Bắc Giang: 12/12/2023 02:10:06 (GMT+7)
Trang chủ CƠ QUAN CỦA ĐẢNG BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TỈNH BẮC GIANG TIẾNG NÓI CỦA ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Lục Nam: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giảm nghèo bền vững

19:43 | 11/12/2022

(BGĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5/11/2012 (gọi tắt là Chỉ thị 19) của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)”, huyện Lục Nam đạt được những kết quả nổi bật. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh, còn 4,17%.

Hơn 40 nghìn lao động nông thôn được học nghề

Đào tạo nghề cho LĐNT là chủ trương lớn của Đảng, đối với huyện Lục Nam có vai trò quan trọng vì là huyện nông nghiệp, phần lớn LĐNT chưa qua đào tạo nghề. Nhiệm vụ này không chỉ nhằm nâng cao năng suất, chuyển dịch cơ cấu lao động mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Bắc Giang, đào tạo nghề, đánh giá, Lục Nam, giải quyết việc làm

Sau khi học nghề may công nghiệp, chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Quỳnh Độ, xã Bắc Lũng mở cơ sở sản xuất tại nhà, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

Thực hiện Chỉ thị số 19, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai thực hiện đến các đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện hiệu quả. Bên cạnh việc ban hành kế hoạch theo giai đoạn, UBND huyện xây dựng và ban hành kế hoạch đào tạo nghề từng năm để tổ chức thực hiện hiệu quả. 

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn căn cứ nội dung của Chỉ thị và đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế của đơn vị để xây dựng kế hoạch; chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tham gia đào tạo nghề. 

Tích cực phối hợp với ngành lao động trong điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp và quá trình lập kế hoạch, phân bổ kinh phí, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát đánh giá hiệu quả sau đào tạo nghề. 

Qua đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá kết quả, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, phát hiện và nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình, những mô hình tốt, góp phần triển khai hiệu quả Chỉ thị.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nghề, huyện đã quan tâm sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN. Đến 31/5/2022, trên địa bàn huyện có 3 cơ sở GDNN gồm: Trường Trung cấp nghề Xương Giang; Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Phương Lan; Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên huyện. Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Phương Nam (trụ sở chính tại TP Bắc Giang) hằng năm cũng tích cực tham gia đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện. Huyện quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề hoặc tham gia hoạt động dạy nghề cho LĐNT. 

Bắc Giang, đào tạo nghề, đánh giá, Lục Nam, giải quyết việc làm

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Nam tích cực đổi mới phương pháp, giáo trình, góp phần nâng chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn.

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện sát với nhu cầu người học, phù hợp với thế mạnh của địa phương, UBND huyện đã ban hành các văn bản về hướng dẫn khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo của LĐNT theo từng năm và cả giai đoạn. 

Các trung tâm, cơ sở GDNN thường xuyên đổi mới chương trình dạy, giáo trình đào tạo, chú trọng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đặc biệt coi trọng xây dựng chương trình truyền dạy kỹ năng thực hành nghề, thao tác kỹ thuật... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho LĐNT trong việc tiếp thu kiến thức và hoàn thiện tay nghề.

Kết quả trong 10 năm qua, các cơ sở GDNN trên địa bàn huyện đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo được hơn 40,2 nghìn lao động trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên; thời gian từ 2 đến 3 tháng/khóa, tổ chức theo hình thức tập trung tại cơ sở GDNN hoặc nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố. 

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngày càng được chú trọng. Qua kiểm tra đánh giá, hơn 80% lao động sau khi học nghề xong được giải quyết việc làm, trong đó 100% người lao động tham gia học nhóm nghề nông nghiệp được giải quyết việc làm dựa trên ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của gia đình mình. 

Bắc Giang, đào tạo nghề, đánh giá, Lục Nam, giải quyết việc làm

Hướng dẫn bà con sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi tại xã Nghĩa Phương.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Hiện nay, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nghề của huyện, xã còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên phần nào ảnh hưởng lớn đến chất lượng tham mưu, giám sát, tổng hợp thực hiện nhiệm vụ. Công tác thống kê, điều tra khảo sát về tình hình lao động, nhu cầu đào tạo một số ngành nghề ở một số xã, thị trấn có lúc còn chưa sát với thực tế tại địa phương. 

Hoạt động liên kết giữa cơ sở GDNN với các doanh nghiệp để đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng chưa nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giải quyết việc làm cho học viên sau tốt nghiệp. Thêm nữa, người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề đa phần là nông dân, trình độ nhận thức, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao. 

Bắc Giang, đào tạo nghề, đánh giá, Lục Nam, giải quyết việc làm

Một góc thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) hôm nay.

Đa số doanh nghiệp trên địa bàn quy mô vừa và nhỏ, công ty gia đình, hoạt động gia công lắp ráp sản phẩm nên chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề hoặc qua đào tạo trình độ sơ cấp, mức thu nhập của người lao động thấp. Vì vậy, không khuyến khích được người lao động tham gia học nghề. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề của một số xã chưa đáp ứng yêu cầu về GDNN; nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân chưa đầy đủ; việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT chưa đạt mục tiêu.

Từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 3,4 nghìn người; tỷ lệ lao động qua đào tạo/tổng số lao động trong độ tuổi đạt 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo là người dân tộc thiểu số 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 45,4%. Đầu tư phát triển Trung tâm GDNN - GDTX huyện đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, có năng lực liên kết đào tạo các ngành nghề được các nước tiến tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Quy mô tuyển sinh đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025 đạt gần 17,2 nghìn người; hơn 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, hơn 85% học sinh tốt nghiệp trung cấp và hơn 80% người lao động tốt nghiệp sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng có việc làm sau đào tạo.

Từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng hơn 3,4 nghìn người; tỷ lệ lao động qua đào tạo/tổng số lao động trong độ tuổi đạt 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo là người dân tộc thiểu số 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 45,4%.

 

Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu trên, đồng chí Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân nhằm thúc đẩy hoạt động GDNN, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về GDNN; gắn kết GDNN với thị trường lao động và giải quyết việc làm. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó tập trung hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề, ưu tiên đối tượng là người dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc và miền núi, khó khăn, lao động nông thôn bị thu hồi đất nông nghiệp.

Cùng đó, đưa nội dung GDNN lồng ghép vào Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021- 2025. 

Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách, các chương trình mục tiêu, đề án về GDNN do T.Ư, tỉnh ban hành phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo hoặc đặt hàng với cơ sở GDNN để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc. 

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vốn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý, tham gia hoạt động GDNN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo lao động.

Mai Toan - Đỗ Quyên

Quan tâm làm tốt công tác đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao
(BGĐT) - Chiều 18/11, Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh đến thăm, chúc mừng thầy và trò Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982-2022). Cùng dự có lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo.
 
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cần sát nhu cầu, bảo đảm “đầu ra”
(BGĐT) - Từ năm 2011 đến nay, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đào tạo nghề nông nghiệp đã thu được nhiều kết quả. Tuy vậy, các khâu trong quá trình đào tạo và việc áp dụng vào thực tế còn nhiều hạn chế, “đầu ra” cho lao động sau đào tạo nghề khó khăn. 
 
Đào tạo nghề chất lượng cao: Tăng kỹ năng, sát nhu cầu thị trường
(BGĐT) -  Gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khi mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ, vận hành dây chuyền sản xuất hiện đại gặp khó khăn do thiếu lao động chất lượng cao. Qua đánh giá, trong số 175 nghìn lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 21% đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ. 
 
Huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
(BGĐT) - Ngày 7/7, đoàn công tác của T.Ư do đồng chí Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW (gọi tắt là Chỉ thị 19), ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)”. 
 
Bắc Giang, đào tạo nghề, đánh giá, Lục Nam, giải quyết việc làm
 
Bình luận mới vừa được thêm vào. Click để xem
Mới nhấtHay nhấtXếp theo:
 
 
 
 
 
     
 
Địa danh Lục Nam
  • Có 1 thị trấn: Đồi Ngô
  • Có 24 xã: Bắc Lũng • Bảo Đài • Bảo Sơn • Bình Sơn • Cẩm Lý • Chu Điện • Cương Sơn • Đan Hội • Đông Hưng • Đông Phú • Huyền Sơn • Khám Lạng • Lan Mẫu • Lục Sơn • Nghĩa Phương • Phương Sơn • Tam Dị • Thanh Lâm • Tiên Nha • Trường Giang • Trường Sơn • Vô Tranh • Vũ Xá • Yên Sơn.
Thông tin liên hệ Tòa soạn
Chuyên trang có sự phối hợp cùng UBND huyện Lục Nam

© Bản quyền thuộc Báo Bắc Giang. Địa chỉ: Số 49 Nguyễn Văn Cừ - TP Bắc Giang - Tỉnh Bắc Giang.
@ Tổng Biên tập: Trịnh Văn Ánh - Tòa soạn ĐT:84.0204.3856624
Email: toasoanbbg@gmail.com
Giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử số 605/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 29/12/2022.
® Đề nghị ghi rõ nguồn "Báo Bắc Giang điện tử"khi phát hành lại thông tin từ website này.
Mạng xã hội