Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Nam >> Đất và người Lục Nam
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tứ Sơn- Điểm hẹn tuổi trẻ thời chống Mỹ

Cập nhật: 07:00 ngày 30/04/2020
(BGĐT) - Về các xã Tứ Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) mùa này, tôi đi giữa những đồi vải, đồi cam, bưởi trù phú. Xa xa, những ngọn núi hình vòng cung sừng sững xanh biếc một màu. Trong âm hưởng những ngày tháng Tư lịch sử, tôi tìm lại dấu xưa ở vùng đất một thời là “lò luyện quân” chi viện cho chiến trường miền Nam. 

Vùng Tứ Sơn nay gồm 4 xã Vô Tranh, Bình Sơn, Trường Sơn và Lục Sơn. Thời chiến tranh, Vô Tranh còn có tên gọi là Bắc Sơn. Từ những năm kháng chiến chống Pháp, núi rừng Tứ Sơn đã nuôi giấu, chở che đồng bào từ nhiều tỉnh đến tản cư. Đây cũng là căn cứ kháng chiến liên tỉnh Quảng Hồng- Hải Phòng. Trung tướng Lư Giang, một vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam sinh ra ở làng Gàng, xã Vô Tranh đã đi theo cách mạng từ rất sớm, chiến đấu và trưởng thành từ vùng đất này. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tứ Sơn là nơi đứng chân của nhiều đơn vị quân chủ lực và cơ quan, xí nghiệp, trường học từ Thủ đô sơ tán về.

{keywords}

Bia di tích đồi Hòn Miếu - Trung tâm huấn luyện quân Mai Sưu.

Theo chỉ dẫn của một số cựu binh Trung đoàn 568 - đơn vị có nhiệm vụ xây dựng lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam thời chống Mỹ - tôi tìm đến những địa danh đã trở nên thân thuộc với bao lớp thanh niên từng về Tứ Sơn huấn luyện. Đi trên tỉnh lộ 293, đoạn thuộc xã Vô Tranh, tôi đi qua cây cầu Dày. Vài năm trước, khi tuyến đường “tâm linh” được mở mang, người ta nắn tuyến và xây một cây cầu mới. Nhưng ngay bên cạnh, cây cầu cũ vẫn còn đó, như một chứng tích của lịch sử. Những người lính đến “lò luyện quân Mai Sưu” những năm 1968- 1975 đều đi qua cây cầu này rồi tỏa đi các thao trường, doanh trại. Cách cầu Dày không xa là tấm bia di tích “Nơi luyện quân vượt Trường Sơn chống Mỹ cứu nước”. Sau nhiều năm trôi qua, khi về thăm lại điểm hẹn của một thời tuổi trẻ, những cựu binh Trung đoàn 568 vẫn nghẹn ngào, bồi hồi nhớ bước chân hành quân năm nào.

Ông Đặng Xuân Hòa (SN 1951), thôn Di, xã Vô Tranh là một trong số những cựu binh của Trung đoàn. Ông quê gốc ở tỉnh Thái Bình, thế hệ cha ông của ông đã lên lập nghiệp, sinh sống ở Tứ Sơn từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Gia đình ông có 5 anh em trai, 4 người vào quân ngũ, tham gia từ kháng chiến chống Mỹ cho đến chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc. Ông là anh cả, nhập ngũ tháng 12/1971. “Khi ấy, tôi học gần hết cấp 3 thì nhận lệnh nhập ngũ, được biên chế về Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 568. Đơn vị chúng tôi đóng quân tại xã Bình Sơn, cách nhà không xa. Tôi được huấn luyện 3 tháng trước khi vào chiến trường Quảng Trị” - ông Hòa kể.

Trong trí nhớ của ông, thời kỳ đó, khu vực Tứ Sơn hầu hết là rừng nguyên sinh rậm rạp, địa hình hiểm trở, đáp ứng yếu tố bí mật cho hoạt động huấn luyện quân sự. Các thao trường của Trung đoàn 568 nằm rải rác khắp 4 xã Tứ Sơn và một phần xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn; trung tâm là Mai Sưu. Ngay sau khi nhập ngũ, ông Hòa cùng đồng đội miệt mài tập luyện từ những thao tác tháo lắp súng, tập bắn, trinh sát, đeo đá rèn luyện thể lực, tập đánh xe tăng địch… để có hành trang vững vàng bước vào trận tuyến cam go phía trước. Cuộc sống thời chiến gian khổ nhưng những người lính trẻ luôn có tinh thần lạc quan, sẵn sàng nhận lệnh vào chiến trường miền Nam. Người dân trong vùng vừa đẩy mạnh sản xuất vừa chủ động phương án tác chiến, phòng thủ vững chắc, giữ an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho các đơn vị bộ đội. Ngày lên tàu vào chiến trường, ông xác định trước sẽ không có ngày về. Nhưng vượt qua hòn tên mũi đạn, đi qua bao mùa chiến dịch, ngày thống nhất, người lính giải phóng quân, người thương binh ấy đã trở về với quê hương, sum họp với gia đình.

Cùng với Vô Tranh, xã Bình Sơn cũng là địa điểm ghi nhiều dấu ấn lịch sử. Bao tên đất, tên làng còn đó, khắc ghi một thời hào hùng với những chiến tích chói ngời của Trung đoàn 568. Ai từng đóng quân ở Bình Sơn đều nhớ đến Đồng Giàng, Bãi Cả, Đồng Đỉnh, Đồng Rùa…, đặc biệt là Hòn Miếu. Thời chiến tranh, nơi đây là doanh trại và các thao trường ẩn dưới cánh rừng già thì nay, người dân sinh sống đông đúc giữa những vườn cây, đồi bãi bốn mùa cho quả ngọt. Xưa, những người lính hành quân trên đường mòn thì nay, đến Bình Sơn, tôi thấy những con đường bê tông rộng dài đã vươn về khắp các xóm, bức tranh nông thôn khởi sắc như nhiều xã miền xuôi.

Biết nguyện vọng của tôi, ông Ngô Duy Tiến (SN 1950), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn không nề hà đưa đến đồi Hòn Miếu ở thôn Đồng Giàng. Ông Tiến cũng là cựu binh của Trung đoàn 568, nhập ngũ tháng 8/1970. Sau thời gian học tập, rèn luyện, ông được đơn vị giao đi tuyển quân ở nhiều tỉnh khu vực phía Bắc, trực tiếp huấn luyện tân binh về các kỹ thuật, chiến thuật bộ binh, mỗi năm từ 3- 4 đợt, lớp này lên đường thì lớp khác đến. Tháng 12/1973, sau khi kết hôn một tháng, do yêu cầu nhiệm vụ, ông vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Từ Tứ Sơn vượt rừng Trường Sơn, vào đến miền Nam, ông được biên chế vào Sư đoàn 5 thuộc Quân khu 7. Ngày 30/4/1975, khi đang cùng đơn vị chiến đấu ở Bến Lức- Long An, ông nhận tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trở về quê hương sau chiến tranh, ông sinh sống ở thôn Đồng Giàng. Từng là lính Trung đoàn 568, giờ đây ông thường xuyên qua lại trông nom đồi Hòn Miếu, nơi có tấm bia di tích lịch sử “Trung tâm huấn luyện quân Mai Sưu”. Tại địa điểm này, Trung đoàn 568 được thành lập vào tháng 5/1968, tiền thân là Trung đoàn 6, Sư đoàn 330, Quân khu Tả Ngạn. Trong thời gian đóng quân tại đồi Hòn Miếu, Trung đoàn đã tiến hành tuyển quân trên một vùng rộng lớn, từ Hà Bắc, Hải Hưng đến Hải Phòng, Thái Bình.... Trung đoàn huấn luyện nhiều lớp tân binh chi viện cho chiến trường đánh Mỹ, đồng thời giúp chính quyền và nhân dân địa phương giữ gìn trật tự trị an, bảo đảm an toàn bí mật quân sự. Di tích đồi Hòn Miếu- Trung tâm huấn luyện quân Mai Sưu được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2003.

Đối với những người lính Trung đoàn 568, nhớ về vùng đất Tứ Sơn anh hùng là nhớ về “vành nôi thời quân ngũ” ấm áp thân thương, nhớ về điểm hẹn thời tuổi trẻ. Trong trái tim mỗi người mãi ngân vang câu hát trong bài Hành khúc Trung đoàn 568: “Nào Hà Bắc ta ra đi hôm nay. Ngàn tiếng hát đang vang lên mê say. Sát cánh bên chiến sĩ Hải Hưng. Cùng đội ngũ sắt son Thái Bình. Cả quê hương bước lên đường lớp lớp”.

Làng “ 5 tấn” giữa núi rừng Tứ Sơn
(BGĐT) - Bới đất, vạt cỏ làm nương rẫy, bạt núi mở đường, ngăn suối đắp đập, gánh đá làm nhà… từ đôi bàn tay chai sạn, những người dân xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã biến một vùng đất hoang vu năm nào thuộc xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lục Nam (Bắc Giang) thành làng quê trù phú. Hơn 50 năm bền bỉ gây dựng nên “bức tranh quê” tươi đẹp giữa núi rừng Tứ Sơn là niềm vui, niềm tự hào của bà con từ quê hương “5 tấn”.
Dẻ Tứ Sơn - quà tặng mùa thu
(BGĐT) - Ngồi dưới tán rừng dẻ tái sinh vùng Tứ Sơn (Lục Nam), nhẩn nha thưởng thức hương vị thơm bùi của hạt dẻ và ngắm những sợi nắng thu xuyên qua kẽ lá thấy tinh thần thật thư thái. Tôi thầm nghĩ, rừng dẻ nơi đây như một đặc ân của trời đất dành cho những ai biết trân trọng, yêu quý nó.
Đổi thay ở Tứ Sơn
(BGĐT) - Tứ Sơn là tên gọi chung của 4 xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Nam gồm: Lục Sơn, Trường Sơn, Bình Sơn và Vô Tranh. 
Tứ Sơn - "Lò luyện quân” thời chống Mỹ
(BGĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất Tứ Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) là “lò luyện quân” của quân đội ta. Nơi đây lớp lớp tân binh sau một thời gian huấn luyện lại bừng bừng khí thế ra trận, tiếp quân cho chiến trường miền Nam. 

Thy Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...