Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lạng Giang >> Xưa và nay
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngôi chùa cổ bên dòng Thương

Cập nhật: 14:06 ngày 05/01/2018
(BGĐT) - Thôn Đức Thọ, xã Dương Đức, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) vừa tu bổ, tôn tạo chùa Đức Mại. Công trình hoàn thành đúng dịp năm mới đã tạo không khí vui tươi phấn khởi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương.
{keywords}

Chùa Đức Mại vừa được tu sửa, tôn tạo.

Chùa Đức Mại (còn gọi Linh Quang tự) tọa lạc ở chân đồi Chùa, phía trước là dòng sông Thương. Đây là một trong số ít công trình có giá trị lịch sử- văn hóa cổ, tiêu biểu mang dấu ấn của triều đại Tây Sơn còn lại trên địa bàn huyện Lạng Giang cũng như tỉnh Bắc Giang. Theo nội dung dòng chữ Hán Nôm khắc trên câu đầu tòa thượng điện, các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định chùa Đức Mại được xây dựng vào năm Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn), được tu bổ, tôn tạo vào thời Nguyễn và những năm sau này: “Cảnh Thịnh nhị niên, tuế thứ giáp Dần, tam nguyệt, cát nhật, hảo thời, cấu tác thụ trụ thượng lương” dịch ra: “Giờ tốt, ngày tốt tháng 3 năm Giáp Dần, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794)”.

Chùa Đức Mại nhìn về hướng Tây Bắc. Tô điểm cho di tích là một không gian thoáng rộng với hai cây đại cổ thụ hàng trăm năm tuổi đăng đối phía trước. Bình đồ kiến trúc chùa hiện nay kiểu chữ đinh gồm tòa tiền đường và thượng điện. Tòa tiền đường được tạo bởi 7 gian xây kiểu bình đầu, bít đốc, tay ngai trụ biểu. 

Tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ chảy xây gạch hoa chanh, trên chính giữa bờ nóc có đắp trang trí biểu tượng bánh xe pháp luân. Tuy nhiên điểm chú ý là phần kiến trúc gỗ tại tòa này còn lưu giữ được nét kiến trúc thời Tây Sơn và thời Nguyễn thể hiện trên hệ thống vì, kẻ. Bộ khung mái tòa tiền đường được tạo 8 vì, mỗi vì lại có đặc trưng riêng. Hai vì gian giữa kết cấu kiểu trụ giá chiêng kẻ chàng gồm 4 hàng chân cột. Sáu vì gian bên có cùng một kiểu thức gắn kết theo kiểu vì kèo cột ván, kẻ truyền. Trên các kẻ hiên là các mảng chạm khắc kiến trúc hình rồng, vân mây lưỡi mác tù với đường nét, hình khối thanh thoát nhẹ nhàng mang phong cách thời Tây Sơn, trên các kẻ chàng có nét chạm khắc mang phong cách thời Nguyễn. Trên thượng lương, câu đầu, cột cái, cột quân đều khắc những dòng chữ Hán Nôm ghi tên người công đức vào chùa. 

Tòa thượng điện nối thông vuông góc với tòa tiền đường tạo thành bố cục chữ đinh. Kiến trúc tòa thượng điện được tạo khắc đơn giản hơn theo kiểu thức chung kết cấu vì kiểu con chồng trụ giá chiêng, ván bưng. Các cấu kiện này được chạm khắc nhiều họa tiết hoa văn mang phong cách thời Nguyễn. Như vậy có thể nói chùa Đức Mại là công trình còn chứa đựng nhiều thông điệp nghệ thuật của hai triều đại Tây Sơn và Nguyễn nối tiếp nhau. Bên cạnh những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, chùa Đức Mại còn chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử- văn hóa, là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của địa phương. Đó là trụ sở của nhà thương, nơi sơ cứu thương, bệnh binh trong kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1946-1954; là nơi đặt kho vũ khí của quân đội nước nhà trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ giai đoạn 1958-1960 và là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương. Hằng năm, hội chùa được tổ chức trong hai ngày mồng 6, 7 tháng Giêng âm lịch với nhiều trò chơi dân gian và  hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Với những giá trị nổi bật nêu trên, chùa Đức Mại được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh năm 2014. Trải qua thời gian, nhiều cấu kiện chịu lực và hệ thống tường bao, hệ mái... bị xuống cấp. Để công trình tồn tại lâu dài, trong những năm 1958, 1992, 1999, chùa được tu sửa từng phần và trong năm 2017, nhân dân địa phương cùng khách thập phương đóng góp sức người, sức của với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng) trùng tu, tôn tạo lại toàn bộ di tích thêm khang trang mà vẫn bảo tồn giá trị vốn có của ngôi chùa cũ. Qua đây góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào và trân trọng, gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa của cha ông để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tuấn Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...