lâm. Điều đáng lưu ý là những vấn đề này chính quyền và ngành chức năng đã biết nhưng dường như chưa được quan tâm đúng mức và chưa được đánh giá sâu, kỹ để có các giải pháp căn cơ nhằm khắc phục hiệu quả.

{keywords}

Bưởi sản xuất theo quy trình VietGAP tại xã Lương Phong (Hiệp Hòa).

Chúng tôi đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Lê Bá Thành là khắc phục những vấn đề nêu trên bằng “quy trình ngược”, tức là cần quan tâm hơn nữa đến khâu tiêu thụ. Kinh nghiệm từ việc xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, Úc, Nhật Bản… cho thấy do yêu cầu của phía đối tác rất khắt khe nên các HTX, hộ sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt việc sản xuất theo quy trình an toàn, do vậy việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV không thể tùy tiện.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nâng cao ý thức sản xuất “sạch” của người dân là vấn đề mấu chốt khắc phục tình trạng quá tải sử dụng phân bón và thuốc BVTV nhưng cái khó của nó là do quy mô sản xuất hiện nay manh mún, nhỏ lẻ. Để giải bài toán này cần quan tâm phát triển HTX, tổ hợp tác và liên kết sản xuất giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp. Qua các mô hình này việc chuyển giao khoa học kỹ thuật dễ dàng hơn và việc kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ hơn.

Để thay đổi cách thức sản xuất cũ đã ăn sâu trong đời sống người dân không thể làm trong “một sớm, một chiều”, cho nên trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức về sản xuất “sạch” cho người dân, nhất là chấp hành sử dụng thuốc BVTV trong danh mục theo phương pháp “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách); tăng cường dùng thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc.

Theo ý kiến của chuyên gia y tế, tại một số vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp bị lưu thai, chết vì bệnh nan y, do vậy chúng tôi đề xuất cơ quan chức năng cần sớm có nghiên cứu, đánh giá chuyên đề sâu về hệ lụy của phân bón, thuốc BVTV quá tải đối với môi trường sống, sức khỏe con người để cảnh báo cho người dân.

Được biết, ngày 29-8-2018, Chính phủ ban hành Nghị định về nông nghiệp hữu cơ, tạo cơ chế khuyến khích việc sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học, đề nghị vấn đề này sớm được cơ quan chức năng triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) tiến hành thử máu, kiểm tra thuốc BVTV tồn dư trong người của các học viên thuộc Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn của 4 huyện ngoại thành Hà Nội gồm: Sóc Sơn, Đông Anh, Hoài Đức và Mê Linh. Kết quả, 31/67 người đang có thuốc BVTV lưu tồn trong máu. Đáng chú ý là người bị nhiễm thuốc BVTV có cả thành viên không trực tiếp tham gia vào sản xuất trên ruộng đồng. Nếu cách làm này áp dụng tại Bắc Giang có thể sẽ mang lại hiệu quả cảnh báo rất cao.

                                                                            Trần Đức - Trịnh Lan

Vì một nền nông nghiệp sạch
(BGĐT)- Hôm nay Báo Bắc Giang bắt đầu đăng chuyên đề 2 kỳ: “Quá tải phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): Môi trường sống bị đe dọa” phản ánh những hệ lụy đang diễn ra trong sản xuất và đời sống hằng ngày ở nông thôn. Để hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững thì đây là vấn đề không thể xem nhẹ.
 
Quá tải phân bón và thuốc bảo vệ thực vật- Môi trường sống bị đe dọa: Kỳ I- Vẫn nhắm mắt làm liều
(BGĐT)- Sau một chặng đường phát triển khá mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông sản Bắc Giang đang từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Thu nhập của người nông dân tăng đáng kể. Nhiều hộ vượt qua đói nghèo và vươn lên làm giàu. 
 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...