Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Nam >> Đất và người Lục Nam
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khuyến học Lục Nam: Sáng tạo, hiệu quả qua những mô hình điểm

Cập nhật: 07:00 ngày 29/06/2018
(BGĐT) - Từ việc xây dựng mô hình gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu, phong trào khuyến học, khuyến tài ở Lục Nam thời gian gần đây phát triển sôi nổi. Mọi nhà, mọi người thấy rõ lợi ích thiết thực của phong trào, tích cực động viên con em mình học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo.
{keywords}

Cán bộ khuyến học huyện Lục Nam thường xuyên nắm bắt tình hình công tác khuyến học, khuyến tài tại cơ sở.

Tổ chức mạnh, phong trào sôi nổi

Bà Nguyễn Thị Quế, Chủ tịch Hội khuyến học (HKH) huyện cho biết, công tác khuyến học từ cấp huyện đến các chi hội cơ sở đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng sát sao của cấp ủy, được cán bộ và nhân dân đồng tình ủng hộ. Để hoạt động này hiệu quả, trong chương trình công tác hằng năm, HKH huyện quan tâm xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị. Cụ thể như tháng 8-2017, HKH cùng với một số hội, đoàn thể ký chương trình phối hợp “Đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2017-2020”. Các đơn vị đăng ký chỉ tiêu thi đua như: Tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng về công tác khuyến học; vận động cán bộ, hội viên tham gia; tăng cường huy động nguồn lực xây dựng Quỹ Khuyến học các cấp. Đến nay, 27 xã, thị trấn đều thành lập HKH, có 685 chi hội khuyến học ở thôn bản, dòng họ, trường học và các loại hình khác (tổ liên gia, hội đồng niên, đồng ngũ...) hoạt động hiệu quả. Tổng số hội viên toàn huyện tính đến tháng 6-2018 là gần15 nghìn người, tăng 9 chi hội và 2,1 nghìn hội viên so với cuối năm 2017.

Hội viên tăng, tổ chức mạnh đã góp phần thúc đẩy phong trào. Quỹ Khuyến học toàn huyện thường xuyên duy trì hơn 1,3 tỷ đồng. Dịp khai giảng năm học 2017-2018, HKH các cấp trong huyện đã trao thưởng cho gần 800 lượt học sinh đạt thành tích cao tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa, giải đấu thể thao cấp huyện, tỉnh, quốc gia với số tiền hơn 450 triệu đồng. Cùng đó, các tổ chức đoàn thể có nhiều cách làm sáng tạo. Đơn cử như Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện kêu gọi hội viên nuôi lợn nhựa tiết kiệm gây quỹ mua tặng 25 xe đạp; Đoàn Thanh niên tự nguyện đóng góp tiền mua tặng 200 chiếc chăn, 400 bộ quần áo cho học sinh nghèo...

Nhân rộng điển hình

Năm 2018, toàn huyện có 9.592 gia đình đăng ký đạt danh hiệu “gia đình học tập tiêu biểu”; 339 thôn, bản, tổ dân phố và 188 dòng họ, 99 trường học đăng ký đạt cộng đồng, dòng họ, đơn vị học tập. Chỉ tiêu đăng ký tăng 10% so với năm 2017.

Tam Dị là một trong những xã dẫn đầu về số người đi xuất khẩu lao động của huyện Lục Nam. Hơn chục năm trước, khi phong trào đi lao động ở nước ngoài phát triển, một bộ phận giới trẻ có biểu hiện sao nhãng học tập, ít rèn luyện. Nhận thấy điều này, HKH xã chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm ở các thôn, bản. Chi hội Khuyến học thôn Đông Thịnh thành lập năm 2006. Chi bộ thông qua nghị quyết đề ra mức đóng góp xây dựng Quỹ Khuyến học hằng năm vào ngày 18-11, mỗi hộ 500 nghìn đồng; ngoài ra còn vận động những người đang lao động ở nước ngoài ủng hộ. “Hiện Quỹ Khuyến học thôn Đông Thịnh đạt gần 100 triệu đồng, chúng tôi gửi tiết kiệm để giữ “gốc” cho phong trào. Số tiền lãi thu về mỗi năm cùng với nguồn vận động thêm khoảng 30-40 triệu đồng sử dụng để khen thưởng các cháu đạt thành tích cao trong học tập, hỗ trợ đột xuất trường hợp khó khăn”- ông Lưu Văn Lợi, Chi hội trưởng cho biết. Nếu như năm 2006, Chi hội có 84 gia đình hội viên thì nay tăng lên gần 400 hộ.

Gia đình ông Bùi Văn Sách là một trong những tấm gương khuyến học tiêu biểu. Từng công tác trong ngành giáo dục nên ông hiểu giá trị lớn nhất ở mỗi người là tri thức. Bởi vậy, trước đây, dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn song vợ chồng ông vẫn động viên 2 con trai không ngừng học tập. Đến nay, các con Bùi Văn Nghĩa, Bùi Văn Tình đều tốt nghiệp đại học, đang tiếp tục học trình độ thạc sĩ. Ngoài ra, thôn còn có dòng họ Lưu, họ Đồng luôn quan tâm việc học của con em. Tuy mỗi người một công việc nhưng các ông bà, bố mẹ, anh chị trong họ đều chung tay làm khuyến học, chăm chút cho thế hệ tương lai.

Từ hiệu quả của những mô hình điểm làm nòng cốt, đến nay, 27 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng phong trào khuyến học với hàng trăm gia đình, dòng họ tiêu biểu. Điển hình như gia đình bà Trương Thị Hậu, dân tộc Sán Dìu, xã Lục Sơn; bà Phạm Thị Ngát, xã Nghĩa Phương; ông Tăng Văn Chi, xã Bảo Sơn; dòng họ Vũ, xã Đan Hội; họ Nguyễn ở xã Trường Sơn; họ Lưu ở xã Khám Lạng...Bài học kinh nghiệm từ hoạt động của các chi hội mạnh đó là: Cán bộ, đảng viên nêu gương tham gia phong trào; công tác quản lý, sử dụng quỹ hoạt động minh bạch, công khai; khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự nhiệt tình, hăng hái của cán bộ làm công tác khuyến học, khuyến tài ở cơ sở.

Có sự hỗ trợ tích cực của các cấp HKH trong huyện, nhiều học sinh được chắp cánh ước mơ, tiếp thêm động lực để phát triển tài năng. Không ít con em địa phương đã thành đạt, công tác trên các lĩnh vực kinh tế, công an, quân sự, y tế, giáo dục trong tỉnh và cả nước. Theo bà Nguyễn Thị Quế, hiện nay, cán bộ, hội viên HKH các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội. Cùng đó đổi mới hoạt động ở cơ sở để phong trào ngày càng lan tỏa, phát triển sâu rộng.

Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...