Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Nam >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lục Nam: Trồng rừng... thu củi, vì sao?

Cập nhật: 07:00 ngày 02/07/2017
(BGĐT) - Sau nhiều năm tham gia Dự án 147 về phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015, hàng trăm ha rừng tại huyện Lục Nam (Bắc Giang) thất thu do cây trồng còi cọc.
{keywords}

Nhiều diện tích rừng trồng bạch đàn giống PN14 tại xã Vô Tranh vừa được người dân chặt bán củi.

Thêm nợ vì trồng rừng

Thông thường bạch đàn sau trồng từ 3-7 năm có thể được khai thác. Thế nhưng 5 ha bạch đàn PN14 của gia đình ông Trần Thế Mỹ, thôn Trại Lán, xã Vô Tranh từ 4-7 năm trước vẫn còi cọc. Không thể làm gỗ, ông đành thuê nhân công chặt bán cho người ta làm củi đun và thu về vẻn vẹn 20 triệu đồng. Ông Mỹ cho biết: “Tham gia Dự án 147 của Nhà nước, tôi được hỗ trợ giống bạch đàn PN14 và phân bón. Để cây sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình tôi chăm sóc, tỉa cành, bón phân đúng định kỳ. Bao ngày dày công bám rừng vậy mà giờ thu được chẳng đáng là bao”.

Nhận thấy cây không thể lớn hơn, gia đình ông Nguyễn Văn Long, thôn Quản Hái Hồ cùng xã vừa khai thác hơn 2 ha bạch đàn 4 năm tuổi. Số tiền bán sản phẩm chỉ đủ trả công thuê chặt. Ông Long có tất cả gần chục ha trồng theo dự án hỗ trợ. Ngoài giống và phân bón được Nhà nước cấp, ông vay thêm vốn của ngân hàng để thuê cuốc hố, trồng cây, tỉa cành, chi phí bình quân khoảng 25 triệu đồng/ha. “Khi mới tham gia dự án, cả nhà phấn khởi vì nghĩ sau vài năm nữa sẽ có nguồn thu để sửa sang nhà cửa, trả nợ, chi phí cho các con ăn học. Ai dè đến nay lại lâm vào cảnh nợ chồng nợ. Tôi vẫn phải tiếp tục vay một khoản tiền nữa để trồng lại rừng”- ông Long bày tỏ.

Theo ông Dương Quang Hiền, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Ao Vè, xã Vô Tranh, toàn xã có gần 100 ha bạch đàn giống PN14 được hỗ trợ từ Dự án 147 không cho thu hoạch gỗ. Trạm đã đến từng gia đình kiểm tra và hướng dẫn bà con chặt bỏ cây kém phát triển, thay thế bằng giống mới bảo đảm chất lượng.

Cùng đó, Trường Sơn cũng là xã có nhiều hộ được tham gia dự án phát triển rừng sản xuất. Tìm hiểu tại thôn Vua Bà được biết, người dân vừa phá nhiều diện tích rừng trồng thuộc diện được hỗ trợ, sản phẩm được bán để làm củi với giá rẻ. Ông Nguyễn Trí Trường, Trưởng thôn cho biết, mấy năm cuối của dự án, các hộ dân trong thôn đều từ chối không nhận hỗ trợ, tự mua giống về canh tác.

{keywords}

Khu rừng trồng bạch đàn của gia đình ông Trần Thế Mỹ, thôn Trại Lán, xã Vô Tranh từ 4 đến 7 năm tuổi nhưng cây còi cọc nên bị phá bỏ.

Tại giống hay do cách chăm sóc?

Dự án 147 về hỗ trợ trồng rừng sản xuất được thực hiện trên địa bàn huyện Lục Nam từ năm 2009 đến năm 2013. Theo đó, 15 xã có diện tích đất trồng rừng lớn được tham gia như: Trường Giang, Trường Sơn, Vô Tranh, Bình Sơn, Cẩm Lý, Đông Phú, Tam Dị, Tiên Hưng...

Thực hiện Dự án 147 (giai đoạn 2009-2013), toàn huyện hỗ trợ trồng mới hơn 3 nghìn ha rừng sản xuất, trong đó riêng bạch đàn PN14 gần 800 ha. Hạt Kiểm lâm Lục Nam chủ trì thực hiện. Các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp: Lục Nam, Mai Sơn (Lục Nam); Tùng Dương, Toản Nam (Yên Thế) chịu trách nhiệm cung ứng giống. Tuy nhiên, đến nay nhiều diện tích rừng trồng giống PN14 bị sâu bệnh, năng suất thấp, dễ gãy đổ khi có gió, người dân đành phá bỏ để trồng lứa mới.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Bằng Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Nam cho biết, quá trình triển khai, Hạt chọn những công ty có uy tín, được cơ quan chức năng cấp giấy phép hành nghề để ký hợp đồng cung cấp cây giống. Ở thời điểm đó, PN14 là giống tốt, có nhiều ưu thế nên đơn vị chọn giống này.

Cũng theo ông Giang, có tình trạng sau trồng được ba năm, nhiều diện tích cây bắt đầu chậm lớn, sâu bệnh. Như vậy cũng có thể là do quá trình sinh trưởng xuất hiện đối tượng sâu bệnh gây hại cho cây mà bà con chưa quan tâm tới. Một số hộ không sử dụng hết số lượng phân bón vào quá trình chăm sóc hoặc cũng có thể giống bị thoái hóa. Để rõ nguyên nhân, hiện nay Hạt Kiểm lâm huyện đang kiểm tra, sớm có lời giải đáp thỏa đáng với người dân. Thời gian tới, đơn vị khuyến cáo bà con sử dụng giống nuôi cấy mô tế bào vừa sạch bệnh lại giữ được các ưu điểm của cây mẹ.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi rằng: Tại sao sau 3-4 năm bạch đàn có biểu hiện rõ sinh trưởng, phát triển kém mà đơn vị vẫn tiếp tục cung cấp cho người dân? Đơn vị thực hiện dự án quanh co cho rằng vì lúc đó có rất ít giống cây lâm nghiệp để lựa chọn, PN14 là dòng tốt nhất đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Còn ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam khẳng định: " Những biểu hiện ở giống bạch đàn hom PN14 của các hộ trồng rừng tại Lục Nam cho thấy đây là hiện tượng không bình thường, phần nhiều là do chất lượng cây giống có vấn đề. Tuy nhiên, giống do công ty cấp tuyệt đối bảo đảm chất lượng, từ trước đến nay đơn vị chưa bị bất kỳ một khách hàng nào phản ánh về chất lượng".

Thời điểm này, dù chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn khẳng định chính xác rừng sản xuất ở Lục Nam trồng bằng giống PN14 thất thu do đâu nhưng nhiều ý kiến nghiêng về giả thiết cây giống không bảo đảm chất lượng. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm nguyên nhân; phân tích trên cơ sở các căn cứ khoa học; phát hiện và xử lý nghiêm nếu có sai phạm của các đơn vị liên quan đến khâu cung cấp giống cây lâm nghiệp gây thiệt hại cho bà con.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...