Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Nam >> Đất và người Lục Nam
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nâng tầm nông sản, thực phẩm đặc trưng

Cập nhật: 09:16 ngày 02/02/2018
(BGĐT) - Mấy năm gần đây, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã tích cực quan tâm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đồng thời nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó góp phần quan trọng nâng tầm giá trị cho từng mặt hàng nông sản, thực phẩm đặc trưng của địa phương.
{keywords}

Giò, chả giã tay được bán nhiều tại chợ Chàng, thị trấn Lục Nam.

Sôi động ngày cuối năm

Những ngày áp Tết, gia đình ông Nguyễn Văn Sử, tổ dân phố Vườn Hoa, thị trấn Lục Nam tất bật ngày đêm sản xuất giò, chả để kịp giao hàng cho khách gần xa. Bình quân mỗi ngày, gia đình ông sản xuất 80 kg giò, chả; vào dịp Tết, số giò, chả lên đến hơn 1 tạ. Ông Sử năm nay gần 70 tuổi, theo nghề cha làm giò, chả từ nhỏ. Mặc dù ngày nay nhu cầu sản xuất khối lượng lớn, công đoạn pha thịt đã được sử dụng bằng máy song ở khâu cuối cùng vẫn được gia đình ông giã bằng tay. "Hiện gia đình đang phải thuê thêm nhân công để làm, bảo đảm khối lượng khách hàng đã đặt", ông Sử cho biết.

Nghề làm giò, chả giã tay ở thị trấn Lục Nam có từ thời Pháp thuộc và nổi tiếng bởi sự thơm ngon đặc trưng. Hiện thị trấn có 8 hộ chuyên sản xuất giò, chả quy mô lớn với hơn 30 lao động tham gia; đồng thời có khoảng 20 hộ sản xuất giò, chả theo thời vụ, tổng sản lượng gần một tấn mỗi ngày với giá bán từ 100- 120 nghìn đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: "Được sự chỉ đạo của huyện, hiện chúng tôi đang tích cực vận động, hướng dẫn các hộ sản xuất giò, chả đăng ký thủ tục để được công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Trước mắt, các hộ sản xuất giò, chả của thị trấn đều bảo đảm đủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm".

Vào dịp cuối năm, về xã Bảo Sơn, chúng tôi tận mắt chiêm ngưỡng màu xanh pha lẫn vàng nhạt của những đồi dứa Queen đang độ chín. Theo ông Vi Văn Tuấn, Chủ nhiệm HTX Dứa Bảo Sơn, hiện toàn xã có khoảng 300 ha dứa, trong đó tập trung nhiều ở thôn Đồng Cống. Cây dứa nơi đây được người dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc để rải vụ nên dứa cho thu hoạch quanh năm. Năng suất dứa bình quân đạt 30 tấn/ha, giá bán 7-8 nghìn đồng/kg, thương lái về tận vườn thu mua, lãi 50-60 triệu đồng/ha.

Do điều kiện thổ nhưỡng và kinh nghiệm chăm sóc nhiều năm nên dứa Bảo Sơn đã được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị ngọt mát đặc trưng. Năm 2014, dứa Bảo Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Nhằm tiếp tục nâng cao giá trị cây dứa, UBND huyện tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn đầu tư xây dựng vùng dứa Bảo Sơn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, 15 ha dứa Queen của 15 hộ thuộc HTX Dứa Bảo Sơn ở thôn Đồng Cống được thực hiện chặt chẽ theo quy trình kỹ thuật. Kết quả, cuối năm 2017, 15 hộ trên đã được trao giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.

Nâng tầm giá trị sản phẩm

Huyện Lục Nam vừa có vùng núi cao, có vùng trung du đồng bằng; giao thương đi lại thuận lợi, có đường bộ với hai quốc lộ chạy qua, rồi đường sắt, đường thủy... Bởi vậy, nơi đây đã xuất hiện nhiều sản vật đặc trưng như: Giò, chả giã tay thị trấn Lục Nam; rượu Tíu Bâu, xã Lục Sơn; rượu Thần Nông, xã Cẩm Lý hay na dai Huyền Sơn, dứa Bảo Sơn, dẻ Tứ Sơn, khoai sọ Khám Lạng...

Xuất phát từ thực tế và chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện đã quan tâm chỉ đạo, triển khai xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho những sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc trưng của địa phương. Ông Vũ Trí Học, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: "Chúng tôi đang tích cực hướng dẫn UBND các xã, thị trấn có sản phẩm đặc trưng chỉ đạo các hộ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc thành lập HTX sản xuất kinh doanh; tham gia các lớp tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm; làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đăng ký tem, nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc... Từ đó làm cơ sở để xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho từng sản phẩm".

Bên cạnh những sản phẩm trên, các ngành chức năng của huyện cũng đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể đối với Chè hoa vàng Tây Yên Tử Lục Nam cho HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh, xã Trường Sơn; khoai sọ Khám Lạng cho HTX Sản xuất nông nghiệp Khám Lạng; khoai lang Bắc Lũng cho HTX Sản xuất nông nghiệp Bắc Lũng. Trước đó, huyện phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh, T.Ư hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho hơn 800 ha vải thiều tại các xã Đông Hưng, Bình Sơn, Lục Sơn; 3,66 ha na dai tại xã Huyền Sơn; 10 ha rau tại xã Đông Phú và hỗ trợ đăng ký các nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho sản phẩm na dai, dứa, hạt dẻ.

Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa rõ ràng, đồng thời nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho từng mặt hàng sẽ là cơ sở quan trọng trong việc nâng tầm giá trị cho từng sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc trưng của huyện. Với những bước đi thiết thực, cụ thể trên, hy vọng trong thời gian không xa, Lục Nam sẽ có những chuỗi sản phẩm nổi tiếng, được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương ngày càng phát triển.

Đỗ Thành Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...