Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thêm nghề mới, tăng thu nhập

Cập nhật: 09:12 ngày 12/12/2016
(BGĐT) - Cùng với nhiều nguồn vốn đầu tư, những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn thuộc huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) còn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Nhờ vậy, nhiều hộ có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
{keywords}

Gia đình chị Giáp Thị Thúy, thôn Mòng A, xã Tân Sơn có cuộc sống khá giả nhờ chuyển đổi sang nghề sửa chữa xe máy.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tháng 7-2014, UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (Quyết định 954). Theo đó, cơ quan chức năng tỉnh và huyện Lục Ngạn đã lập đề án hỗ trợ bà con chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm phù hợp với thực tiễn. 

Các hộ được dạy nghề, vay vốn ưu đãi. Với cách làm trên, cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lục Ngạn được cải thiện rõ rệt, điển hình là xã Tân Sơn. Với số vốn 200 triệu đồng được phân bổ năm 2014, xã phối hợp với một số trung tâm dạy nghề tổ chức lớp học nghề mộc, sửa chữa xe máy, lái máy nông cụ cho nông dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân tích cực chuyển đổi nghề nghiệp. Ông Nông Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi chọn dạy những nghề dựa trên nhu cầu của người dân nên họ tham gia rất tích cực. Chỉ sau 15 ngày đến 3 tháng, bà con đã thành thạo và tự sản xuất, kinh doanh tại gia đình”. 

Sau khi học xong nghề mộc và được vay 20 triệu đồng với lãi suất thấp, anh Giáp Văn Minh, thôn Mòng A mạnh dạn mua máy cắt gỗ và một số trang thiết bị khác mở cơ sở sản xuất. Khách hàng đông, có việc làm ổn định, gia đình anh Minh giờ đã có thu nhập khá. Anh Minh nói: “Với 4 nhân khẩu, trước kia cả nhà chỉ trông vào 2 sào ruộng, cấy một vụ không ăn chắc nên không đủ gạo ăn. Đến nay thì cuộc sống đã khấm khá hơn, trừ chi phí mỗi tháng, tôi để ra khoảng 4 triệu đồng”. 

Tương tự, hộ ông Ma Văn Lại, thôn Khuôn Tỏ có thu nhập khá từ nghề sửa chữa xe máy. Theo ông Lại, từ đây sang các địa bàn khác xa xôi. Vì vậy ông chọn học nghề này phục vụ bà con trong xóm và cũng để có thêm đồng ra, đồng vào. Được biết, xã Tân Sơn có hơn 85 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, vay vốn ổn định sản xuất.

Tại xã Sa Lý có hơn 30 hộ được vay vốn trồng rừng, tăng đàn trâu, bò. Từ nguồn vốn ưu đãi, bà Hoàng Thị Chíu, thôn Đảng có điều kiện chăm sóc rừng trồng. Năm nay, bà vừa thu hoạch lứa gỗ đầu tiên, bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/ha.

Theo Phòng Dân tộc huyện Lục Ngạn, trong hai năm 2014, 2015, đề án được thực hiện tại 16 xã với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Hộ sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa đủ đất ở, đất sản xuất được tạo điều kiện chuyển đổi nghề. Giai đoạn 2016-2020, đề án tiếp tục được thực hiện tại các xã: Đèo Gia, Thanh Hải, Phú Nhuận, Hộ Đáp, Sa Lý, Phong Vân, Phong Minh, Tân Hoa, Tân Sơn, Kim Sơn, Cấm Sơn, Kiên Lao, Giáp Sơn, Phì Điền, Kiên Thành. Riêng năm 2016, huyện đã giải ngân hơn 3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư để hỗ trợ, tư vấn định hướng nghề nghiệp. Trong đó, 338 hộ được hỗ trợ mua máy làm đất, thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật, máy xay xát. Ngoài ra, một số hộ ở các xã Kiên Thành, Kiên Lao, Biên Sơn, Hộ Đáp, Cấm Sơn được hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình nước sạch.

Thực hiện Đề án, UBND huyện Lục Ngạn rà soát chặt chẽ từng địa bàn, bảo đảm áp dụng đúng đối tượng; phân bổ bình quân 200-250 triệu đồng/xã/năm hỗ trợ chuyển đổi nghề. Hộ mua máy nông cụ được cấp 5 triệu đồng không hoàn lại. Ngoài ra, nếu có nhu cầu về vốn sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay tối đa 15 triệu đồng/hộ với lãi suất 0,01%/tháng trong 5 năm. Đến nay đa số các hộ đã có nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm hộ nghèo ở các địa phương. 

Ông Hoàng Văn Oanh, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: “Đề án đã giúp nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn có nghề mới, mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, máy móc do người dân tự mua nên thường không có chứng từ, hóa đơn dẫn đến giải ngân gặp khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đang đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu tạo thủ tục thanh toán thông thoáng hơn cho những đối tượng thụ hưởng; đồng thời kiến nghị không  quy định cứng nhắc chỉ hỗ trợ mua máy nông cụ; tăng hạn mức cho vay”.

Ngọc Tâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...