Bắc Giang: 19/03/2024 15:05:57 (GMT+7)
Trang chủ CƠ QUAN CỦA ĐẢNG BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TỈNH BẮC GIANG TIẾNG NÓI CỦA ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Những người giữ "lửa" nghệ thuật diễn xướng hầu đồng, hát văn

07:00 | 22/09/2017

(BGĐT) - Diễn xướng hầu đồng, hát văn tại đền Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) là nét văn hóa độc đáo ít nơi có được. Đặc biệt từ năm 2009, tại lễ hội tổ chức Liên hoan Hát văn, diễn xướng hầu đồng đã từng bước nâng cao giá trị của bộ môn nghệ thuật dân gian này.

Những người giữ lửa, nghệ thuật, diễn xướng hầu đồng, hát văn

CLB Hát văn, diễn xướng hầu đồng huyện Lục Nam biểu diễn tại Lễ hội Suối Mỡ 2017. Ảnh: Việt Hưng.

Đền Suối Mỡ là nơi thờ Công chúa Quế Mỵ Nương thời Hùng Vương, người có công mở dòng Suối Mỡ, dạy nhân dân làm ruộng, làm nương rẫy. Công chúa đã được dân gian tôn vinh thành Mẫu Thượng Ngàn - một nữ thần, một  người mẹ núi rừng đầy quyền năng, cai quản muôn dân. Từ huyền tích ấy mà diễn xướng hầu đồng, hát văn tại đền Suối Mỡ không đơn thuần là hoạt động văn hóa tưởng nhớ công ơn của người xưa mà còn mang đậm màu sắc tâm linh, thể hiện mong muốn mãnh liệt của người dân về một cuộc sống bình an, trù phú, nhiều tài lộc, thông qua việc thực hiện nghi lễ hầu Thánh (Mẫu).

CLB Hát văn, diễn xướng hầu đồng Lục Nam ra đời vào năm 2014. Buổi đầu thành lập CLB chỉ có 6 thành viên và hoạt động rất hạn chế.  Nhờ nỗ lực không mệt mỏi, giờ đây, CLB đã trở thành nơi tập hợp những người giữ hồn cho di sản - gồm các thanh đồng, cung văn có tiếng trong vùng.

Thanh đồng Nguyễn Thị Năm (SN 1966) là người có mặt ở CLB từ những ngày đầu thành lập với vai trò Phó Chủ nhiệm CLB. Ngay từ  khi còn nhỏ, cô bé Năm đã theo mẹ đi hết đền nọ, phủ kia, dự các giá hầu đồng, niềm đam mê từng điệu hát cung đàn đi cả vào giấc ngủ. Thanh đồng Nguyễn Thị Năm được mẹ truyền dạy cho các điệu múa theo nghi lễ hầu Thánh và chính thức vào nghề từ năm 1994. Trong suốt hơn 20 năm theo đuổi đam mê, thanh đồng Nguyễn Thị Năm đã truyền dạy cho gần 400 học trò cách thực hành các nghi lễ theo tín ngưỡng thờ Mẫu. 

Bà Năm cho hay, trong các hoạt động của mình, phải  luôn lấy đạo làm gốc, coi ca hát và thực hành nghi lễ thờ Mẫu như một nhiệm vụ cao cả của một nghệ nhân. Mỗi kỳ sinh hoạt CLB hàng tháng đều có sự góp mặt của bà với những giá hầu sinh động, đưa người xem đến độ thăng hoa. Vừa duy trì các hoạt động nghệ thuật, thanh đồng Nguyễn Thị Năm còn vận động các thành viên trong CLB tích cực học hỏi, thực hành các nghi lễ thờ Mẫu giản đơn mà trang trọng để dành tiền cho các hoạt động từ thiện nhân đạo. Bản thân bà nhiều năm nay luôn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi ở quê hương với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Cũng có mặt ở CLB Hát văn, diễn xướng hầu đồng của huyện Lục Nam từ những ngày đầu, thanh đồng Vũ Chí Chất lại mang theo truyền thống từ chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quỳnh Sơn (Yên Dũng) và từng có thời xông pha trận mạc, khi trở về quê hương, ông bị cuốn theo những điệu  hát mê hoặc lòng người. Tham gia sinh hoạt CLB, ông Chất được học hỏi và trao đổi kinh nghiệm hát văn, diễn xướng hầu đồng để trau dồi khả năng của mình.

Sau 3 năm hoạt động, hiện CLB đã phát triển lên tới gần 50 hội viên. Đây là CLB đầu tiên của tỉnh nên thu hút cả các thanh đồng, cung văn từ một số huyện lân cận như Yên Dũng, Lạng Giang, đặc biệt có sự tham gia của thanh đồng cao tuổi nhất là cụ Ngụy Thị Thuận, 80 tuổi.

Ông Đỗ Huỳnh Bộ, Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Lục Nam cho biết: Hát văn không chỉ có trong nghi lễ thờ Mẫu mà còn có hát văn thờ, hát văn trong chùa. Lời hát văn trong diễn xướng hầu đồng rất đẹp và trong sáng. Vì vậy, điều cuốn hút trong nghi lễ hầu đồng chính là hát văn. Từ năm 2009 đến nay, huyện đã 4 lần tổ chức liên hoan góp phần định hướng hoạt động hầu đồng, hát văn được diễn xướng trên sân khấu phục vụ công chúng, tuyệt đối không diễn ra tại đền, phủ riêng, không chấp nhận việc thanh đồng phát ngôn kiểu sấm truyền, phán, soi bói hay tung tiền lộc gây phản cảm trong quá trình hầu đồng.

Hiện di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì vậy, hoạt động của CLB rất phù hợp và có ý nghĩa tốt đẹp song cũng đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý để những người tham gia thực sự là hạt nhân, những người giữ "lửa" cho văn hóa dân gian. Cũng theo ông Đỗ Huỳnh Bộ, thời gian tới, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Nam sẽ phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh bồi dưỡng kiến thức về tín ngưỡng thờ Mẫu cho các hội viên CLB, để họ thấy được nét đẹp cần tôn vinh của văn hóa dân tộc. Đồng thời tham mưu, phối hợp với các cơ quan hữu quan đưa hoạt động của CLB vào phục vụ du khách tại Khu di tích Suối Mỡ, giúp cho khách tham quan có nhu cầu sẽ được thưởng thức loại hình nghệ thuật dân gian này.

Quỳnh Chi - Thu Thủy

Những người giữ lửa, nghệ thuật, diễn xướng hầu đồng, hát văn
 
Bình luận mới vừa được thêm vào. Click để xem
Mới nhấtHay nhấtXếp theo:
 
 
 
 
 
     
 

TIN MỚI NHẤT CÙNG CHUYÊN MỤC

 
Địa danh Lục Nam
  • Có 1 thị trấn: Đồi Ngô
  • Có 24 xã: Bắc Lũng • Bảo Đài • Bảo Sơn • Bình Sơn • Cẩm Lý • Chu Điện • Cương Sơn • Đan Hội • Đông Hưng • Đông Phú • Huyền Sơn • Khám Lạng • Lan Mẫu • Lục Sơn • Nghĩa Phương • Phương Sơn • Tam Dị • Thanh Lâm • Tiên Nha • Trường Giang • Trường Sơn • Vô Tranh • Vũ Xá • Yên Sơn.
Thông tin liên hệ Tòa soạn
Chuyên trang có sự phối hợp cùng UBND huyện Lục Nam

© Bản quyền thuộc Báo Bắc Giang. Địa chỉ: Số 49 Nguyễn Văn Cừ - TP Bắc Giang - Tỉnh Bắc Giang.
@ Tổng Biên tập: Trịnh Văn Ánh - Tòa soạn ĐT:84.0204.3856624
Email: toasoanbbg@gmail.com
Giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử số 605/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 29/12/2022.
® Đề nghị ghi rõ nguồn "Báo Bắc Giang điện tử"khi phát hành lại thông tin từ website này.
Mạng xã hội