Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lạng Giang >> Người tốt - Việc tốt
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Có "của ăn, của để" nhờ nuôi thỏ

Cập nhật: 09:02 ngày 29/08/2017
(BGĐT) - Chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm, anh Đào Duy Chung (SN 1969) ở thôn Đại Phú 2, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã có “của ăn, của để” từ nuôi thỏ.
{keywords}

Anh Đào Duy Chung (bên phải) chăm sóc đàn thỏ.

Năm 2012, khi đang loay hoay tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế thì anh Chung được tham dự một hội thảo về chăn nuôi thỏ do Công ty Nippon Suki (Tập đoàn Nippon Nhật Bản) trụ sở tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh) tổ chức. Tại đây, anh biết thỏ dùng làm nguyên liệu chiết xuất vắc-xin và các sản phẩm liên quan để xuất khẩu. Đặc biệt, thông tin thỏ dễ nuôi, mắn đẻ, thức ăn chủ yếu là các loại rau, cỏ, lá cây và cám tinh chế - những nguyên liệu rất sẵn có ở quê khiến anh tò mò muốn nuôi thử nghiệm. Cuối năm đó, anh nuôi 12 con, vừa làm vừa tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo. Thấy có lãi, anh tiếp tục đầu tư làm hệ thống chuồng nuôi khép kín rộng chừng 180 m2.

Đến nay gia đình anh duy trì thường xuyên từ 800 - 1.000 con, mỗi tháng xuất bán từ 280 - 300 con cho Công ty Nippon Suki và bán giống cho những hộ chăn nuôi khác. Với giá 178 nghìn đồng/kg thỏ thịt và 120 nghìn đồng/con giống, mỗi tháng anh Chung thu lãi ổn định từ 14 -15 triệu đồng.

Được biết, thời gian đầu, anh Chung gặp nhiều khó khăn do thiếu kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh nên có lúc hàng chục con thỏ bị bệnh. Không nản, anh dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật đồng thời tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thỏ thành công ở trong, ngoài tỉnh. Theo anh Chung, bên cạnh kinh nghiệm phòng trị bệnh cho thỏ thì vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông là hết sức quan trọng. Thông thường, thỏ thích nghi với nhiệt độ từ 27-33 độ C nên về mùa hè, trang trại phải có hệ thống quạt thông gió thoáng mát. Đối với thỏ nái, anh xây riêng chuồng lạnh để giữ nhiệt độ thích hợp cho việc sinh sản.

Ngoài ra, tận dụng khoảng trống dưới các dãy chuồng, anh nuôi giun quế để xử lý chất thải và có thêm nguồn thu. Do gầm chuồng thỏ luôn râm mát nên giun sinh sôi nhanh. Chất thải của thỏ được phân giải hết nhờ có giun quế đã tạo môi trường trong lành hơn giúp thỏ nhanh lớn hơn và không bị bệnh nấm hay ghẻ. Lượng giun thu được một phần làm thức ăn chăn nuôi gia cầm, số còn lại bán cho các hộ chăn nuôi và đại lý kinh doanh mồi câu cá. Trung bình mỗi tháng anh thu 5 triệu đồng từ nuôi giun.

Ngoài ra, anh Chung còn mở xưởng sản xuất chuồng nuôi thỏ, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần chục lao động; là điểm cân thu mua cho 30 vệ tinh nuôi thỏ khác trên địa bàn tỉnh. Thành công từ mô hình nuôi thỏ của anh Đào Duy Chung không chỉ giúp gia đình có “của ăn, của để” mà còn mở ra hướng lựa chọn mô hình chăn nuôi mới cho người dân trong huyện có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Thân Văn Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...